Đây là những quy tắc giúp bạn đơn giản hóa mọi thứ, cải thiện các mối quan hệ cũng như tâm trạng của chính mình.
Chuyên gia tâm lý học Mikhail Labkovsky đã chia sẻ cơ duyên mình đến với nghề. Ông cho biết bản thân muốn trở thành một nhà tâm lý học chính là để giải quyết các vấn đề của bản thân mình. Ông luôn tìm kiếm những phương pháp để bản thân có thể xử lý vấn đề tốt hơn.
Và với 30 năm kinh nghiệm, Mikhail Labkovsky đã đúc rút ra 6 quy tắc đơn giản khiến cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn nhiều phần.
1. Làm điều bạn muốn
Quy tắc này rất quan trọng. Hãy làm những điều bản thân thực sự mong muốn thay vì làm điều mọi người muốn bạn làm.
Hãy áp dụng quy tắc này vào cuộc sống của bạn như một thói quen hàng ngày. Hôm nay mình sẽ ăn gì cho bữa sáng? Mình sẽ kết hôn hay tận hưởng cuộc sống độc thân thêm vài năm nữa? Mình đã sẵn sàng cho việc có con chưa? Mình có nên chuyển sang một lĩnh vực mới không?... Rất nhiều câu hỏi mà chỉ khi bạn lắng nghe trái tim mình, bạn mới có được câu trả lời.
Những đứa trẻ sẽ lớn lên với tâm lý tốt khi được cha mẹ áp dụng quy tắc trên từ khi còn nhỏ. Hãy hỏi con: “Con muốn làm gì bây giờ?”, “Hôm nay con muốn mặc gì?”, “Con muốn ăn gì cho bữa tối”…
2. Đừng làm những việc bản thân không muốn
Cuộc sống này là của bạn và không ai có thể bắt bạn làm điều bản thân bạn không muốn. Việc ép bản thân phải làm một việc gì đó mình không thích sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.
Không ai có thể vui vẻ làm việc khi đó không phải trách nhiệm của mình. Nếu bạn cứ tiếp tục làm những việc bản thân không muốn, bạn sẽ mắc kẹt với những cảm xúc như chán nản, thất vọng và thành công sẽ ngày càng xa tầm tay.
3. Hãy nói ra khi bạn không thích điều gì đó
Đừng tích tụ những cảm xúc tiêu cực để rồi một ngày “nổ tung” vì những điều bản thân phải chịu đựng. Điều này nghe có vẻ không lãng mạn nhưng là điều nên làm. Hãy nói ra cho đối phương biết suy nghĩ, cảm xúc của mình, cho họ biết bản thân bạn đang không thoải mái với một điều gì đó.
“Em không thích … như vậy”.
“Đừng nói với em như thế”.
Với quy tắc này, hãy chỉ nói với người đó một lần về điều bạn thực sự không thích. Nếu anh ấy/ cô ấy không có phản ứng gì, không có sự thay đổi, lời khuyên tốt hơn dành cho bạn là không nên tiếp tục mối quan hệ đó.
4. Đừng trả lời khi không được hỏi
Những câu nói như: “Ngày hôm nay thật tồi tệ”, “Thật là mệt quá đi”, “Đúng là một ngày đầy những chuyện bức mình”… hoàn toàn không phải là câu hỏi và vì thế bạn cũng không nên trả lời chúng.
Bạn có thể bị khiêu khích bởi những câu nói như vậy và trả lời trong khi hoàn toàn không cần thiết.
“Có chuyện gì sai sao? Sao anh cứ phàn nàn mãi vậy?”.
Điều này không giúp cuộc trò chuyện của bạn trở nên tốt hơn hay cải thiện tâm trạng của đối phương. Tốt nhất không nên trả lời khi không được hỏi hoặc thành thật: “Tôi không thích những cuộc trò chuyện như này”.
5. Trả lời đúng câu hỏi
Khi bạn được hỏi một câu và trả lời đúng vào trọng tâm của câu hỏi đó, điều này chứng tỏ bạn là người rất tự tin. Đừng đưa ra những câu trả lời vòng vo, không đi thẳng vào điều người hỏi muốn. Hành động này trông như bạn đang tìm cách đưa ra những cái cớ để che đậy một việc gì đó vậy.
Nếu đối phương muốn biết chi tiết hơn, họ sẽ tiếp tục đưa ra những câu hỏi.
6. Chỉ nói lên suy nghĩ của mình trong cuộc tranh luận
Theo các nhà tâm lý học, khi hai người đang trong cuộc cãi vã, tranh luận, hãy giải thích, nói ra cảm xúc của mình, kỳ vọng của bản thân về đối phương cũng như cách bạn muốn được mọi người đối xử.
Quy tắc đơn giản này sẽ giúp bạn hạn chế được xung đột trong các mối quan hệ. Chúng ta thường nói nhiều về người khác, đôi khi điều đó là sự phán xét, áp đặt. Thay vì đó, sao bạn không nói ra chính những suy nghĩ của mình để cả hai không hiểu lầm về nhau?
Hãy cho đối phương biết rằng không phải bạn đang tranh luận với họ mà là bạn đang nói ra tiếng lòng của mình. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng giúp cuộc sống trở nên đơn giản hơn, cải thiện các mối quan hệ.