Không ít gia đình đổ vỡ khi vợ chồng không thể có với nhau một mặt con. Nhưng cặp đôi này không như vậy, hơn nửa thế kỷ, vạn vật thay đổi, chỉ có tình yêu vẫn sắt son như xuân thì.
"Anh sẽ không bao giờ bỏ em"
Sáng cuối tuần, trong căn nhà nhỏ tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) văng vẳng tiếng ngâm thơ, giọng nam, giọng nữ đáp qua đáp lại: “Nhớ buổi đầu anh tặng em bông hoa trắng/ Má ửng hồng em bẽn lẽn nhận hoa/ Sau mươi năm thời gian trôi đằng đẵng/Hoa đã tàn, trong trắng mãi lòng ta/ Nhớ buổi nào tặng nhau bông hoa đỏ/ Mỗi bước đi ta đồng điệu tâm hồn/Ôi đẹp quá tình yêu càng rạng rỡ/Trái đất này còn hạnh phúc nào hơn”.
Đó là ca từ trong bài thơ “Hoa trắng, hoa đỏ” do chính tay ông Nguyễn Ngọc Thọ , 85 tuổi, viết tặng vợ mình là bà Đinh Thị Ngọc Tú, 78 tuổi, sau gần 60 năm chung sống.
Hoa trắng tượng trưng cho những ngày đầu mới yêu, hoa đỏ là tình yêu chín đỏ theo năm tháng. Mỗi khi rảnh, vừa nhâm nhi ly trà ông bà vừa đọc thơ cho nhau nghe, tâm tình, hàn huyên chuyện thời trẻ.
Nay, ông Thọ đã bước sang tuổi 85, bà Tú chạm mốc 78, cả hai vẫn dành cho nhau đôi mắt tình tứ, cử chỉ ân cần. Nhìn bề ngoài, cả hai trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi thực của mình. Bà Tú, da trắng, dáng người dỏng dỏng cao, nhìn bà dễ dàng nhận ra hồi trẻ rất đẹp. Còn ông Thọ, da dẻ hồng hào, cởi mở, học rộng tài cao, duy chỉ có đôi mắt cần đến sự trợ giúp của kính.
Kể về quá trình đến với nhau, ông Thọ cho biết bản thân yêu bà Tú ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông quen em của bà Tú, sau đó mới có dịp gặp bà qua em gái. Thế rồi, tình cảm của họ cứ tiến triển dần, năm 1960. họ "góp gạo thổi cơm chung".
Mọi thứ đều êm đẹp khi cả hai là những người có học vấn, có công ăn việc làm ổn định. Ông Thọ dạy ở trường Trung học phổ thông Chương Dương, Hà Nội. Còn bà Tú là bác sỹ công tác tại Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ và bà Định Thị Ngọc Tú. Ảnh: Ngọc Thi
Cưới nhau một năm, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có tin vui, bạn bè, gia đình hai bên quan tâm hỏi han không ít. Nghi nghi có điều chẳng lành, vợ chồng ông dắt nhau đi khám thì mới biết bà Tú mắc bệnh hẹp ống dẫn trứng, khả năng sinh con dường như vô vọng.
Từ ngày khám về, người nọ mách, người kia bảo là ông Thọ ngược xuôi đem vợ đi chữa trị. Trong đó, có cả những bác sỹ phụ sản hàng đầu cả nước. Thời gian đầu chữa tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội, các bác sỹ tiến hành đắp thuốc, chữa trị cho bà Tú với 8% hy vọng cho việc sinh con. Quá trình đắp thuốc khiến bà Tú đau đớn, từ một người có thân hình đầy đặn nhưng thời điểm đó bà chỉ còn 36 kg.
Xót xa cảnh vợ mặt méo xệch vì đau mỗi lần đắp thuốc, chính ông Thọ khuyên bà không cần chữa trị. Người đàn ông đó chấp nhận việc mình không được làm cha, ông bảo chỉ có vợ là đủ.
Bao lần ông nhủ với bà: “Con cái là lộc trời cho, trời se duyên anh đến với em. Nay, em bệnh, không thể sinh nở, âu đó cũng là số của đôi ta. Dù có thế nào đi chăng nữa, tình cảm anh dành cho em không đổi, anh sẽ không bao giờ bỏ em đi theo người khác. Hơn ai hết, anh biết, mình đau một thì em đau mười khi không thể làm mẹ”.
Ngôi nhà thiếu tiếng trẻ
Không nhìn cuộc sống tiêu cực khi không có con, họ chấp nhận sự thật đau buồn một cách nhẹ nhàng. Bản thân ông Thọ luôn tự nhắc mình phải quan tâm vợ mình nhiều hơn. Vào các ngày nghỉ, họ dẫn nhau đi du lịch. Cả hai ông bà đều quạn niệm rằng, còn trẻ, khỏe thì sẽ đi du lịch ở xa trước, già, sức khỏe có hạn thì đi các địa danh trong nước.
Tính đến nay, ông bà đã cùng nhau đi thăm 17 nước trên thế giới. Họ du lịch kết hợp học hỏi văn hóa, kiến trúc, ẩm thực của các nước bạn. Những văn hóa tốt đẹp của nước bạn được họ tiếp thu, ứng dụng trong cuộc sống.
Có một điều đặc biệt, ông bà thường xuyên đi bar, có lẽ hiếm thấy các cặp U80 có được. Nói đến đây, bà Tú cười bảo: “Vợ chồng tôi bước vào bar nhận thấy rất nhiều phản ứng. Có ánh mắt thán phục của các bạn trẻ, ánh mắt ái ngại của một số ít người. Bên cạnh đó chủ yếu là ánh mắt ngưỡng mộ. Chúng tôi đến đó thấy mình được trẻ lại, hơn nữa thấy được sở thích của giới trẻ bây giờ, chúng tôi chiêm nghiệm xem có gì khác biệt với thời của mình”.
Bà kể, trong một lần đi vào quán bar, có một cô khoảng 50 tuổi đến bắt chuyện với hai ông bà. Vì thấy hai người còn trẻ nên gọi anh, chị. Từ khi nghỉ hưu, ông bà tham gia câu lạc bộ khiêu vũ gần nhà nên cả hai khiêu vũ rất giỏi. Lần đó, cô gái đó mời chồng bà khiêu vũ cùng, còn bà được một ông khác mời nhảy.
Trong lúc khiêu vũ, cô gái hỏi ông Thọ: “Năm nay anh bao tuổi?”, ông đáp lại “Tôi 84 tuổi rồi”, cô gái thốt lên “anh kém bà em một tuổi”. Kể đến đoạn này, cả hai cười ngắt nghẽo. Ông bà cho biết thêm, nhiều người còn lầm họ là người Nhật, có lúc ra đường vẫy taxi, tài xế tưởng cả hai là khách du lịch nên cứ bập bẹ nói tiếng Anh và dùng ngôn ngữ hình thể mời đi xe.
Ông Thọ có sở thích viết nhật ký, làm thơ. Ảnh: Ngọc Thi
Mỗi ngày, ông Thọ đều viết nhật ký, ghi lại những sự việc đáng nhớ của hai vợ chồng, thỉnh thoảng cao hứng làm thơ tặng vợ. Họ cùng nhau dọn nhà, đọc sách, đi dạo… Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, cả hai vẫn yêu nhau như ngày nào, vui buồn, mặn ngọt đều chia sẻ, cùng nhau vững bước trong cuộc sống.
Nhìn lại quãng thời gian gắn bó với nhau, bà Tú rất hài lòng vì có một người chồng như ông Thọ: “Trước đây khi tôi biết mình không có khả năng làm mẹ, tôi nghĩ cuộc hôn nhân này sẽ chia đôi ngả. Bản thân cảm thấy mình phải rời xa để cơ hội ông đến với những người phụ nữ khác, có thể sinh cho ông những đứa con. Ông xứng đáng có một mái ấm gia đình trọn vẹn”.
Bà cũng tâm sự thêm, vào thời nay, mọi người đã có suy nghĩ thoáng hơn về việc vợ không có khả
năng sinh con. Thời của bà, ít người thông cảm. Tuy nhiên, tình cảm chân thành ông dành cho bà đã giúp bà vượt qua những mặc cảm. Cả hai luôn hiểu tâm lý nhau và cố gắng dung hòa mọi mối quan hệ để có những năm tháng tuổi già bình yên và hạnh phúc.
Tình yêu của họ đẹp như những vần thơ ông viết tặng bà: “Em ơi anh muốn đời ước hẹn/Cho đôi ta chỉ trọn đôi điều/Là thủy chung rất mực với tình yêu/Là hạnh phúc vững bền như sắt đá/Hai trái tim dâng cho đời tất cả”.