Biết những điều này là cách để bạn có thể dễ dàng cắt giảm chi phí và tiết kiệm được nhiều hơn.
Việc xem xét các khoản chi hàng tháng sẽ giúp bạn xác định đâu là chỗ mình nên cắt giảm chi tiêu. Sự thật là bạn có thể cắt giảm rất nhiều khoản chi mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Dưới đây là những điều nên tránh khi bạn lãng phí tiền bạc mà không nhận ra.
Mua sắm “bừa”
Bước vào siêu thị mà không có danh sách những thứ bạn cần đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ mua rất nhiều món mà mình thực sự không cần đến. Gary Grewal, chuyên gia lập kế hoạch tài chính và là tác giả của cuốn sách “Financial Fives”, cho biết cho biết sai lầm này sẽ khiến bạn phải chi nhiều hơn cho hàng tạp hoá và về lâu về dài sẽ là điều "thổi bay" ngân sách của bạn.
Ông nói: “Nhiều người trong chúng ta đến cửa hàng và rồi quên mất mình còn bột giặt hay nước tẩy không. Hãy kiểm kê nhanh những gì bạn có trước khi ra ngoài”.
Lập danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm là thói quen tốt mà ai cũng nên xây dựng. Bạn sẽ không tốn thời gian đi hết quầy này đến quầy kia cũng như yên tâm không rơi vào cảnh mua sắm bốc đồng, nhặt vào giỏ những thứ không biết mình liệu có dùng đến hay không.
Không bao giờ kiểm tra lại các giao dịch
Bạn nghĩ rằng chỉ cần quẹt thẻ là mình sẽ thanh toán đúng số tiền mình vừa chi tiêu hay chỉ cần chờ thanh toán là thu ngân sẽ tính đúng tiền cho đống hàng của mình? Sự thật là không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy. Thu ngân hay thậm chí là máy móc đều có thể có lúc mắc sai lầm, trục trặc và Grewal khuyên bạn nên xem lại hoá đơn, bảng sao kê ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của mình hàng tháng để đảm bảo rằng không có sai sót nào xảy ra. Bước này chỉ mất thêm vài phút, nhưng sẽ giúp bạn phát hiện ra sai sót không đáng có và đảm bảo mình không phải mất tiền cho những nhầm lẫn đó.
Chần chừ
Nếu bạn có xu hướng để những việc cần làm trong danh sách đến phút cuối cùng, Grewal cho biết thói quen này có thể buộc bạn phải chi thêm tiền mặt. Ông nói:
"Cho dù đó là đặt vé máy bay hay đặt thứ gì đó mà bạn cần vào một ngày nhất định, làm trước thời hạn hoặc lên lịch mỗi tuần để hoàn thành việc cần làm của bạn trong tháng tới sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền".
Điều này không chỉ cho phép bạn tận dụng lợi thế của việc đặt sớm mà còn giúp bạn tận hưởng cảm giác thư thái hơn vì không phải vội vàng hoàn thành nhiệm vụ vào giờ chót.
Duy trì các đăng ký không cần thiết
Thật dễ dàng để đăng ký một dịch vụ như báo điện tử thu phí, ứng dụng xem phim, nền tảng phát nhạc rồi để đó, mặc chúng tự động gia hạn. Đây là một lỗi phổ biến, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn không thanh toán cho một đăng ký mà bạn thậm chí không nhận ra rằng bạn vẫn đang sử dụng.
Ông nói: “Nhiều người đang trả tiền cho những gói đăng ký mà họ không còn sử dụng nữa. Hãy rà soát lại các đăng ký và đảm bảo rằng bạn không trả tiền cho những thứ không cần thiết”.
Trả quá nhiều tiền cho dữ liệu
Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, mỗi ngày bạn đều dành nhiều thời gian trên điện thoại thông minh của mình và cảm thấy nhu cầu kết nối là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc mua các gói dữ liệu mạng dung lượng lớn có thực sự cần thiết? Theo Pendergast, bạn có thể không thực sự cần mua dữ liệu không giới hạn.
Ông nói: “Mặc dù việc điện thoại, máy tính xách tay luôn có sẵn mạng rất thuận tiện khi bạn đang đi trên đường song sự thật là đa phần các nơi bạn đến đều có wi-fi”.
Bên cạnh việc mua các gói dữ liệu không giới hạn dung lượng, rất nhiều người đang duy trì các dịch vụ không cần thiết, để chúng tự động gia hạn mà không để ý mình đang lãng phí tiền. Hãy kiểm tra xem bạn đang sử dụng các dịch vụ nào và xem chúng có thực sự cần thiết không, có nên cắt bỏ hay chuyển sang gói cước khác với giá phải chăng hơn.
Mua thức ăn chế biến sẵn
Khi bạn đang vội, mệt mỏi hoặc chỉ đơn giản là không muốn nấu ăn, việc mua thực phẩm chế biến sẵn từ siêu thị, cửa hàng tạp hóa có vẻ là một giải pháp thay thế hợp lý. Tuy nhiên, theo Chrissy Randall, chủ sở hữu của Reimagining Wealth Inc., đơn vị cung cấp các dịch vụ huấn luyện bảo vệ và gia tăng tài sản, thói quen này có thể dễ dàng trở thành một thói quen “đốt” tiền.
Randall nói thêm: “Chúng ta thường mua pho mát nghiền sẵn hoặc trái cây cắt nhỏ, thức ăn chế biến sẵn và làm điều đó như một thói quen. Khi chúng ta mua các nguyên liệu đã được chế biến sẵn, chúng ta đang chi tiêu gấp 2-4 lần trong khi chúng ta có thể chỉ mất vài phút để tự làm việc đó”.
Trước khi định mua khoai tây cọng hay trái cây cắt sẵn, bạn hãy so sánh giá của chúng với giá của nguyên liệu thô. Bạn có thể tự làm và không hề tốn nhiều thời gian. Bạn cũng có thể học cách bảo quản để giữ được thực phẩm tươi lâu hơn, một lần sơ chế cho nhiều lần nấu.
Mua các mặt hàng giá rẻ cần thay thế thường xuyên
Đây là thói quen khá phổ biến khi nhiều người nghĩ rằng mua đồ rẻ chính là tiết kiệm. Nhìn thoáng qua thì có vẻ như mua những món hàng rẻ tiền nhất trên kệ chính là cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền, nhưng Randall cho rằng đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
“Nếu bạn mua chiếc máy nướng bánh mì giá 17 đô la nhưng nó nhanh chóng bị hỏng chỉ sau 6 tháng thay vì mua chiếc máy nướng bánh mì 60 đô la có thể dùng trong 10 năm, bạn đang ném tiền của mình vào thùng rác. Hãy tìm hiểu và chú trọng vào chất lượng hơn là chỉ quan tâm đến giá rẻ”, cô chia sẻ.
Chiến lược này có thể sẽ khiến bạn phải trả trước một số tiền nhiều hơn nhưng bạn sẽ tiết kiệm được một khoản lớn về lâu về dài. Bạn có thể áp dụng chiến lược này với rất nhiều sản phẩm. Thay vì mua một chiếc áo giá 5 đô la nhưng nhanh sờn chỉ sau vài lần giặt, một chiếc áo chất lượng tốt giá 20 đô la sẽ xứng đáng hơn nhiều lần.
Bỏ lỡ những giờ giá "hời"
Đi xem phim với bạn bè vào suất chiều buổi chiều hay hẹn ăn uống vào các ngày thường thay vì cuối tuần có thể là điều khá lạ lẫm với nhiều người song chúng sẽ khiến bạn tiết kiệm được kha khá tiền. Thường thì các cửa hàng, dịch vụ sẽ có những khung giờ với giá mềm hơn để kích cầu. Vì sao bạn lại không tận dụng điều này để tiết kiệm được nhiều hơn mà vẫn có thể cùng bạn bè giải trí.