Chồng chị bảo: “Chị chỉ là cái máy đẻ, hết thời hạn sử dụng là vứt xó không được tích sự gì. Chỉ có việc đẻ con trai mà không nên hồn”.
Chị Đót 32 tuổi, người gầy, gù lưng, mặt xanh xao như tàu lá chuối héo. Chị ngồi quay nước mía ở rìa làng, mỗi ngày được 5-7 cốc cho khách, lãi khoảng 30.000 đồng. Chị ít cười, chỉ nhìn khách bằng đôi mắt ti hí. Uống nước mía ở quán chị nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị nhìn thẳng vào mặt khách. Mãi sau này, khi tìm hiểu tôi mới biết thói quen cúi gắm mặt ấy chị được "luyện rèn" suốt 25 năm làm dâu nhà chồng.
Nhà neo người, 17 tuổi chị được gả chồng. Anh chồng hơn chị 2 tuổi ở huyện kế bên. Anh là con trai trưởng của gia đình và dòng họ, nhà có điều kiện. Lấy anh, áp lực của dâu trưởng đã lớn, áp lực để đẻ con trai nối dõi càng gấp bội. Từ ngày lấy chồng, việc duy nhất của chị là đẻ con.
Chị xòn xòn cứ một năm lại mang bầu một đứa. Ngày chửa đứa đầu tiên, cả nhà mừng quýnh. Bố mẹ chồng sắm cho chị chiếc ghế mây dài có lưng tựa chắc nịch và chỗ để chân thoải mái đẻ con dâu có thể vừa xem tivi vừa thư giãn. Mang thai đến tháng thứ 4, chị bị dọa sẩy, sự chăm sóc càng tăng lên gấp bội. Mẹ chồng nấu cháo gà, hầm bồ câu đưa lên tận phòng cho con. Chị Đót không phải làm gì ngoài ăn, nghỉ, hưởng thụ dưỡng thai. 9 tháng 10 ngày, bé gái chào đời.
Một năm sau, bố mẹ chồng bắt đầu nhắc khéo vợ chồng chị: “Nhà này là con trưởng nên liệu liệu để đẻ đứa thứ hai là vừa, mà lần này phải là con trai. Không đẻ được con trai thì đẻ bao giờ 'hết trứng' mới thôi”. Chị Đót thấy bắt đầu có áp lực. Chị đi hỏi thăm kinh nghiệm của hàng xóm, của bạn bè – những người đẻ được con trai. Chị xay giá đỗ cho chồng, lên kế hoạch “canh trứng”, “yêu” đúng giờ để sinh con trai. Bà mẹ chồng đi xem bói, thầy bói nói: “Phải kê lại giường, để giường quay ngược lại so với trước”. Chị cũng một mực nghe theo.
Năm 19 tuổi, chị Đót lại có bầu đứa thứ hai. Siêu âm tháng thứ 5, con lại là gái. Sự thất vọng biểu hiện rõ trên nét mặt của tất cả thành viên trong gia đình chồng chị. Mẹ chồng lạnh nhạt ra mặt. Bố chồng húng hắng, kiệm lời hơn với con dâu. Còn chồng thường xuyên cáu gắt. Bầu bí lần 2 khác hẳn với lần thứ nhất. Không còn cháo chim câu cũng chẳng còn thịt gà hầm như trước nữa, chị ăn cơm với trứng luộc hàng ngày.
Có những hôm cả gia đình ăn cơm trước, chị vẫn lúi húi dưới bếp, trong nhà tắm để giặt cho xong chậu quần áo của cả nhà. Chị vẫn khóc thầm một mình trong suốt những tháng thai kì ròng rã.
Lần này đứa con đẻ non lúc 7 tháng và có biểu hiện suy hô hấp nặng. Con nằm lồng kính suốt hơn một tháng nhưng bệnh nặng nên không qua khỏi. Đứa con chị mang nặng đẻ đau và đứt ruột sinh ra cũng xa chị mãi mãi. Được “nghỉ ngơi” 7 tháng, chị Đót lại bị áp lực và phải mang bầu. Chị lại có tin vui nhưng lần này vẫn là con gái.
6 năm sau… 6 đứa con cứ lần lượt ra đời, tất cả đều giới tính “giống mẹ”. Sự ghẻ lạnh, soi mói bắt đầu bủa vây quanh nhà. Chồng chị bảo: “Chị chỉ là cái máy đẻ, hết thời hạn sử dụng là vứt xó không được tích sự gì. Chỉ có việc đẻ con trai mà không nên hồn”. Mẹ chồng chị bảo: “Mày mà không đẻ được cho gia đình, dòng tộc một thằng cu thì 8 mẹ con dọn về nhà ngoại mà ở. Tao cưới vợ mới cho thằng Nam”.
Bữa cơm hàng ngày diễn ra với 12 miệng ăn nhưng tất cả đều im lặng. Chỉ có duy nhất tiếng bát đũa lạch cạch trong mâm. Mọi người nhìn nhau xét nét. Mẹ chồng lườm nguýt con dâu, chồng gườm gườm thỉnh thoảng quắc mắt nhìn vợ. 8 đứa con lít nhít chí chóe, tranh nhau thức ăn cũng chỉ dám tranh nhẹ nhàng rồi cắm cúi vào bát cơm ăn cho xong bữa.
Năm chị 32 tuổi, chị lại có bầu. Lần này cả nhà lại được phen vui vẻ. Tuần đầu tiên biết chị Đót có tin mừng, mẹ chồng thay đổi thái độ. Bà lại mua chim câu về nấu cháo cho con, mua gà hầm về ninh nhừ tẩm bổ. Thai 3 tháng, chị đi siêu âm, bác sĩ bảo: “Không biết tin này vui hay buồn cho chị nữa. Vui vì chị có thêm một cậu quý tử , buồn vì nếu sinh con thì tính mạng hai mẹ con “ngàn cân treo sợi tóc”. Với một người phụ nữ 32 tuổi mà đã sinh 8 người con, mỗi lần sinh con gần nhau liên tiếp mà không kiêng cữ gì. Sức khỏe đã giảm sút trầm trọng, giờ với cái thai này cực kì nguy hiểm”.
Chị Đót ngồi thụp ngay sảnh bệnh viện, buồn vui lẫn lộn. Chị vui vì mơ ước của cả gia đình bao năm nay giờ có lẽ sắp thành hiện thực. Buồn vì nghĩ tới lời khuyến cáo của vị bác sĩ. Mấy cặp vợ chồng tình tứ trước mặt chị, chồng cưng nựng, vỗ về cô vợ đang mang bầu mà chị thèm thuồng, rơm rớm khóc. Chị tủi thân.
Chị giấu nhẹm lời của bác sĩ và thông báo tin mừng với cả nhà: “Con đang mang thai đứa con trai trong bụng”. Một sự cung phụng của đại gia đình từ mẹ chồng, bố chồng đến chồng bắt đầu trở lại như những ngày chị mang thai đứa con đầu tiên. Hàng ngày công việc duy nhất của chị Đót là ăn, nằm nghỉ ở chiếc ghế mây dài giữa nhà rồi nghỉ dưỡng.
Đến 6 tháng, thai chết lưu. Chị khóc cạn nước mắt. Bác sĩ bảo, chị phải hút thai ra vì con đã quá to. Vị bác sĩ già lại nhắc khéo, lần này nếu không kiêng cữ, mà có thai tiếp là nguy cơ mẹ tử vong đến 90% chứ không còn chết lưu nữa.
Chị nói với gia đình chồng về tình trạng sức khỏe của mình. Mong “thư thư thời gian” để chị có thêm con trai nối dõi. Nhưng nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, chị lại nghe tin sét đánh từ mẹ chồng, từ chồng: “Thôi, tao tìm được vợ mới cho thằng Nam rồi. Con bé nhìn mắn lắm, mới 21 tuổi, chưa chồng, nhà nghèo. Nhà nó ở mạn ngược Bắc Kạn, cũng thích thằng Nam. 9 mẹ con mày về nhà ngoại ở, thỉnh thoảng tao chu cấp tiền...".
Chiều tháng 8, mưa xối xả, quán nước mía nhỏ của mẹ chon chị Đót liêu xiêu bên rìa đường. 8 đứa trẻ mặt nhem nhuốc vì đói. Chị lại nghĩ: “Giá mà mình đẻ được thằng con trai, thì đâu đến nỗi…”.