Có những điều tưởng chừng vô hại nhưng khi nói ra có thể làm ai đó phải lo lắng, thậm chí là tổn thương, gây tranh cãi. Đó cũng là lý do mỗi người cần có một ranh giới nhất định về những chuyện không nên chia sẻ với người nhà.
Gia đình là nơi không ai bị bỏ rơi và yêu thương ta vô điều kiện. Ngay cả khi cả thế giới quay lưng với bạn, hãy nhớ bên cạnh ta luôn có gia đình.
Yêu thương và đầy gắn bó song điều đó không có nghĩa là tất cả mọi điều của cuộc sống bạn nên chia sẻ, để gia đình mình tham gia vào quá sâu. Có những điều tưởng chừng vô hại nhưng khi nói ra có thể làm ai đó phải lo lắng, thậm chí là tổn thương, gây tranh cãi. Đó cũng là lý do mỗi người cần có một ranh giới nhất định về những chuyện không nên chia sẻ với người nhà. Nhớ rằng, điều này không có nghĩa là bạn nên xa gia đình hay tránh nói chuyện với họ.
Kế hoạch tương lai
Chia sẻ về các kế hoạch trong tương lai với người thân trong gia đình là điều chúng ta vẫn hay làm. Tuy nhiên việc này cũng dễ khiến não bộ của chúng ta bị đánh lừa rằng mình đã hoàn thành được việc đó trong khi sự thật không phải vậy. Nó khiến chúng ta ít có động lực hơn, nỗ lực hơn để đạt được kế hoạch.
Tất nhiên, chia sẻ về kế hoạch tương lai với người thân trong gia đình không có gì sai, song tốt nhất bạn không nên chia sẻ quá chi tiết.
Các vấn đề trong mối quan hệ cá nhân
Chia với với người thân về những vấn đề nhỏ mà bạn gặp phải trong cuộc sống là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên khi bạn đi quá sâu vào chi tiết, vạch ra hết những điều tiêu cực mà bạn nghĩ trong đầu thì điều đó có thể dẫn đến một số rắc rối sau này.
Bạn cãi nhau với chồng và đang cảm thấy rất tức giận vì anh ấy liên tục đi liên hoan cuối năm đến muộn mới về. Bạn ôm con về ngoại, ấm ức kể với bố mẹ mình về đủ mọi tật xấu của chồng?
Hãy nhớ rằng, không ai trong gia đình bạn có mối quan hệ ràng buộc cũng như hiểu về người bạn đời của bạn như bạn. Khi nóng giận, bạn thường sẽ chỉ nói ra điều tiêu cực khiến mình bực bội mà quên đi những ưu điểm của bạn đời. Khi cơn giận qua đi, bạn tha thứ và không còn nhớ đến điều đó song người thân của bạn thì có thể không như vậy. Trong đầu họ sẽ có thể vẫn còn ác cảm và cảm thấy lo lắng, nghi ngờ về tương lai sau này của vợ chồng bạn.
Thu nhập và tình hình tài chính của bạn
Nếu bạn là người độc lập về tài chính, sẽ tốt hơn khi bạn chỉ cần chia sẻ chung về số tiền kiếm được hàng năm. Gia đình bạn không cần thiết phải biết về từng đồng bạn kiếm được hay mọi thứ đã diễn ra như thế nào.
Bên cạnh đó, nếu có bất kỳ vấn đề tài chính hoặc sự gia tăng thu nhập, bạn cũng không cần thiết phải chung cấp quá chi tiết. Tiền bạc là chủ đề khá nhạy cảm và việc bạn chia sẻ ra có thể khiến người thân cảm thấy lo lắng và đưa ra những lời khuyên không cần thiết về cách bạn quản lý đồng tiền. Không ai trong chúng ta muốn nổ ra tranh cãi từ việc không đáng.
Bí mật của bản thân hoặc ai đó
Chúng ta thường chia sẻ với nhau những câu chuyện trong giờ rảnh rỗi với đủ mọi chủ đề, từ gia đình, thời tiết, tài chính đến chuyện của các ngôi sao, người nổi tiếng. "Tám" chuyện là điều bình thường song đôi khi vì sự tin tưởng với người thân trong gia đình mà bạn dễ thao thao bất tuyệt về chuyện vốn dĩ là bí mật của bản thân hay một ai đó.
Dù thân thiết và rất tin tưởng song sự thật là họ có thể vô tình tiết lộ ra bí mật đó và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn cũng như làm hỏng các mối quan hệ của bạn với những người khác.
Kế hoạch sinh con
Bố mẹ bạn có thể vì muốn sớm có cháu mà sẽ liên tục hỏi hai vợ chồng về kế hoạch sinh con. Hãy nhớ rằng, bạn là người cuối cùng đưa ra lựa chọn về thời điểm này. Để tránh gây ra hiểu lầm hay thậm chí nổ ra tranh cãi, đôi khi tốt hơn bạn nên tránh chủ đề này hoặc ít nhất là đảm bảo rằng họ sẽ không tiếp cận với quá nhiều thông tin liên quan đến chủ đề đó.
Những nỗi đau, trách cứ trong quá khứ
Nhắc lại những điều đã xảy ra với bạn trong quá khứ không phải lúc nào cũng là ý hay, đặc biệt là khi những kỷ niệm đó có thể khiến bạn gợi lại nỗi đau. Việc nói về chủ đề này một lần nữa có thể khiến vấn đề trở lại và gây ra rắc rối.
Không ai có thể tránh khỏi những điều không được như bản thân mong muốn. Hãy cố gắng tự giải quyết và tha thứ cho những điều đã xảy ra. Chỉ khi vấn đề đã được giải quyết, có thể được chia sẻ một cách lành mạnh, không gây ra tranh cãi thì bạn mới nên chia sẻ với người thân, tất nhiên là một cách thận trọng.
Những sai lầm của bạn
Bạn có thể chia sẻ với bố mẹ, anh chị về một số sai sót nhỏ của mình song với những sai lầm lớn, sẽ tốt hơn bạn nên giữ bí mật cho mình. Lý do là bởi việc nói ra có thể khiến cha mẹ bạn lo lắng về bạn và muốn giúp đỡ bạn để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên thực tế là có thể họ không giải quyết được và họ cũng không có trách nhiệm phải làm việc đó cho bạn. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể giải quyết rắc rối bằng chính khả năng của mình.
Niềm tin, sở thích
Tôn giáo, chính trị và các quan điểm về thế giới xung quanh, những chủ đề tế nhị này đôi khi là điều bạn nên tránh chia sẻ, ngay cả với các thành viên trong gia đình. Những ý kiến, quan điểm trái chiều có thể khiến bạn và đối phương không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến nổ ra tranh cãi không đáng có, thậm chí làm hỏng mối quan hệ của gia đình.
Thông tin chi tiết bạn đi đâu, làm gì
Khi bạn còn là một đứa trẻ, bố mẹ cần thường xuyên biết bạn đang làm gì ở đâu. Tuy nhiên theo thời gian, khi bạn ngày càng trưởng thành, không cần thiết bạn phải chia sẻ với người thân một cách quá chi tiết về lịch trình sinh hoạt hàng ngày, bạn đi đâu, làm gì.
Bạn cần có sự độc lập nhất định và nếu bố mẹ bạn vẫn muốn giữ bạn trong lòng bàn tay và đòi hỏi cung cấp chi tiết về việc bạn đi đâu làm gì 24/7, hãy ngồi lại và chia sẻ thẳng thắn với họ về việc điều đó có thể gây áp lực tinh thần cho bạn cũng như xâm phạm không gian cá nhân.