Đừng luôn miệng xin lỗi, đây mới là cách ứng xử khôn ngoan

Kiên Nguyễn - Ngày 10/06/2022 12:00 PM (GMT+7)

Nhiều người vẫn tưởng luôn miệng xin lỗi chính là biểu hiện lịch sự và khéo léo song người khôn ngoan không làm vậy. Họ biết đâu là lúc mình nên nói lời xin lỗi thay vì luôn miệng nói trong quá nhiều tình huống không cần thiết.

Nghe audio
0:00
0:00

Lời xin lỗi là một công cụ mạnh mẽ khi được bạn sử dụng đúng cách. Vấn đề là nhiều người trong số chúng ta đang ở trong tình trạng xin lỗi quá nhiều và không cần thiết. Thay đổi thói quen đó có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin và củng cố mối quan hệ với những người xung quanh.

Một số nghiên cứu về những lời xin lỗi và việc xin lỗi quá mức đã chỉ ra một số sự thật thú vị rằng:

Đừng luôn miệng xin lỗi, đây mới là cách ứng xử khôn ngoan - 1

Phụ nữ có xu hướng xin lỗi thường xuyên hơn nam giới. Điều này không phải vì nam giới ngại nói “Tôi xin lỗi” mà vì họ ít nghĩ rằng mình đã làm gì sai điều gì hơn so với phụ nữ. Phụ nữ thường nhạy cảm hơn trong việc đánh giá một hành vi có phải là xúc phạm.

Nạn nhân bị lạm dụng, người bị rối loạn lo âu và nạn nhân bị chấn thương cũng dễ có thói quen xin lỗi quá mức như một cơ chế đối phó để tránh bị tổn hại hoặc rơi vào tình trạng không thoải mái.

Khi một người luôn miệng xin lỗi về những điều họ không có trách nhiệm, không kiểm soát được hoặc điều quá nhỏ nhặt trong cuộc sống, chúng sẽ tạo ra những nhận thức tiêu cực trong tâm trí. Cụ thể, nó làm mất đi giá trị của những lời xin lỗi chân thành, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người đó cũng như sự tôn trọng người khác dành cho họ. Một người xin lỗi quá nhiều cũng có thể bị coi là không đủ năng lực.

4 lời khuyên để bạn ngừng nói lời xin lỗi quá nhiều

Để thay đổi thói quen xin lỗi quá nhiều, bạn cần biết lý do mình xin lỗi quá mức. Nếu thói quen này nhằm xoa dịu bản thân khỏi ám ảnh về trải nghiệm đau thương nào đó, bạn có thể cần đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để giải quyết các vấn đề cơ bản. Chỉ thay đổi hành vi liên quan sẽ không thể chữa lành được vết thương vẫn còn đó.

Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn ngừng nói lời xin lỗi quá nhiều:

1. Hãy lưu tâm đến những lần bạn nói xin lỗi

Hãy xem bạn thường xin lỗi khi nào và đánh giá tình huống đó. Tự hỏi bản thân: “Có lý do gì để mình phải xin lỗi không? Mình có phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xin lỗi không?" Bạn sẽ có ý thức hơn về việc nên nói lời xin lỗi hay không trong những tình huống tương tự.

2. Im lặng và suy nghĩ trước khi nói

Đừng luôn miệng xin lỗi, đây mới là cách ứng xử khôn ngoan - 2

Nếu xin lỗi đã trở thành câu cửa miệng của bạn, hãy cố gắng không xin lỗi khi bạn cảm thấy mình đang ở trong những tình huống tương tự. Im lặng và nghĩ xem điều bạn muốn truyền đạt là gì, bạn có phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó không và bạn có cần phải xin lỗi hay không. Khoảng lặng này giúp bạn suy nghĩ rõ hơn về tình huống và nhận định liệu mình có gây ra vấn đề hoặc tác hại nào cần xin lỗi hay không.

3. Xem xét những gì bạn thực sự cố gắng truyền đạt

Thông thường, chúng ta nói "Tôi xin lỗi" khi có những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp hơn. Thay vào đó, hãy cân nhắc xem hai từ này có phản ánh chính xác những gì bạn muốn truyền đạt tới đối phương hay không. Nếu có những suy nghĩ hay cảm xúc khác lớn hơn, giờ là lúc để bạn nói lên những cảm xúc đó thay vì luôn miệng xin lỗi. Thay đổi này sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng của chính mình cũng như sự tôn trọng với đồng nghiệp, người xung quanh.

4. Lặp lại cho đến khi trở thành thói quen

Thay đổi thói quen là một quá trình tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Bạn cần dừng thói quen trước đó và thay thế thói quen đó bằng một hành vi khác, thực hiện nhiều lần cho đến khi nó trở thành thói quen. Bởi vậy hãy lặp lại 3 bước trên nhiều lần cho đến khi bạn thấy chúng thành một phần cuộc sống của mình.

Đừng luôn miệng xin lỗi, đây mới là cách ứng xử khôn ngoan - 3

Cách ứng xử khôn ngoan thay vì luôn miệng nói “Xin lỗi!”

Bạn đã biết bản thân không nên luôn miệng nói lời xin lỗi trong các tình huống, vậy chọn cách ứng xử nào để thay thế?

Bạn có thể sử dụng lời cảm ơn và các hình thức biết ơn khác như một cách để thay đổi nhận thức về cuộc trò chuyện.

Thay vì nói: "Xin lỗi vì đã làm mất thời gian của bạn", hãy nói: "Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho tôi."

Thay vì nói: "Tôi xin lỗi về sai lầm đó", hãy nói: "Cảm ơn bạn đã giúp tôi phát hiện kịp thời”.

Thay vì nói: "Xin lỗi vì đã đến muộn", hãy nói: "Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn và chờ tôi!"

Bạn có thể sẽ mất một thời gian để thay đổi thói quen này. Nhiều người dường như đặt câu xin lỗi như phản xạ của mình, khi chưa biết nói gì thì nói xin lỗi.

Nhớ rằng lời xin lỗi cần được nói ra chân thành và đúng thời điểm, tới đúng người. Không phải cứ xin lỗi nhiều mới là lịch sự. Đừng xin lỗi về những điều không phải trách nhiệm của bạn hoặc bạn không có lỗi. Đó cũng là ranh giới quan trọng để phân biệt người biết và không biết tôn trọng mình, điều rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.

10 cách từ chối khéo léo giúp người cả nể nhất cũng có thể nói không
Nhiều người chọn cách cố gắng chấp nhận yêu cầu của người khác để tránh xảy ra xung đột hay sứt mẻ tình cảm. Tuy nhiên những cái gật đầu một cách miễn...

Tư duy thông minh

Kiên Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh