Đừng bước vào cuộc phỏng vấn giống như bạn đang thử giọng cho Broadway. Bạn không cần phải học thuộc lời thoại hay đóng vai là một ai đó hết.
(*) Bài viết là chia sẻ của Gary Burnison, Giám đốc điều hành công ty tư vấn toàn cầu Korn Ferry (đơn vị chuyên giúp các công ty khác tuyển dụng nhân tài). Ông là tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy của Thời báo New York, “Lose the Resume, Land the Job” (tạm dịch: “Mất hồ sơ, tìm được việc). Ông là người có phong cách nói chuyện thẳng thắn, chia sẻ những điều không ai nói với bạn.
“Hãy cho tôi biết về bản thân bạn” là một trong những câu hỏi phổ biến trong bất kỳ cuộc phỏng vấn việc làm nào .
Là CEO của một công ty tư vấn, tìm kiếm nhân tài hàng đầu thế giới , tôi đã thực hiện hàng nghìn cuộc phỏng vấn trong suốt hơn 20 năm qua. Trong đó, câu trả lời hay nhất và cũng là đáng nhớ nhất mà tôi từng nhận được cho câu hỏi trên chính là: “Tôi đã leo lên những ngọn núi cao nhất mỗi lục địa, kể cả đỉnh Everest”.
Tất nhiên, cũng sẽ có người nói rằng họ không bị ấn tượng bởi người đã chinh phục 7 ngọn núi cao nhất của 7 lục địa song chắc hẳn những người đó phải có yêu cầu rất cao, cao đến mức quái gở. Thành tích ấn tượng đó chưa phải là lý do khiến cô ấy nổi bật hơn tất cả những người còn lại.
Là người dự báo được thành công
Có rất nhiều người đã trả lời câu hỏi: “Hãy kể cho tôi nghe về bản thân bạn” bằng cách thuật lại sơ yếu lý lịch của mình. Họ đã sinh ra ở đâu, đi học trường nào, từng làm ở đâu…
Tuy nhiên, nữ ứng viên kia đã chia sẻ những điều không hề có trong tờ lý lịch. Đó là một người thích phiêu lưu, tò mò, sống có mục tiêu và kỷ luật. Quan trọng hơn, rõ ràng là cô ấy học được nhiều từ những kinh nghiệm trong quá khứ và biết cách sử dụng chúng hiệu quả vào tương lai.
Đó vẫn chưa phải là tất cả. Khi tôi hỏi về suy nghĩ đầu tiên lướt qua đầu cô ấy khi đặt chân lên đỉnh Everest, cô ấy đã không hề triết lý hay thao thao bất tuyệt về sự khó khăn mà cô ấy đã trải qua để có được giây phút đó. Cô ấy đã không hề nói những điều chúng ta vẫn thường nghe thấy, thay vào đó cô ấy cười và nói: “Làm thế quái nào mà tôi xuống được bây giờ?”. Điều này cho thấy cô ấy có khả năng thu hút người khác bằng sự hài hước và khiêm tốn.
Ngay lúc đó, tôi nhận ra trước mắt mình là một người có tố chất tuyệt vời mà ai cũng muốn có ở trong nhóm của họ. Điều này đã được nhận ra chỉ trong cuộc trao đổi kéo dài chưa đầy một phút.
Hãy là người đáng nhớ
Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải là một vận động viên leo núi đẳng cấp thế giới để có thể gây ấn tượng trong một cuộc phỏng vấn xin việc. Đây là những lời khuyên của tôi về cách bạn có thể tạo ấn tượng tốt khi bắt đầu phỏng vấn phổ:
1. Hãy mạo hiểm để thể hiện chất riêng
Hầu hết mọi người đều rất háo hức muốn thể hiện tất cả các dự án công việc mà họ đã tham gia. Đừng quá nôn nóng vì sự thật là người tuyển dụng đã xem xét sơ yếu lý lịch của bạn và sẽ có những câu hỏi về chuyên môn của bạn sâu hơn ở vòng trong hoặc phần sau của buổi hẹn.
“Hãy kể cho tôi nghe về bản thân bạn” được coi như một lời mở đầu để bạn có thể chia sẻ về những câu chuyện ngắn của bản thân. Nhà tuyển dụng muốn được biết nhiều hơn về con người bạn, cuộc sống của bạn, những điều ngoài công việc mà bạn đã chia sẻ trong hồ sơ.
2. Đừng nhàm chán
Mỗi chúng ta đều có những điều thú vị để chia sẻ về bản thân mình. Trong 20 năm làm nghề, tôi đã được nghe mọi người nói về mọi thứ, từ việc trở thành đầu bếp sushi đẳng cấp thế giới đến nhà điêu khắc băng.
Điều quan trọng là hãy kể về nó một cách ấn tượng và đáng nhớ. Đó nên là những điều mà bạn vẫn cảm thấy tự hào khi nghĩ về hay những khoảnh khắc ấn tượng chẳng thể nào quên. Nếu những thông tin này có thể thể hiện một khía cạnh độc đáo nào đó của bạn và đặc biệt có liên quan tới công việc này, hãy khai thác một cách khôn ngoan và đừng bỏ phí.
3. Thể hiện mục đích và đam mê của bản thân
Một cách khác để bạn nghĩ về điều này chính là câu hỏi: "Điều gì khiến bạn thức dậy mỗi buổi sáng?”. Nhà tuyển dụng cũng muốn biết sự đam mê trong bạn và mục đích mà bạn theo đuổi. Đó có thể là công việc tình nguyện tại một hợp tác xã nông trại ở Nam Mỹ (thể hiện bạn là người tầm nhìn toàn cầu) hay hoàn thành đường chạy 10 nghìn mét (cho thấy bạn là người thích đối đầu với thử thách).
Không quan trọng thành tích lớn hay nhỏ, miễn là điều đó cho thấy bạn đang nỗ lực để cải thiện bản thân mình. Khi mọi người được thúc đẩy bằng cách đóng góp vào điều gì đó lớn cho bản thân mình – đặc biệt là những điều có mục đích và ý nghĩa - họ sẽ thấy hài lòng hơn.
4. Hãy chân thật
Thể hiện sự chân thật là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm trong một cuộc phỏng vấn xin việc.
Hãy thư giãn, là chính mình và nói sự thật. Đừng bước vào cuộc phỏng vấn giống như bạn đang thử giọng cho Broadway. Bạn không cần phải học thuộc lời thoại hay đóng vai là một ai đó hết. Nếu bạn thổi phồng những gì bạn đã làm hoặc hoàn toàn bịa ra một câu chuyện về bản thân, sẽ nhanh chóng bạn bị lộ một cách không hề mong muốn.