Không thân thiết, mất liên lạc hơn 10 năm, vậy mà lần đầu tiên nhận được điện thoại, thì bạn lại mời đám cưới…
Đang ăn cơm thì có chuông điện thoại. Thấy số lạ, tôi liền nghe máy. Vừa alo đã thấy một giọng nữ hỏi:
- Xin hỏi, đây có phải là số điện thoại của Minh không ạ?
- Đúng rồi, ai vậy ạ?
- Minh ạ, tớ Thanh đây. Thanh 12C, còn nhớ mình không?
- À Thanh ạ, nhớ chứ. Lâu quá rồi còn gì? Cậu dạo này khỏe không? Chồng con gì chưa?
- Ừ, hơn 10 năm rồi còn gì. Hôm vừa rồi, mình gọi điện cho Linh – lớp trưởng mới xin được số điện thoại của cậu. Hôm nay gọi điện là để mời đám cưới đây. Tớ vừa tổ chức đám cưới trong Sài Gòn, nhưng ngày 13/10 này vợ chồng tớ về quê làm lễ báo hỉ. Đi làm ăn xa, tớ cũng ít về quê. Coi như dịp này để về gặp gỡ với mọi người. Tớ đã nói với lớp trưởng rồi đấy, hôm đó trúng vào chủ nhật, mọi người tranh thủ về với tớ cho vui, coi như là dịp cho lớp mình tụ tập.
- Thế à, chúc mừng cậu trước nhé. Mình không hứa trước được, nhưng nếu hôm đó không bận gì thì mình sẽ về.
- Chủ nhật thì bận gì, thôi cố gắng về với tớ cho vui…
Cưới như món quà đòi nợ. (ảnh minh họa)
Kết thúc cuộc gọi mà tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Tôi với Thanh vốn học chung 3 năm cấp 3, nhưng chẳng chơi thân với nhau. Tốt nghiệp, tôi ra Hà Nội học đại học và đi làm cho đến bây giờ. Còn Thanh vào Sài Gòn học và lập nghiệp trong đó luôn.
Tính ra thì từ khi tốt nghiệp cấp 3 đến nay cũng đã hơn 10 năm, tôi với Thanh cũng chỉ gặp nhau 3 hay 4 lần gì đó, trong các dịp họp lớp mỗi khi Tết đến. Mà những lần đó, cũng chỉ là chào hỏi qua loa, rồi người nào đi buôn chuyện với hội bạn thân của người đó thôi. Sau đó, chẳng liên lạc gì với nhau. Vậy nên việc Thanh mời cưới khiến tôi không khỏi băn khoăn. Đi thì tiếc tiền, không đi thì áy náy.
Gọi điện hỏi ý kiến mấy đứa cùng lớp, người thì bảo “đi làm gì, cả năm, cả đời nó có biết mình là ai đâu, tự nhiên lại gọi mời đám cưới, giật hết cả mình”; nhưng cũng có người bảo: Thực ra, không đi cũng được, nhưng nếu Tết mà vợ chồng nó về quê, gặp thì cũng ngại phết nhỉ. Đó là những người chưa lập gia đình, còn những người cưới rồi thì dứt khoát: Tao không đi, hồi cưới tao, tao có mời nó đâu.
Băn khoăn mấy ngày liền, cuối cùng tôi quyết định hôm đó lấy lí do bận đi làm thêm nên không về ăn tiệc, chỉ gửi tiền mừng. Tôi tính, nếu mình đi thì cũng phải bỏ phong bì 300.000 đồng, còn gửi thì chỉ gửi 200.000 đồng thôi, coi như tiết kiệm. Tháng 9, tháng 10 này là mùa cưới, trước mắt tôi đang có 6-7 cái đám cưới không thể không đi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó vậy.
Băn khoăn mấy ngày liền, cuối cùng tôi quyết định hôm đó lấy lí do bận đi làm thêm nên không về ăn tiệc, chỉ gửi tiền mừng. (ảnh minh họa)
Có thể mọi người sẽ cho là tôi tính toán chi li, đi đám cưới người ta rồi khi mình cưới, người ta sẽ trả, đâu rồi cũng vào đó cả thôi, đi đâu thiệt. Nhưng thực ra, không tính toán không được. Bạn lấy chồng thì mừng cho bạn. Nhưng nếu mà những người “xa lắc, xa lơ” như thế này mà cứ thi nhau mời đám cưới thì tôi có mà đi ăn cỗ đến “ốm”. Cứ nghĩ mà xem, nào là bạn cấp tiểu học, trung học, đại học, rồi đồng nghiệp công ty mới, công ty cũ, nếu ai cũng như Thanh, ai mời tôi cũng phải đi thì có mà tôi “sạt nghiệp” vì đám cưới.
Gần 30 tuổi, tôi đã đi không biết bao nhiêu là đám cưới, cũng có đám cưới mình đi mà chưa kịp quen với cô dâu, chú rể. Ví như đồng nghiệp mới, vừa vào Công ty được một tuần thì lấy chồng. Khác phòng, ít gặp nhau nên hầu như chưa chào hỏi gì. Thế mà đùng một cái, nhận được thiệp mời. Không đi không được, vì sau này còn chạm mặt nhau nhiều. Cũng có những đồng nghiệp, lấy chồng xong 1-2 tháng thì nghỉ việc, rồi sau đó chẳng liên lạc nữa. Nhưng mà người cả năm, cả đời chẳng liên lạc gì bỗng dưng mời đám cưới như Thanh thì đúng là lần đầu tiên.
Vẫn biết “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, mình đi người ta, sau này mình cưới người ta ắt sẽ đi lại. Nhưng thiết nghĩ, có mời đám cưới cũng nên mời những người thân thiết, hay liên lạc. Chứ đến hơn chục năm không một lần hỏi thăm nhau, thậm chí còn không biết nhau làm gì, chồng con hay chưa mà mời cưới như Thanh thì thật là khiến người ta khó xử.