Chúng ta không ai có thể hiểu biết về mọi lĩnh vực song có nhiều cách phản hồi khác khéo léo hơn so với việc chỉ đơn giản là nói “Tôi không biết”.
Hãy nghĩ về lần cuối cùng ai đó hỏi bạn điều gì đó mà bạn không có câu trả lời. Phản hồi của bạn khi đó là gì?
Nhiều người khi rơi vào trường hợp này sẽ chỉ đơn giản mà đáp rằng "Tôi không biết". Họ nghĩ rằng đó là cách trả lời thẳng thắn và nhanh chóng giúp họ thoát khỏi cuộc trò chuyện và tiếp tục công việc của mình.
Tuy nhiên, trung thực theo cách này không phải là chiến lược giao tiếp hiệu quả. Chúng ta không ai có thể hiểu biết về mọi lĩnh vực song có nhiều cách phản hồi khác khéo léo hơn so với việc chỉ đơn giản là nói “Tôi không biết”.
Dưới đây là 4 câu trả lời bạn có thể sử dụng vào lần tới khi ai đó hỏi ngoài tầm hiểu biết của bạn. Bạn vẫn sẽ thể hiện được sự trung thực của mình và gây ấn tượng tốt với người đối diện.
1. “Tôi sẽ tìm hiểu thêm”
Đôi khi, tốt hơn là chúng ta nên trì hoãn câu trả lời cho đến khi thu thập đủ thông tin cần thiết. Cách trả lời rằng “Tôi sẽ tìm hiểu thêm” thực sự phát huy tác dụng. Mọi người luôn tôn trọng người ham học hỏi, biết tìm kiếm câu trả lời và giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, trả lời bằng một cái nhún vai cùng câu nói cộc lốc "Tôi không biết" khiến bạn không chỉ không có câu trả lời mà còn trông như không sẵn sàng bỏ công sức nào để tìm câu trả lời.
“Tôi sẽ tìm hiểu thêm” là cách trả lời giúp bạn gia tăng mức độ uy tín của mình. Bạn đang gửi thông điệp đến đối phương rằng bạn sẽ thực hiện những việc có thể để có được thông tin cần thiết.
2. “Tôi cũng có cùng câu hỏi đó”
Sẽ có những lúc bạn rơi vào hoàn cảnh đứng trước một câu hỏi mà bản thân không có câu trả lời. Bạn không biết mình phải tìm kiếm câu trả lời và bắt đầu tìm hiểu từ đâu.
Trong trường hợp gặp phải câu hỏi dạng này, đừng ngại nói với đối phương rằng bạn cũng đang tìm kiếm thông tin tương tự. Về nội dung chính, câu nói này cũng có nghĩa như câu "Tôi không biết" khi truyền tải rõ thông điệp rằng bạn không có câu trả lời.
Tuy nhiên, cách trả lời này giúp bạn tiến thêm một bước nữa trong cách cư xử và gắn kết bạn với đối phương hơn. Thay vì trông như bạn chỉ đang cố tránh đi câu hỏi, cách trả lời này khiến bạn trở nên có trách nhiệm và rất muốn tìm ra câu trả lời. Bạn sẽ cho họ câu trả lời mà họ đang tìm kiếm dù không phải ngay bây giờ.
3. “Dự đoán của tôi là…”
Đôi khi, một phỏng đoán có cơ sở là điều tốt nhất bạn có thể đưa ra. Khi ai đó đặt ra câu hỏi thuộc lĩnh vực bạn không rõ và bạn cần phải đưa ra câu trả lời, đừng chỉ nói rằng “Tôi không biết”.
Trong trường hợp này, bạn nên đưa ra câu trả lời chỉ dựa trên những gì bạn biết. Tất nhiên, câu trả lời cần thể hiện được rõ rằng đó là những gì bạn có thể nói dựa trên hiểu biết của bản thân. Đây là cách để bạn trả lời câu hỏi mình không thực sự biết thay vì né tránh nó.
Hãy chia sẻ những suy nghĩ của mình, những ý tưởng lóe lên trong đầu và đừng ngần ngại cùng đối phương suy nghĩ. Cùng động não và thảo luận chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là nói "Tôi không biết".
4. “Tại sao chúng ta không hỏi…?"
Bạn nên làm gì khi mình thực sự không phải là người tốt nhất để trả lời câu hỏi đó? Cách tốt nhất để xử lý tình huống đó mà không cần nói rằng “Tôi không biết” là gì?
Rất đơn giản, hãy thừa nhận. Thừa nhận rằng công việc đó không hoàn toàn phù hợp với bạn và bạn có thể chỉ cho họ người khác phù hợp hơn.
Bạn có thể cảm thấy như mình đang trốn tránh trách nhiệm hoặc bỏ qua khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn sẽ thấy việc đưa vấn đề đến người có hiểu biết, được trang bị tốt nhất chính là cách xử lý thông minh nhất. Nói với ai đó rằng bạn biết người khác hiểu biết hơn về một vấn đề luôn tốt hơn là cố gắng gây ấn tượng với họ bằng cách trả lời câu hỏi với hiểu biết hạn chế.
"Tôi không biết" là một trong những câu nói có thể dễ dàng “bay” ra khỏi miệng bạn trước khi bạn kịp nhận ra mình đang nói gì. Có rất nhiều cách trả lời khéo léo hơn mà bạn có thể áp dụng trong tùy từng tình huống cụ thể thay vì chỉ vỏn vẹn nói 3 chữ đó.