Việc xây dựng được thói quen tốt vào buổi tối sẽ đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích. Bạn sẽ dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn cũng như trở nên sáng suốt, minh mẫn hơn vào buổi sáng hôm sau.
Tại sao thói quen buổi tối lại quan trọng?
Thói quen buổi tối là những việc bạn làm ngay trước khi đi ngủ. Bạn có thể có thói quen uống một ly nước nóng trước khi đi ngủ hoặc đọc sách trên giường…
Thói quen buổi tối của bạn cũng quan trọng như thói quen buổi sáng của bạn vậy. Khi có được thói quen tốt cho buổi sáng, bạn sẽ không phải mất nhiều công sức để suy nghĩ xem mình cần làm gì để chuẩn bị sẵn sàng.
Tương tự, thói quen tốt vào buổi tối cũng đem lại cho bạn các lợi ích. Bạn sẽ dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn cũng như trở nên sáng suốt, minh mẫn hơn vào buổi sáng hôm sau.
Dưới đây là các bước giúp bạn xây dựng quy trình buổi tối hiệu quả:
Trước khi bạn về nhà:
1. Không uống đồ chứa caffeine sau 4 giờ chiều
Bạn cần xây dựng các thói quen tốt cho buổi tối từ trước khi chìm vào giấc ngủ. Nếu thời gian làm việc của bạn là giờ hành chính, hãy nghĩ xem những điều bạn làm sau 4 giờ chiều ảnh hưởng thế nào đến giấc ngủ của bạn.
Ví dụ: Caffeine sẽ lưu trong cơ thể của bạn đến 6 giờ. Nếu bạn có thói quen uống một tách trà vào buổi tối, hãy dùng trà thảo mộc và không chứa caffeine. Nếu không, đến 10 giờ tối, thậm chí là muộn hơn bạn vẫn thấy bồn chồn, không ngủ được.
2. Uống đủ nước
Mất nước có thể khiến bạn cảm thấy uể oải và mệt mỏi. Hãy luôn đảm bảo rằng cơ thể bạn đủ nước.
3. Quyết định thời điểm ngày làm việc kết thúc
Để có một thói quen ban đêm bền vững, bạn phải quyết định khi nào mình nên dừng lại công việc. Hãy thiết lập thời gian cho các cuộc điện thoại và email liên quan đến công việc. Nếu không đặt ra ranh giới, thật khó để tận hưởng cuộc sống và có được một giấc ngủ ngon.
Ngay sau khi làm việc:
4. Tránh uống rượu
Rượu có thể khiến bạn buồn ngủ nhưng bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ sau đó. Tốt nhất là bạn không nên uống rượu vào buổi tối hoặc ít nhất là cách giờ đi ngủ 2 tiếng.
5. Ăn tối lành mạnh
Hãy cố gắng ăn tối vài giờ trước khi đi ngủ. Việc bạn ăn quá nhiều hoặc bữa ăn quá nhiều chất có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và khó tiêu. Nếu bạn cảm thấy đói trước giờ đi ngủ, hãy tìm một thứ gì đó nhẹ nhàng và lành mạnh.
Khoảng thời gian sau bữa tối cũng là lúc thích hợp để bạn chuẩn bị cho bữa trưa ngày hôm sau. Hãy xem tủ đông của bạn có những gì và bữa tối của bạn còn món gì có thể mang đi làm hôm sau được.
6. Dọn dẹp gọn gàng
Ở trong một môi trường ngăn nắp giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ kiểm soát. Hãy đảm bảo rằng bạn đã dọn dẹp bát đĩa trong khu nhà bếp cũng như giữ phòng ngủ gọn gàng, sạch sẽ. Thức dậy trong một không gian ngăn nắp sẽ mang lại điều kỳ diệu cho tâm trạng của bạn.
7. Chuẩn bị cho ngày hôm sau
Chuẩn bị trước trang phục ngày hôm sau, dọn dẹp những thứ không cần thiết ra khỏi túi và để sẵn mọi thứ bạn cần mang theo bên mình. Thực hiện những bước này giúp bạn hạn chế việc quên đồ hay phải đưa ra nhiều quyết định vào sáng hôm sau.
Khi bạn không có cả tá thứ công việc phải làm khi thức dậy, bạn sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
8. Dành thời gian cho bản thân
Bạn có thể dành thời gian để xem một tập phim yêu thích hoặc chơi điện tử. Quan trọng là bạn cần đặt giới hạn thời gian cho các hoạt động này nếu không muốn sa đà vào và trở thành cú đêm.
9. Tránh xa ánh sáng màn hình
Đảm bảo bạn đã tắt màn hình ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử cản trở cơ thể sản xuất melatonin, một loại hormone cần thiết cho giấc ngủ ngon.
10. Đọc một cuốn sách
Thay vì xem điện thoại, một cách lành mạnh và hữu ích hơn chính là đọc sách. 6 phút đọc sách có thể làm giảm bớt căng thẳng trong cơ thể cũng như làm dịu đi tâm trí của bạn.
11. Suy ngẫm về ngày của bạn
Hãy xem xét những gì bạn đã làm và chưa làm được trong ngày hôm nay. Điều này giúp bạn đánh giá cao thành tích của mình và định hướng ngày hôm sau tốt hơn.
Bắt đầu bằng cách thừa nhận một hoặc hai điều bạn ước giá mình làm tốt hơn và kết thúc bằng vài thành tựu bạn đạt được. Ngay cả khi bạn đã có một ngày tồi tệ, hãy cố gắng kết thúc bằng cách nghĩ về điều gì đó tốt đẹp đã xảy ra. Nếu bạn vẫn còn những lo lắng trong đầu, hãy viết ra nhật ký.
12. Lập kế hoạch cho lịch trình hôm sau
Viết những công việc ưu tiên hàng đầu cho ngày hôm sau vào sổ của bạn. Điều này sẽ giúp bạn không mất nhiều thời gian mỗi sáng, biết được mình cần làm gì.
13. Biết ơn
Viết ra ít nhất một điều bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Để lòng biết ơn trở thành một phần trong thói quen có thể giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Việc làm điều này vào buổi tối còn giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Trước khi đi ngủ:
14. Vệ sinh cá nhân
Ngoài đánh răng và rửa mặt, hãy tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn thoải mái hơn, dễ chìm vào giấc ngủ.
15. Tập yoga trước khi đi ngủ
Tập yoga trước khi đi ngủ kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của bạn, giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn.
16. Đi ngủ vào cùng một thời điểm
Là người trưởng thành, bạn nên ngủ từ 6 giờ đến 10 giờ mỗi ngày. Nếu bạn phải thức dậy lúc 7 giờ sáng ngày hôm sau, tốt hơn bạn nên đi ngủ vào khoảng 11 giờ đêm hôm trước. Hãy tìm khoảng thời gian phù hợp với mình và gắn bó với thời gian ngủ đó. Bạn có thể đặt báo thức một giờ trước khi đi ngủ để nhắc mình về thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi.