Nhìn anh mồ hôi mồ kê mướt mát bưng mâm cơm lên cho vợ mà chị thấy sống mũi mình cay. Anh nhìn chị cười: Em ăn cơm đi. Không ngon lắm, nhưng anh sẽ cố gắng dần.
Nhìn chị khi nào cũng yếu ớt như kiểu tiểu thư con nhà đài các xưa vậy. Chị đi cũng nhẹ nhàng, nói cũng nhẹ nhàng, thậm chí ăn cũng nhẹ nhàng… (Cứ như thể, nếu chị đi mạnh là sợ đất dưới chân đau, nói mạnh là sẽ khiến người khác giật mình hoặc ăn mạnh là vô duyên vậy…) Cộng với nước da trắng hơi xanh càng khiến chị trở nên liễu yếu đào tơ hơn. Ai cũng nghĩ, chắc chị như thế này, hẳn chồng sẽ yêu chiều lắm. Nhưng không ai nghĩ rằng, anh chồng hơn chị cả gấp rưỡi số cân nặng ấy lại như một “ông tướng” ở trong nhà. Và tất cả những người khác có mặt trong cái căn nhà nhỏ ấy chỉ có thể phục vụ và phục tùng mà thôi.
Hai vợ chồng chị làm khác cơ quan nên thời gian gặp nhau cũng không có nhiều. Nhưng khi nào chị đi làm về cũng là người đi chợ, chui vào bếp, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm táp cho con cái… cho tới tận khi ngồi vào mâm cơm cũng chẳng chịu thôi. Cái giống đàn bà khi nào cũng thế, chốc lại đứng lên, lát lại đứng lên vì thiếu cái nọ cái kia… Chị cứ dịu dàng mà tất bật liên hồi như thế. Hoặc thậm chí là anh sai đi lấy những thứ anh cần. Chị quay cuồng suốt ngày với công việc rồi lại cả đống việc nhà dù cho chị làm cái gfi cũng từ tốn. Nhưng là sự từ tốn không ngừng nghỉ. Còn anh thì khi nào cũng thảnh thơi đút tay túi quần đi dạo xung quanh xóm rất thong thả, thảnh thơi, oai vệ. Thậm chí, cứ đến mùa hè là anh mua vé đi bơi cùng với con gái lớn. Rồi tối về ngồi vào mâm cơm. Mùa đông thì lại giày dép rồi đi tập thể dục. Tối ăn cơm xong lại gác chân lên xem ti vi mặc cho chị cặm cụi với bát đĩa rồi lại dạy con học, kiểm tra bài cũ… Khi bước lên giường là khi hai mắt chị dính lại với nhau và cơ thể thì mỏi nhừ… Tưởng chừng không còn chút sức lực nào nữa…
Mọi người trong xóm bảo chị chiều anh quá. Bởi trong cái khu này, có ông nào như thế đâu? Ông lười nhất thì cũng biết quét cho vợ cái nhà và tắm cho vài đứa nhỏ để vợ nấu nướng… Đằng này, thì chả khi nào thấy chồng chị động chân động tay vào việc nhà, khi nào cũng ưỡn ngực bệ vệ thủng thẳng đi đâu đó chơi. Đã là tướng đâu mà cứ làm như ông tướng ấy! Chị chỉ biết thở dài: Thì ở nhà anh ấy khi nào mẹ cũng cung phụng bố anh ấy như thế, nó quen rồi, ngấm vào máu rồi. Trong nhà, không có chuyện đàn ông mà lại đi hầu đàn bà những chuyện ấy! Mọi người lại cáu: Thế nó chỉ có mỗi việc kiếm tiền thôi, còn mày thì cũng kiếm tiên ngang ngửa, rồi lại sinh con và hầu bố con nó từ chân tới đầu thì sức đâu mà sống nữa. Chị ngậm ngùi; thì số em nó thế. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Ai chả muốn được chồng đảm đang giúp đỡ, chia sẻ việc nhà. Nhưng người ta không chịu là, mình ép được không? Rồi lại mặt nặng mày nhẹ, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Thà thôi cứ nhịn đi cho xong. Chị đã nói thế thì còn ai nói được nữa.
Hạnh phúc chính là ở đây, trong căn nhà nhỏ này, khi mà “ông tướng trong nhà” cũng biết vào bếp giúp vợ việc nhà! (ảnh minh họa)
Đúng là giang sơn dễ đổi bản tính khó rời. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi. Chứ lấy nhau rồi giờ biết làm sao? Chẳng nhẽ lại lôi nhau ra tòa chỉ vì chồng không chịu nấu cơm, tắm cho con, quét nhà, giặt quần áo hay sao?
Thế rồi chị sinh con thứ hai, cũng là con gái. Anh chồng càng được nước hơn. Chị phải gửi con gái lớn về nhà ông bà ngoại để nhờ ông bà chăm giùm trong thời gian chị nghỉ đẻ chứ một mình chị không xoay sở được. Mà chồng chị thì vẫn không thể nào bỏ được cái tính gia trưởng dở người như cũ. Nhất là chị đẻ con gái nên anh chồng càng có vẻ hậm hực nhiều hơn. Chị mới sinh con, cơ thể lại yếu nhưng vẫn phải chăm sóc cả chồng lần con, cơm bưng nước rót. Người ta sinh con xong thì sợ tăng cân, sợ béo, tìm cách giảm cân, cố gắng cho gầy bớt đi… Còn chị thì cứ tong teo thêm. Nhìn chị ngày càng rớt như tàu lá. Thật không hiểu được anh nghĩ gì trong đầu mà lại có thể lạnh lùng gia trưởng tới mức nhẫn tâm mặc cho chị xoay sở tất cả việc nhà như thế. Hay tính sĩ diện và ra oai của anh đã khiến anh bảo thủ mãi như thế?
Anh cứ ung dung hưởng thụ, cho tới ngày chị bị ngất ở cơ quan và mọi người gọi điện cho anh tới viện. Vừa bước vào cửa các bác sĩ đã đổ dồn ánh mắt về anh, cô bạn làm cũng cơ quan cũng nhìn anh với ánh mắt lạ lạ. Hóa ra, chị bị suy kiệt cơ thể vì không được ăn uống nghỉ ngơi, lại làm việc quá nhiều sau khi sinh con xong. Và bác sĩ yêu cầu anh cần phải chăm sóc chị, ăn uống tẩm bổ và được nghỉ ngơi trong một thời gian dài để chị có thể lấy lại sức khỏe. Nếu không thì ngay cả tính mạng chị cũng có thể bị đe dọa. Vì chị còn bị huyết áp thấp nữa. Hôm nay, huyết áp của chị đã tụt rất thấp khiến chị bị ngất đi như thế. May mà cơ quan của chị gần với bệnh viện.
Khi ấy anh mới như bừng tỉnh trong cơn u mê của mình. Hóa ra, chị cũng chỉ là một người phụ nữ yếu ớt tới nhường nào? Vậy mà, anh cứ ngỡ chị là siêu nhân trong nhà, cái gì chị cũng có thể làm được mà không cần có anh. Và mấy cái việc vặt vãnh đàn bà ấy thì làm sao có thể khiến một người đàn bà kiệt quệ được trong khi mẹ anh cũng sống như thế, thậm chí vất vả hơn vợ anh cả ngàn lần kia mà?? Nhưng hóa ra, tất cả là anh đã nhầm. Anh có thể mất chị chỉ vì cái suy nghĩ nông cạn ấy của mình.
Anh bắt đầu học cách nấu nướng và chăm sóc người đàn bà của mình một cách vụng về như đứa trẻ tập đi, tập nói. Nhiều khi chị nhìn anh ở trong bếp với cả đống đồ đạc, đôi khi nghe tiếng “á”, vì cắt vào tay, tiếng “ối” vì bị dầu bắn vào người, tiếng bát vỡ, tiếng thìa đũa, xoong chảo rơi loảng xoảng… Rồi có hôm anh lau nhà bị ngã, tắm cho con thì đầy bọt dầu gội chảy vào mắt con, đút cơm cho con ăn thì con bé hét lên: như thế này không gọi là đút cơm mà gọi là chọc cơm. Chả là anh đút cái thìa vào sâu cổ con quá. Hoặc có đêm, nhìn anh pha sữa cho thằng nhỏ, ngượng nghịu bế dỗ con ngủ cho chị nghỉ ngơi thêm… Chị vừa thấy thương anh, nhưng cũng thấy ấm lòng kì lạ. Hóa ra, sự vụng về ấy của anh như một liều thuốc khiến chị cảm thấy mình khỏe lại. Sự chăm sóc của một người đàn ông đối với người đàn bà mình yêu dù có vụng về nhưng lại khiến trái tim người đàn bà rung động một cách sâu xa như thế. Và nếu việc chị ốm yếu, suy kiệt như vậy có thể đổi lại cho chị một người chồng như anh bây giờ, chị vẫn cam lòng.
Nhìn anh mồ hôi mồ kê mướt mát bưng mâm cơm lên cho vợ mà chị thấy sống mũi mình cay. Anh nhìn chị cười: Em ăn cơm đi. Không ngon lắm, nhưng anh sẽ cố gắng dần. Hóa ra, nấu một bữa cơm đâu có đơn giản như anh nghĩ đâu? Chị mỉm cười, khẽ lau giọt mồ hôi trên trán anh.
Hạnh phúc chính là ở đây, trong căn nhà nhỏ này, khi mà “ông tướng trong nhà” cũng biết vào bếp giúp vợ việc nhà!