Khi vạch ra kế hoạch ăn uống, bạn có thể quyết định số tiền chi cho ăn uống trong tháng. Bạn cũng sẽ tránh được việc đi mua sắm nhiều lần, bội chi vì những món hàng mua sắm bốc đồng hoặc lãng phí nguyên liệu do không dùng hết.
Chi phí cho ăn uống luôn chiếm một phần lớn trong ngân sách hàng tháng của chúng ta. Làm sao để ăn uống đảm bảo dinh dưỡng lại tiết kiệm là điều mà các “tay hòm chìa khoá” nào cũng quan tâm.
Đa phần chúng ta thường có thói quen đi chợ theo ngày, đến bữa sẽ nghĩ xem mình nấu gì ăn hôm nay. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện một chút thay đổi là lên trước kế hoạch cho bữa ăn tuần/tháng, bạn sẽ bất ngờ với hiệu quả tiết kiệm thời gian và công sức.
Nhớ rằng, một kế hoạch ăn uống tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải cắt bỏ những món ăn mình yêu thích hay ăn uống kham khổ mà là sử dụng các nguyên liệu hiệu quả hơn, hạn chế ăn hàng. Với một chút khéo léo, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm tiền trong khi vẫn thưởng thức những món ăn mình yêu thích.
Tại sao bạn nên kế hoạch bữa ăn?
Nếu bạn đang cố gắng chi tiêu hợp lý hơn, tiết kiệm nhiều hơn, lập kế hoạch cho bữa ăn chính là cách tuyệt vời để bắt đầu. Khi vạch ra kế hoạch ăn uống, bạn có thể quyết định số tiền chi cho ăn uống trong tháng. Bạn cũng sẽ tránh được việc đi mua sắm nhiều lần, bội chi vì những món hàng mua sắm bốc đồng hoặc lãng phí nguyên liệu do không dùng hết.
Ngoài những lợi ích về tiền bạc, việc lên kế hoạch cho bữa ăn còn có thể đem lại những ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe. Bạn sẽ kiểm soát tốt hơn lượng thức ăn đi vào cơ thể mình cũng như xây dựng chế độ ăn đa dạng hơn.
Làm thế nào để bắt đầu lập kế hoạch bữa ăn với ngân sách tiết kiệm
Khi đã biết lập kế hoạch bữa ăn là một lựa chọn tốt cho cuộc sống của bạn, đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo và bắt đầu lập kế hoạch bữa ăn. Dưới đây là những cách tốt nhất để bạn bắt đầu hành trình ăn uống tiết kiệm của mình.
1. Kiểm kê những gì bạn đã có
Trước khi bạn bắt đầu lên kế hoạch cho các bữa ăn, hãy xem trong tủ của bạn có những gì. Đa phần chúng ta đều có rất nhiều thứ trong phòng bếp mà thậm chí không nhớ tới. Tất nhiên, việc mua số lượng lớn một mặt hàng nào đó sẽ giúp bạn được hưởng mức giá hợp lý hơn song hãy nhớ bạn cần sử dụng hết chúng thay vì để lãng phí.
Hãy kiểm tra tủ lạnh, tủ đông, tủ đồ khô của bạn để xem bạn có những gì. Bạn có thể nhận ra mình có nhiều thứ hơn tưởng tượng và hoàn toàn có thể thực hiện nhiều bữa ăn từ số nguyên liệu hiện có.
2. Cân nhắc ngân sách thực phẩm
Khi muốn chi tiêu hợp lý hơn, cắt giảm chi phí ăn uống, bạn cần xác định ngân sách thực phẩm của mình, số tiền dự định chi tiêu tại cửa hàng tạp hóa. Bạn không nhất thiết phải đưa ra 1 con số chính xác mà có thể ước tính số tiền muốn chi cho thực phẩm.
Một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến chi phí của bạn là loại thực phẩm mà bạn muốn ăn. Nếu bạn dự định ăn hoàn toàn thực phẩm hữu cơ hoặc tuân theo một chế độ ăn kiêng cụ thể, bạn có thể phải chi tiêu nhiều hơn cho bữa ăn của mình. Bất kể bạn chọn phong cách ăn nào thì việc lập kế hoạch bữa ăn đều có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá.
Thực tế về chi tiêu thực phẩm của bạn có thể cho phép bạn tận hưởng kế hoạch bữa ăn và xây dựng khoản tiết kiệm của mình.
3. Duyệt qua danh sách đồ cần mua
Một phần quan trọng của việc chuẩn bị bữa ăn tiết kiệm là mua sắm. Trước khi đi chợ, siêu thị, hãy dành một chút thời gian để xem qua liệu các cửa hàng đang có đợt khuyến mại nào.
Nếu kế hoạch của bạn đa phần là các món làm từ thịt lợn nhưng siêu thị lại đang có chương trình khuyến mại với thịt gà, hãy linh hoạt để cân nhắc thay đổi kế hoạch. Việc tận dụng được các mặt hàng giảm giá sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá. Tất nhiên, đừng lạm dụng điều này bởi nó có thể khiến bạn phát chán với chỉ một nguyên liệu.
4. Ưu tiên các loại trái cây và rau theo mùa
Một bí quyết để lập kế hoạch ăn uống tiết kiệm là mua những món đang trong mùa. Các loại nông sản và trái cây thường có giá cả phải chăng hơn, chất lượng tốt hơn khi đang mùa thu hoạch.
5. Lên thực đơn hàng tuần để ăn uống tiết kiệm hơn
Phần quan trọng nhất của việc chuẩn bị bữa ăn tiết kiệm chính là vạch ra những gì bạn sẽ ăn trong ít nhất một tuần. Khi đã quen dần với việc này, thậm chí bạn có thể xem xét lập kế hoạch ăn uống hàng tháng.
Trước khi đi chợ, siêu thị, hãy dành thời gian để tìm những công thức bạn sẽ làm cho tuần sắp tới. Hãy ưu tiên các món mà bạn có thể tận dụng tốt chương trình giảm giá của cửa hàng hay bất kỳ phiếu giảm giá nào mà bạn tìm thấy. Bằng cách tìm trên mạng internet, bạn có thể tham khảo nhiều mẫu thực đơn tuần và xây dựng cho mình trên cơ sở đó.
6. Thử các bữa ăn không thịt
Thịt thường là một trong những thứ đắt nhất trong giỏ hàng tạp hóa của bạn. Trong khi đó, có những lựa chọn protein khác có giá cả phải chăng hơn, ví dụ bạn có thể mua trứng với giá rẻ hơn nhiều. Việc cân nhắc đến bữa ăn không thịt trong tuần sẽ giúp bạn cắt giảm chi phí thực phẩm.
7. Chuẩn bị và cấp đông
Việc lên kế hoạch ăn uống và mua sắm các nguyên liệu thường là phần dễ dàng. Phần khó khăn hơn là bám sát kế hoạch đó. Đó có thể là một ngày bận rộn, khiến bạn khó lòng thực hiện theo kế hoạch bữa ăn của mình.
Đây là điều hết sức bình thường. Việc chúng ta cần làm là chuẩn bị cho trường hợp mình không muốn hoặc không thể chuẩn bị bữa ăn theo kế hoạch ban đầu. Hãy chuẩn bị trước một số bữa ăn và tiến hành cấp đông. Vào một ngày bận rộn, sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn tránh tốn tiền mua thức ăn nhanh và không mất nhiều thời gian vẫn có một bữa ăn ngon lành.
8. Lưu ý những nguyên liệu đắt tiền
Một trong những cách khiên chi phí thực phẩm của bạn tăng nhanh nhất là liên tục mua các loại gia vị mới cũng như nguyên liệu mới. Nếu bạn đang cố gắng tiết kiệm tiền, hãy xem danh sách thành phần của các công thức nấu ăn mới mà bạn muốn thử để hạn chế việc phải mua thêm bất kỳ thành phần đắt tiền nào.
Tất nhiên, thử những điều mới luôn rất thú vị song nếu bạn không chắc rằng mình sẽ dùng thường xuyên, dùng hết số gia vị đó, sẽ tốt hơn khi bạn không mua chúng hoặc mua chai, lọ nhỏ.
9. Nấu một lần ăn nhiều bữa
Thường thì bạn sẽ tiết kiệm được công sức và tiền bạc hơn khi nấu ăn với số lượng lớn. Tất nhiên, không phải ai cũng thích ăn một món trong nhiều ngày liên tục. Thay vì ăn cùng một món trong nhiều ngày liên tiếp, hãy cân nhắc đến việc chia nhỏ đồ ăn đã nấu thành các hộp rồi tiến hành cấp đông. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng có được một bữa ăn, tiết kiệm thời gian nấu nướng cũng như tận dụng nguyên liệu tốt hơn.
10. Đừng quên ăn vặt
Bạn sẽ rất dễ bỏ qua bữa ăn nhẹ khi lên kế hoạch cho bữa ăn của mình. Điều này có thể khiến bạn bị đói và tất nhiên nó không hay chút nào. Hãy đảm bảo bạn đã tính đến đồ ăn nhẹ trong danh sách mua sắm khi lập kế hoạch bữa ăn.
Tiết kiệm tiền với việc lập kế hoạch bữa ăn hợp lý
Lập kế hoạch bữa ăn sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc. Thêm vào đó, bạn có thể kiểm soát tốt hơn chế độ ăn uống của mình. Hãy dành chỉ 1 phút để suy nghĩ về việc lập kế hoạch bữa ăn có thể thay đổi cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp như nào, bạn sẽ thấy một thay đổi nhỏ này là quan trọng và hữu ích ra sao.