Dưới đây là những điều bạn có thể làm để tiết kiệm thành công hơn. Các mẹo nhỏ này không chỉ giúp ích cho mục tiêu ngắn hạn của bạn, mà còn hoạt động hiệu quả cho các mục tiêu dài hạn như tích lũy tiền mua nhà.
1. Lập ngân sách
Trọng tâm của bất kỳ kế hoạch tiết kiệm nào cũng đều là ngân sách. Lập ngân sách giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi tiêu của mình và cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm. MoneySmart cho biết: "Bằng cách kiểm tra bảng sao kê thẻ tín dụng, hóa đơn, bảng sao kê ngân hàng và biên lai, bạn có thể tính ra tất cả các chi phí thường xuyên của mình như tiền thuê nhà, vay mua nhà, đi lại, bảo hiểm và điện, nước... Sau đó, bạn khấu trừ các chi phí này khỏi thu nhập của mình. Nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể cắt bỏ hoặc cắt giảm những khoản gì".
Khi xác định các ưu tiên tiền bạc, hãy nghĩ về những khoản nào bạn cần cho sinh hoạt cơ bản của mình và những thứ nào chỉ là muốn có, không phải thực sự cần thiết. Ngân sách của bạn cũng cần được cập nhật ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu hoàn cảnh của bạn thay đổi đáng kể (ví dụ như mất việc làm, sinh con...).
2. Theo dõi chi tiêu của bạn
Chúng ta có thể rơi vào bẫy khi nghĩ rằng chỉ các khoản chi lớn mới khiến chúng ta bội chi, xẹp ví trong khi những khoản chi tưởng nhỏ nhưng thường xuyên lại dễ khiến chúng ta trả giá nhiều hơn.
Đó là lý do tại sao việc theo dõi chi tiêu hàng ngày lại quan trọng đến vậy. Đó là cách để bạn không sống quá khả năng của mình. Bạn có thể tiến hành ghi chép vào sổ, qua bảng tính excel hoặc sao kê tài khoản ngân hàng nếu chuyên dùng thẻ. Khi biết được tiền của mình đang "đi" những đâu, bạn sẽ biết được nơi nào mình nên điều chỉnh, tránh các khoản mua sắm bốc đồng.
3. Kiểm soát mua sắm bốc đồng
Thẻ tín dụng, máy ATM và mua sắm trực tuyến giúp bạn tiêu tiền dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ với một cú nhấp chuột hoặc thời gian rất ngắn, bạn đã có thể thanh toán cho một món đồ, thậm chí nhanh đến mức bản thân chưa kịp suy nghĩ kỹ rằng mình có thực sự cần nó.
Đối với các giao dịch lớn, hãy tự đặt ra cho mình quy tắc 7 ngày hoặc 30 ngày chờ. Đó sẽ là khoảng thời gian để bạn tránh việc mua sắm bốc đồng, chắc chắn hơn về sự cần thiết của mình với sản phẩm đó. Với các giao dịch mua nhỏ, bạn có thể tránh mua sắm bốc đồng bằng việc chờ 24 giờ và tránh mua sắm vào ban đêm.
4. Lên kế hoạch cho bữa ăn của bạn
Kalpana Fitzpatrick, người sáng lập MummyMoneyMatters.com, cho biết lập kế hoạch bữa ăn là một trong những cách dễ dàng nhất để bạn tiết kiệm tiền.
“Nếu bạn biết mình sẽ ăn gì trong tuần và mua sắm vừa đủ, bạn sẽ không cần phải vào siêu thị cả chục lần mỗi tuần rồi bước ra với một đống những thứ không thực sự cần thiết."
Bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm tiền chi cho thực phẩm khi lên kế hoạch trước cho bữa ăn, đảm bảo các nguyên liệu được sử dụng hiệu quả nhất và mua sắm trong 1 lần để giảm thời gian đi lại cũng như tránh các giao dịch mua sắm bốc đồng.
5. Trở thành người tiêu dùng dễ tính
Nếu bạn là một người trung thành với thương hiệu nào đó, sẽ luôn dùng sản phẩm của thương hiệu đó khi mua sắm, hãy cẩn thận vì có thể bạn đang chi tiêu nhiều hơn cần thiết.
Đừng để sự yêu thích của bạn với một nhãn hàng nhất định khiến bạn phải tốn nhiều tiền hơn. Với một vài lần thử, bạn có thể sẽ phát hiện ra các sản phẩm của thương hiệu khác có chất lượng tương đương mà giá cả mềm hơn nhiều.
6. Tránh tâm lý nghèo đói
Nhiều người mang suy nghĩ rằng sống sao cho thật tiết kiệm, hạn chế tối đa các khoản chi chính là điều tốt nhất. Tiết kiệm là tốt song bạn cũng cần tránh việc quá tằn tiện. Điều chúng ta hướng đến là chi tiêu hợp lý những đồng tiền kiếm được khó khăn của mình, không phải cắt bỏ các mối quan hệ, niềm vui chỉ để tiết kiệm sao cho được nhiều nhất.
Suy cho cùng, cách duy nhất để vượt lên về mặt tài chính là tập trung vào kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào việc làm sao để tiết kiệm được nhiều nhất, bạn có thể mắc phải tâm lý nghèo khó.
Tâm lý này là một trong những mối bận tâm về sự thiếu hụt tiền bạc: tất cả những thứ người đó không có và không thể có được. Những người này có xu hướng tự giới hạn niềm tin và đưa ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi về sự mất mát hoặc thất bại.