Chồng thường xuyên công tác xa nhà, lương cô lại không đủ trang trải cuộc sống cho hai mẹ con ở Hà Nội, nên Quân - chồng Thảo bắt cô nghỉ việc về quê làm công nhân.
Quân và Thảo kết hôn hơn ba năm và đã có một cô con gái gần hai tuổi. Cuộc sống vốn đang yên, đang lành thì Quân phải đi theo công trình vào Nghệ An. Là kỹ sư xây dựng, trước đây, Quân cũng hay phải đi công tác, nhưng thường chỉ là những địa phương xung quanh Hà Nội nên cuối tuần anh lại về với vợ con. Chưa lần nào Quân phải đi xa và lâu như vậy.
Dù buồn nhưng khi đồng ý lấy Quân, Thảo đã chuẩn bị tư tưởng việc anh thường xuyên phải xa nhà. Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu như lần này Quân khăng khăng bắt hai mẹ con Thảo về quê ở với bố mẹ chồng ở Hải Dương.
Anh nói: Bây giờ cuộc sống khó khăn, lương của em chỉ được trên dưới 04 triệu, không đủ trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con trên này. Trong khi đó, hai vợ chồng mình lại không dư giả gì. Nếu em về quê, đi làm công nhân ở gần nhà lương cũng được gần 3 triệu/tháng. Ở quê, nhà cửa không phải mất tiền, ăn uống cũng rẻ hơn, con có ông bà trông không phải đi gửi trẻ, như vậy tiền lương của em cũng thừa để lo mọi việc trong nhà, còn lương của anh dành tiết kiệm. Hơn nữa, cũng thuận tiện hơn cho anh mỗi lần về thăm nhà, không như trước kia nữa về thăm mẹ con em được một ngày, lại phải tranh thủ một ngày về thăm bố mẹ…
Thảo biết Quân nói có lý, nhưng cô không muốn về quê. Đang sống ở Hà Nội quen, công việc tuy lương có thấp nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, cô chỉ tốt nghiệp cao đẳng còn đòi hỏi được gì. Dù sao cô cũng tốt nghiệp cao đẳng ra, bắt cô về làm công nhân cô không cam lòng.
Anh nói: Bây giờ cuộc sống khó khăn, lương của em chỉ được trên dưới 4 triệu, không đủ trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con trên này. (ảnh minh họa)
Nhưng trên hết, lý do khiến Thảo sợ về quê nhất chính là mẹ chồng. Hồi trước, mẹ Quân kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân của hai người bởi Thảo và Quân không chỉ xung tuổi mà Thảo còn sinh tuổi Hổ. Bà Bảo, con gái tuổi Hổ ghê gớm, giờ lại xung tuổi nữa thì có mà tan cửa, nát nhà… Khi đó, mỗi lần Quân đưa Thảo về nhà, mặt mẹ anh lúc nào cũng lạnh như tiền, nhất nhất không chấp nhận cô làm con dâu…
Giờ đây, dù bà đã chấp nhận cô, nhưng cảm nhận của Thảo với mẹ chồng vẫn không tốt. Thảo nghĩ, ở xa, thỉnh thoảng về thăm nom, mua ít quà cáp, không va chạm gì thì hai bên còn quý nhau. Chứ nếu về sống chung dưới một mái nhà, suốt ngày va chạm, mẹ đẻ với con gái còn xung đột nữa là mẹ chồng, nàng dâu. Trong khi đó, mẹ chồng vốn đã không có ấn tượng tốt về cô, giờ về sống chung sẽ là cơ hội để bà xoi mói, chỉnh đốn cô…
Thảo cũng biết, cô không phải là người hiền lành, dịu dàng gì cho cam. Nói đúng thì cô nghe, chứ nói sai thì cô vặc lại ngay. Nên Thảo rất sợ, về sống chung, nếu mẹ chồng cố ý “chỉnh” mình, cô sẽ không nhịn được và dẫn đến xung đột. Thà cứ ở xa như thế này, gia đình còn êm ấm…
Thế nhưng, cho dù Thảo có thuyết phục kiểu gì, Quân vẫn nhất nhất không chịu. Thậm chí, anh còn quát: Em thật ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến mình. Nếu em cứ ở đây, bao giờ vợ chồng mình mới để ra được khoản tiền kha khá để lo nhà cửa, lo con cái sau này. Cái bằng cao đẳng mà to à, bây giờ tốt nghiệp đại học còn phải đi làm công nhân đầy ra đó. Còn về mẹ anh, bà là người như thế nào anh còn không biết à. Thương anh nên trước kia mẹ mới phản đối chúng ta, giờ mẹ đã chấp nhận thì mẹ đã coi em là con. Nếu em đúng phận, mẹ làm gì được em…
Cãi nhau bao nhiêu lần mà cuối cùng hai vợ chồng vẫn không đưa ra được ý kiến thống nhất. Thảo đi tham khảo đồng nghiệp, ai cũng khuyên cô đừng về. Mọi người bảo, mày về chỉ có khổ thôi, ở trên này dù đi thuê trọ, nhưng vẫn là nhà của mình, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ… Về ở với ông bà, làm gì cũng phải ngó trước, nhìn sau…
Suy nghĩ trước sau, Thảo vẫn nhất quyết giữ vững lập trường của mình. Không khuyên được vợ, Quân ra đòn cuối cùng: Nếu em không về thì em tự lo cho cuộc sống của hai mẹ con ở trên này. Anh sẽ không phí phạm tiền lương cho em nữa, bởi em chỉ biết sống vì bản thân mình. Đến khi nào em thay đổi suy nghĩ, chúng ta lại bàn tiếp…
Vậy là đã hơn hai tháng Quân đi công tác, anh không gửi tiền cho cô thật. Mỗi tiền lương của Thảo không thể đủ để vừa trả tiền nhà, tiền ăn vừa lo tiền học cho con. Thảo phải chạy vạy khắp nơi, cô không dám dùng đến số tiền tiết kiệm ít ỏi của hai vợ chồng bấy lâu nay. Quân vẫn giận cô nên mỗi lần tranh thủ về thăm con, anh lại bế con về quê thăm ông bà nội, mặc cô ở Hà Nội một mình. Do mẹ chồng không vừa lòng việc cô không chịu về quê nên khi chồng con về thăm ông bà, Thảo cũng không dám theo về cùng.
Thảo không biết mình có sai không, bởi cô cảm thấy tình cảm giữa hai vợ chồng đang ngày càng xa; tình cảm giữa cô với bố mẹ chồng vốn đang yên lành giờ cũng bắt đầu nổi sóng…