Năm 2022, từ bỏ ngay 10 thói quen xấu về tiền bạc này

Bảo Anh. - Ngày 03/02/2022 11:48 AM (GMT+7)

Từ bỏ những thói quen xấu về tiền bạc dưới đây là cách giúp bạn tiến gần hơn đến sự giàu có.

Không có bảo hiểm y tế

Steven Fox, chuyên gia lập kế hoạch tài chính của Next Gen Financial Planning cho biết: “Những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới, thường nghĩ rằng họ bất khả chiến bại và không cần bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, những bi kịch bất ngờ như tai nạn xe hơi hoặc chấn thương thể thao có thể thổi bay khoản tiền tiết kiệm của bạn nếu không có bảo hiểm". 

Mua sắm bốc đồng 

Năm 2022, từ bỏ ngay 10 thói quen xấu về tiền bạc này - 1

Mua sắm bốc đồng là một trong những cách nhanh nhất khiến ví của bạn mỏng đi nhanh chóng. Nhiều người thường đến siêu thị, chợ mà không có kế hoạch trước. Họ nhặt thứ này, thứ kia khi thấy hay hay, đứng chờ thanh toán lại thêm vào thỏi kẹo cao su hay gói bánh nhỏ. Đó chính là điều mà các nhà bán lẻ muốn.

Những khoản chi không có kế hoạch có thể dễ dàng phá hỏng ngân sách của bạn. Hãy lên kế hoạch trước khi mua sắm và bám sát danh sách đó, chống lại hành vi mua sắm bốc đồng. 

Nợ thẻ tín dụng

Lãi suất thẻ tín dụng ở mức 2 con số là điều bình thường và nó có nghĩa rằng những người nợ thẻ tín dụng đang coi thường sự giàu có của mình.

Khi chỉ thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu được đề xuất, bạn sẽ tiếp tục phải trả mức lãi suất cao đó trong nhiều năm. Nếu bạn đang nợ thẻ tín dụng, hãy trả hết nợ đó càng nhanh càng tốt. Sau khi đã thanh toán hết, hãy chuyển số tiền đó vào tiết kiệm hoặc đầu tư và bắt đầu tích lũy tài sản của mình. 

Thanh toán cho chính mình cuối cùng

Năm 2022, từ bỏ ngay 10 thói quen xấu về tiền bạc này - 2

Amanda Abella, huấn luyện viên kinh doanh cho thế hệ trẻ cho biết: “Tôi đã từng mắc sai lầm lớn này và đó là lý do giờ đây tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Nếu bạn không trả tiền cho mình trước tiên (để tiết kiệm hoặc đầu tư), bạn sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các chi phí khác vì cảm thấy mình có đủ tiền để làm việc đó.”

Hãy coi khoản tiết kiệm như một hóa đơn mà bạn phải trả hàng tháng. Đặt chế độ tự động gửi một khoản tiền nhất định sang tài khoản tiết kiệm ngay khi có thu nhập phát sinh chính là cách giúp bạn tiết kiệm hiệu quả. 

Không có quỹ khẩn cấp

Nếu không có quỹ khẩn cấp, bạn sẽ rất dễ phá hỏng một khoản ngân sách đã được tính toán kỹ lưỡng hay tệ hơn là rơi vào nợ nần nếu xe bỗng bị hỏng hoặc nhà bị dột, hỏng hóc. Tùy vào mức độ ổn định của công việc, số người phụ thuộc, tình trạng sức khỏe... mà mỗi người cần có quỹ khẩn cấp lớn bé khác nhau. Tuy nhiên con số được các chuyên gia đưa ra là bạn nên có quỹ dự phòng khẩn cấp với trị giá tương đương từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt. 

Mua hàng tạp hóa mà không có danh sách

Những người mua sắm mà không có danh sách có thể dễ dàng trở thành con mồi của mua sắm bốc đồng. Bạn thấy thứ này hay hay, thứ kia trông có vẻ thú vị và vài lần tặc lưỡi "chỉ một thứ nữa thôi", giỏ hàng của bạn đang đầy lên và ví của bạn đang mỏng đi.

Hãy lên danh sách trước khi mua sắm bởi đó là cách giúp bạn giảm thời gian mua sắm, nhanh chóng tìm được thứ mình thật sự cần, tránh vi phạm kế hoạch, chi tiêu nhiều hơn dự kiến.

Luôn sợ bị bỏ lỡ 

Năm 2022, từ bỏ ngay 10 thói quen xấu về tiền bạc này - 3

FOMO (Fear of missing out) là hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. Martin Dasko, tác giả của “Cách đạt được tự do tài chính ở độ tuổi 20” và blog Studenomics cho biết:

“Đôi khi bạn cần tắt mạng xã hội để không phải lúc nào cũng ám ảnh bởi nỗi sợ đó. Lối suy nghĩ nguy hiểm này thuyết phục bạn rằng bạn dễ bỏ lỡ và cần phải tham gia vào mọi thứ". 

Hãy tập trung vào những thứ quan trọng nhất với bạn và xóa đi cảm giác lo sợ mình bỏ lỡ điều gì đó. 

Suy nghĩ “bằng bạn bằng bè”

Cố gắng bắt kịp vẻ ngoài và cách chi tiêu tiền bạc giống với những người xung quanh bạn là một công thức có thể dẫn đến thảm họa. Nhiều người luôn nghĩ họ chi tiêu ít hơn so với thực tế. Tuy nhiên việc cố để bằng người khác khi cố mua ngôi nhà lớn hơn, đổi xe sang hơn, mặc đồ đắt tiền hơn có thể dễ dàng thổi bay ngân sách của bạn.

Lạm phát lối sống 

Thông thường, khi biết rằng mình sắp được tăng lương, nhiều người sẽ lên kế hoạch về việc mua thứ họ thích đã lâu. Họ lạm phát cuộc sống và cuối cùng việc có thêm thu nhập không giúp số tiền tiết kiệm của họ tăng lên, thậm chí có thể giảm đi.

Nếu bạn tiết kiệm hầu hết hoặc toàn bộ số tiền lương tăng thêm thay vì mua những món đồ đắt đỏ mới, bạn có thể đạt được sự độc lập về tài chính sớm hơn nhiều so với dự kiến.

Cho rằng cuộc sống sẽ luôn như ngày hôm nay

Chuyên gia về nợ Jackie Beck chia sẻ, việc không lập kế hoạch cho những biến cố có thể xảy ra trong tương lai là một trong những thói quen tệ nhất có thể phá hoại kế hoạch tài chính của bạn.

Chúng ta dễ rơi vào suy nghĩ rằng cuộc sống sẽ luôn ổn nhưng sự thật không phải vậy. Nếu bạn không lập kế hoạch trước cho những bất ngờ có thể xảy ra, ngân sách của bạn có thể bị tàn phá.

Không theo dõi dòng tiền

Năm 2022, từ bỏ ngay 10 thói quen xấu về tiền bạc này - 4

Không phải ai cũng thích lập ngân sách nhưng ít nhất bạn phải hiểu mình đang tiêu tiền vào đâu. Bạn có thể bắt đầu với các ứng dụng thông minh được tích hợp ngay trên điện thoại hoặc đơn giản là sử dụng một cuốn sổ để ghi chép chi tiêu của mình.

Không yêu cầu tăng lương

Kelly Whalen, người sáng lập của The Centsible Life, cho biết: “Nếu bạn đang bị trả lương thấp hoặc thiếu việc làm, trọng tâm của bạn là tăng lương, tìm thêm nghề tay trái hoặc tìm kiếm một công việc mới”.

Hãy luôn tìm cách kiếm nhiều tiền hơn. Đây là cách giúp bạn tăng khoản tiết kiệm và đạt được các mục tiêu tài chính của mình nhanh chóng. Nhớ rằng bạn không nhận được những gì xứng đáng mà nhận những gì mình thương thuyết được.

Trung thành với thương hiệu

Những khách hàng trung thành với thương hiệu thường có nhiều khả năng chi tiêu cho những thứ họ không thực sự cần. Theo Tai McNeely, người đồng sáng lập, chuyên gia giáo dục tài chính tại His and Her Money, những người chỉ mua sắm một số thương hiệu nhất định có nguy cơ phá vỡ kế hoạch tài chính.

“Tôi biết nhiều người yêu thích các sản phẩm của một hãng công nghệ đến mức mỗi khi có một sản phẩm mới ra mắt, họ phải có bằng được”, bà nói.

Mua một sản phẩm đắt tiền chỉ vì nó mới ra mắt trong khi hoàn toàn không cần thiết chính là bạn đang “ném tiền qua cửa sổ”.

Còn mua sắm những thứ này ở siêu thị là bạn còn lãng phí tiền bạc
Dưới đây là những pha mua sắm tại siêu thị mà bạn nên bỏ qua nếu muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn khi mua hàng tạp hóa.

Bí quyết chi tiêu

Bảo Anh. (Theo GOBankingRates)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết Nguyên Đán 2023 - Khắc ghi từng giây phút yêu thương