Những sai lầm tiền bạc này sẽ khiến ví của bạn “bốc hơi” nhanh hơn những gì bạn tưởng. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia tài chính về thói quen tiền bạc bạn nên tránh xa.
Chi tiền cho những món quà không ai cần
Những đợt giảm giá cuối mùa hay thanh lý cửa hàng thường rất hấp dẫn, đặc biệt là khi bạn thấy mọi thứ được giảm đến 75%. Tuy nhiên, luôn phải nhớ một câu rằng chi tiền cho những thứ không cần thiết thì 1 đồng cũng là lãng phí.
Một đợt giảm giá sâu đến mức nào cũng không thể là lời biện minh cho những khoản chi không cần thiết cho các món hàng không ai cần. Đừng mua một thứ chỉ vì nó được giảm giá và hãy tặng những món quà mà bạn biết người nhận cần và có thể dùng nó.
Mua sắm khi tâm trạng bất ổn
Rất nhiều người tìm đến mua sắm, tiêu tiền như một cách để giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên đó là sai lầm khiến ví của bạn mỏng đi trông thấy. Tốt nhất bạn nên tránh mua sắm khi cảm thấy chán nản vì đó là lúc bạn có thể bị cám dỗ chi tiêu nhiều hơn để cảm thấy tốt hơn.
Bạn cũng nên tránh xa những người bán hàng quá khéo léo và không để họ tâng bạn lên tận mây xanh để mua những thứ bạn hoàn toàn không đủ khả năng chi trả. Có thể bạn muốn tìm kiếm sự củng cố tích cực nhưng đó không nên là từ nhân viên bán hàng.
Có nhiều cách khác giúp bạn giải tỏa cảm xúc, cảm thấy vui vẻ hơn mà không cần phải tốn kém. Bạn có thể đi dạo với người ấy, vào bếp nấu món ăn yêu thích hoặc hát hò vui vẻ cùng những người bạn.
Mơ hồ về tiền bạc
Điều quan trọng là bạn cần có sự chú ý đến tiền bạc và ngân sách của mình. Theo huấn luyện viên tài chính, diễn giả Melissa Thomas: “Các tài khoản tiết kiệm cần phải được dán nhãn phù hợp với mục đích riêng của chúng”.
Ví dụ: Bạn có thể có một tài khoản riêng cho quỹ khẩn cấp của mình và một tài khoản khác để tiết kiệm cho các kỳ nghỉ. Với các tài khoản cho mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu hoặc học đại học cho con nên được giữ riêng biệt và không bao giờ được trộn lẫn với các khoản tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn.
Đăng tiền hoặc công khai về thu nhập lên mạng xã hội
Cho dù bạn là triệu phú hay thuộc tầng lớp lao động trung lưu, tình trạng tài chính của bạn không nên được chia sẻ cho tất cả mọi người cùng biết. Không ai thực sự quan tâm đến chiếc thẻ đen bạn có hay số tiền bạn vừa trả để mua chiếc xe mới của mình. Đăng những điều này lên mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn đang công khai thông tin của mình cho cả thế giới cùng xem. Điều này có thể dẫn đến việc ai đó đến với bạn, kết thân với bạn chỉ vì tiền của bạn.
Ký hợp đồng mà bạn không hiểu
Nếu bạn không hiểu những gì bạn đang cam kết, đừng ký nó. Khi ký một hợp đồng bạn không hiểu rõ, bạn có thể đang ký vào một cam kết tài chính trong dài hạn với chi phí rất cao. Hãy nhờ luật sư hoặc người có hiểu biết để xem xét bất cứ hợp đồng nào mà bạn đang cân nhắc.
Cho người bạn không tin tưởng vay tiền
Dù đó là bạn bè hay người thân trong gia đình, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa tiền cho họ. Sự thật là trong trường hợp bạn không được nhận lại hoặc không nhận lại đủ số tiền của mình, mối quan hệ của bạn với họ có thể bị ảnh hưởng.
Chuyên gia quản lý tài sản Kirk Chisholm chia sẻ: “Thật khó để nói không với bạn bè và người thân trong gia đình khi được hỏi vay tiền nhưng làm được điều đó sẽ tốt cho bạn. Bạn có thể nhận lại số tiền mình đã cho vay nhưng liệu bạn có thoải mái khi phải đòi tiền họ? Câu hỏi lớn hơn là nếu họ không trả lại tiền cho bạn thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn có chấp nhận việc nói lời tạm biệt với số tiền đó không?”
Chi tiền cho những thứ bạn không thực sự sử dụng
Bạn có thể bị cám dỗ để mua một số mặt hàng hứa hẹn giúp bạn tiết kiệm tiền hoặc làm điều gì đó dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu cuối cùng bạn không sử dụng những món đồ đó thì thật sự là lãng phí tiền bạc.
Nếu bạn biết về số tiền mình đã lãng phí cho những thứ không cần hoặc không sử dụng, bạn sẽ phải kinh ngạc. Cho dù đó là việc mua một chiếc điện thoại bạn thích mà không sử dụng hết tính năng, một sản phẩm đã bao gồm dịch vụ bảo hành mở rộng hay thậm chí mua hàng tạp hóa mà để quên trong tủ, đó đều là chi tiêu lãng phí.
Đầu tư số tiền bạn không đủ khả năng để mất
Hầu hết các chiến lược xây dựng sự giàu có thông minh bao gồm đầu tư. Đó là một cách để gia tăng số tiền của bạn nhưng phải luôn nhớ đến rủi ro của khoản đầu tư đó.
Pauline Paquin, một blogger tài chính cá nhân nổi tiếng cho biết: “Mọi khoản đầu tư đều có một mức độ rủi ro nhất định và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất. Đừng đầu tư số tiền có thể làm tổn hại đến tài chính của bạn trong trường hợp mất nó. Một sai lầm tài chính có thể gây tổn hại nghiêm trọng”.
Đầu tư vào khoản nghe quá tốt
Joseph Carbone, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, nhà sáng lập và cố vấn tài sản tại Focus Planning Group, cho biết nếu một khoản đầu tư dường như quá tốt để trở thành sự thật, bạn hãy cẩn thận. Theo ông, thông thường những khoản đầu tư quá tốt đó sẽ đắt và thanh khoản kém.
Ném tiền vào xổ số, cờ bạc
Nhiều người với ước mơ trở nên giàu có sau một đêm đã chi không ít tiền cho những trò đỏ đen, xổ số. Sự thật là liên tục bỏ tiền vào vé số có thể sẽ làm mất đi sự thành công về mặt tài chính của bạn. Thay vào đó, hãy dành số tiền này vào kế hoạch tiết kiệm hoặc cho khoản hưu trí sau này.