Cho dù người bạn đang trò chuyện cùng là đồng nghiệp, một người quen hay một thành viên trong gia đình, đây là những điều bạn không bao giờ nên nói, hỏi hoặc làm trong cuộc trò chuyện.
1. Nói với ai đó họ nên hoặc không nên cảm thấy thế nào
Khi ai đó mở lòng với bạn về những cảm xúc của họ trong một tình huống cụ thể, đừng gạt đi cảm giác của họ bằng cách nói họ "không nên" cảm thấy như vậy. Chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu Amanda Stemen ở California chia sẻ: “Điểm quan trọng của vấn đề là cho dù bạn nghĩ họ nên hay không nên thì đó vẫn là những cảm xúc thật sự của họ. Khi bạn đánh giá những cảm xúc của người khác, điều đó sẽ khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy trở thành một bờ vai để ai đó có thể dựa vào khóc và nhắc nhở bản thân rằng không ai có thể kiểm soát cảm xúc tự nhiên của người khác”.
2. Nói xin lỗi dù bản thân không thấy vậy
Chuyên gia Stemen chia sẻ: “Thường thì chúng ta nói lời xin lỗi theo thói quen là nhiều hơn và điều đó dễ gây khó chịu cho mọi người”. Lời xin lỗi chỉ nên nói ra khi bạn cảm thấy có lỗi thực sự, hành vi nào đó đã vi phạm chuẩn mực đạo đức, không phải xin lỗi như một thói quen.
Và nếu có thể, hãy thay lời xin lỗi bằng một lời cảm ơn. Ví dụ: Thay vì "Xin lỗi vì đã đến muộn", bạn có thể nói rằng "Cảm ơn bạn vì đã chờ tôi". Thay đổi nhỏ này sẽ tạo nên điều tích cực trong việc phát triển mối quan hệ của bạn.
3. Nói với ai đó rằng họ đã sai
Ngay cả khi bạn biết rằng những gì ai đó đang nói là không chính xác, bạn nên tránh nói thẳng với họ rằng họ đã "sai". Giải thích về điều này, Stemen cho rằng: “Không ai thích mình sai và khi bạn nói thẳng ra điều đó, đối phương sẽ dễ bị sụp đổ. Sẽ tốt hơn khi bạn giữ bình tĩnh và cung cấp cho đối phương những bằng chứng thực tế, sau đó cởi mở lắng quan điểm của đối phương. Cuộc trò chuyện của hai bạn sẽ tiến triển theo cách hiệu quả hơn nhiều."
4. Giải thích chi tiết về mức độ bận rộn của bạn
Ngay cả khi bạn có một danh sách dài dằng dặc những việc cần làm, đó không phải là điều bạn nên đưa ra trong cuộc trò chuyện. Việc bạn không ngừng nói với đối phương về sự bận rộn của mình, liệt kê đủ các đầu việc để chứng minh điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy như bạn đang muốn nâng tầm mình lên, khiến bản thân trở nên quan trọng hơn người khác. Đây là điều không nên có trong một cuộc trò chuyện.
5. Nói luôn miệng thay vì lắng nghe
Không ai muốn nói chuyện với một người không nói gì. Tuy nhiên, nếu bạn nói nhiều đến mức đối phương không có cơ hội để nói, điều đó thật tệ.
Nhà báo, chuyên gia nghi thức Nick Leighton, người dẫn chương trình podcast Were You Raised By Wolves cho biết: “Tìm cách chi phối cuộc trò chuyện và biến nó thành buổi độc thoại là điều thực sự thô lỗ. Hãy lắng nghe nhiều hơn thay vì chỉ quan tâm đến nói”.
6. Hỏi xem đối phương làm gì để kiếm sống
Bạn nghĩ rằng hỏi một người mình quen biết làm gì để kiếm sống dường như là câu hỏi hết sức phổ biến và bình thường song theo Leighton, câu hỏi này có thể phản tác dụng nghiêm trọng. Ông giải thích: “Một số người có thể đang thất nghiệp vì lý do chủ quan hoặc khách quan… Nếu đối phương chủ động chia sẻ, bạn có thể trò chuyện về chủ đề này song đừng ép ai đó phải nói điều họ không muốn”.
7. Hoặc về cuộc sống cá nhân của họ
"Khi nào bạn kết hôn?"
"Cưới lâu rồi, khi nào thì có em bé?"
"Bạn có thai à?"
Tất cả đều là những câu hỏi cá nhân mà bạn nên tránh hỏi trong cuộc trò chuyện với người bạn không thân hoặc đã lâu không gặp.
Chuyên gia tâm lý Christine Scott-Hudson ở Santa Barbara, California cho biết: “Tránh những câu hỏi về cuộc sống cá nhân của đối phương và để họ chủ động chia sẻ thông tin mà họ muốn. Đó là cách để có một cuộc trò chuyện an toàn”.
8. Hỏi ai đó xem bạn có khiến họ nhàm chán không
Theo Leighton: “Thật thô lỗ khi bạn hỏi thẳng ai đó rằng: “Tôi có khiến bạn cảm thấy nhàm chán không?””.
Nếu bạn cảm thấy muốn hỏi đối phương câu này, rất có thể đó là sự thật.
9. Thao thao bất tuyệt về thành tích và tài sản của bạn
Jodi RR Smith, chuyên gia nghi thức của Mannersmith Etiquette Consulting ở Massachusetts, chia sẻ: “Thật tự phụ và nhàm chán khi bạn biến cuộc trò chuyện của mình thành một cuộc đua về thành tích đạt được hay số tiền mà mình có. Có thể bạn rất hào hứng với chiếc ô tô thể thao mới mua hoặc TV màn hình phẳng cỡ lớn không có nghĩa là người mà bạn đang trò chuyện cũng thấy như vậy”.
10. Nói về người thứ 3
Những cuộc trò chuyện phiếm về người khác có thể mang lại cho bạn sự vui vẻ lúc đó nhưng suy cho cùng, nó sẽ làm tổn thương cảm xúc của ai đó. Những cuộc nói chuyện về người thứ 3 không có mặt chỉ khiến chúng ta xấu đi. Theo tiến sĩ Tina B. Tessina, một nhà trị liệu tâm lý: "Khi bạn bị cám dỗ, rất muốn nói về ai đó khác, hãy nhớ đến câu nói: Nếu bạn không thể nói điều gì đó tử tế, tốt nhất đừng nói gì cả."
11. Chỉ trích người khác
Nếu trong đầu bạn đang có bất kỳ suy nghĩ nào muốn phê bình người khác, hãy giữ lại và đừng nói ra. Nếu bạn là người thường tự phê bình bản thân, bạn dễ có xu hướng phê bình người khác và khi thiếu đi sự khéo léo hay phê bình không mang tính xây dựng, bạn đang đẩy những người khác ngày càng xa mình.
12. Đảo mắt
Không ít người thường đảo mắt với đối phương trong lúc cãi vã. Theo chuyên gia Porter, đây là điều bạn nên tránh dù đối phương là ai đi chăng nữa.
"Ngay cả khi cuộc trò chuyện đang rất căng thẳng, hãy nhớ rằng điều chúng ta hướng đến là để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình để. Chính vì vậy cả hai cần thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và không bao giờ để bản thân phỉ hối hận về hành vi của mình", Porter chia sẻ.
13. Chửi thề
Trong lúc bất đồng quan điểm, nhiều người thường thêm vào câu nói của mình các từ chửi thể để thể hiện sự bực bội. Trong hầu hết các cuộc trò chuyện, chửi thề là điều tối kỵ. Có hàng ngàn từ ngữ tốt hơn mà bạn có thể xử dụng trong giao tiếp nhằm thể hiện cảm xúc của mình thay vì chửi thề. Khi bạn cảm thấy muốn chửi bới, hãy cố trấn tĩnh bản thân và tìm một từ thay thế khác, cho phép bạn thực sự truyền đạt cảm xúc của mình mà không làm tổn thương người khác.