Ở đâu đó vẫn có những người phụ nữ khi được hỏi tới, họ chỉ biết lặng lẽ lắc đầu. Với họ, 8/3 là một ngày xa xỉ mà họ chẳng bao giờ dám mơ tới.
Ngày 8/3 trong tâm trí họ đã bị lãng quên tự bao giờ
Ai cũng biết rằng 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ - ngày phái yếu được tôn vinh, chúc tụng và tặng quà. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ khi được hỏi tới, họ chỉ biết lặng lẽ lắc đầu. Với họ, 8/3 là một ngày xa xỉ mà họ chẳng bao giờ dám mơ tới.
“Sinh nhật còn không có nữa là ngày 8/3”
Chị Dậu (36 tuổi – An Giang) theo chồng lên Hà Nội đã gần chục năm nay, 2 đứa con nhỏ gửi ông bà nội chăm. Trình độ học vấn dừng lại ở bậc Tiểu học khiến chị chỉ biết quanh quẩn với những công việc lam lũ, vất vả, khi thì rửa bát thuê, khi thì làm thạch rau câu, làm bánh mỳ. Gần như việc nào chị cũng từng làm qua nhưng 10 năm xa quê, chưa khi nào chị có một ngày ăn mặc tươm tất cả. Hai anh chị thuê một căn phòng nhỏ trong khu trọ sinh viên, tiền thuê đã được coi là rẻ so với mặt bằng chung nhưng nhiều lúc đến tháng vẫn phải chạy vạy.
10 năm lập nghiệp ở Thủ đô nhưng đời sống của chị Dậu vẫn còn nhiều vất vả
Hỏi đến ngày 8/3, chị bật cười: “Em xem đấy, đi làm thì từ sáng đến tối, ngày nào cũng như ngày nào thì thời gian đâu mà mơ tới ngày 8/3 hả em?” Chồng chị làm nghề lái xe xây dựng, hay đi đây đi đó nên cũng ít có thời gian quan tâm, chăm sóc vợ. Hỏi chị đã bao giờ nhận được quà từ chồng chưa, chị Dậu chỉ xua tay: “Thôi em ạ, quà cáp mà làm gì. Sinh nhật còn chẳng có nữa là 8/3. Giờ mua bó hoa, có là hoa người ta bán ế cũng phải vài chục, còn đắt hơn cả tiền đi chợ mua thức ăn mấy bữa. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước nhiều khi lo còn không xuể. Dư được đồng nào lại gửi về cho con đồng ấy. Bày vẽ ra rồi vợ chồng lại chết đói!” Quen như vậy rồi nên dần dà 8/3 không còn là ngày gì đặc biệt với chị nữa, nhiều khi quên bẵng hoặc có nhớ ra cũng chỉ để nó trôi qua lặng lẽ.
Công việc vất vả hằng ngày khiến chị Dậu chẳng còn nhớ đến ngày 8/3
Chị chỉ mong hàng tháng trả đủ tiền nhà, tiền điện, tiền nước còn dư ra để gửi về cho con là hạnh phúc rồi.
Trường hợp như chị Dậu không phải là hiếm, phần lớn những người phụ nữ lăn lộn nơi chợ búa đều chưa bao giờ có một ngày 8/3 đúng nghĩa. Cô Huế (47 tuổi – Thanh Oai, Hà Nội) bán tạp hóa ở cổng chợ Nghĩa Tân cũng chẳng mấy khi quan tâm đến ngày 8/3. Đối với cô đó chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, có chăng những ngày này người ta đi mua mấy thứ tạp hóa làm quà tặng nên cô cũng đắt hàng hơn ngày thường.
Đối với cô Huế, 8/3 chỉ như những ngày bình thường khác trong năm
Cô nói: “Mấy năm gần đây mức sống người ta cao lên thì mới rầm rộ mừng 8/3 rồi tặng quà nhau nhiều chứ như thời cô mấy chục năm trước thì làm gì có gì. Ở xóm người ta cũng bảo nhau tổ chức đấy, mà đi làm về mệt rồi, còn sức đâu mà đi hát hò, ăn uống nên cô cũng nghỉ ở nhà luôn. Thành ra bao nhiêu năm nay chả biết hương vị ngày 8/3 đúng nghĩa nó như thế nào cả.”
Mỗi ngày đều đặn hơn 60km cả đi cả về từ lúc sáng sớm tới tối muộn để bán hàng, cũng không khó hiểu khi nghe cô kể đã về nhà là không muốn đi đâu. Có hai người con trai nhưng công việc bận rộn và gia đình riêng cũng khiến hai anh ít dành thời gian quan tâm đến chuyện quà cáp cho mẹ. Ngoài bán hàng, cô còn trông con cho nhà anh con trai cả, hai bà cháu cứ vừa bán hàng vừa tíu tít trò chuyện. Cô nói: “Cô cũng bảo với chúng nó là kiếm tiền thì lo mà vun vén gia đình chứ đừng hoang phí vào mấy thứ vớ vẩn. Cô chẳng cần gì đâu!”
Gian hàng của cô những ngày này cũng tấp nập người mua để tặng quà hơn
Cháu cô năm nay 1 tuổi rưỡi cũng theo bà ra chợ bán hàng
“Bán hoa nhưng chưa khi nào được tặng một bông hoa”
Với chị Thủy và chị Giang, 8/3 là một trong những dịp bận rộn nhất năm. Những ngày này, các chị phải dậy thật sớm lấy hoa trong quê ra bán. Thời tiết mưa phùn khó chịu, giao mùa, người mệt rã rời nhưng vẫn phải phải đi, có khi từ 3-4 giờ sáng. Những bông hoa rực rỡ, khoe sắc được gói cẩn thận thành các bó đem tặng nhưng bản thân các chị là người bán lại chưa khi nào được nhận hoa.
Tất bật giữa trời mưa phùn Hà Nội
Thấy tôi đứng chụp ảnh, chị Thủy xua tay bảo đừng chụp vì chị mặc áo mưa lù rù, xấu xí. Chị tâm sự: “Mình còn trẻ mà nên nhiều khi cũng muốn được đi chơi ngày 8/3 chứ. Nhưng đi từ sáng đến tối, người lôi thôi lếch thếch, quần áo bẩn, đầu tóc thì dầm mưa chẳng ra sao cả nên lại ngại. Đến chỗ đông người mà mình thế này thì người ta cười cho.” Tôi bảo thế chị về sớm, tắm rửa đàng hoàng rồi mặc quần áo đẹp đi có sao đâu, chị bảo: “Những ngày này về còn muộn hơn ngày thường ý chứ! Nhiều ông chồng đến cuối ngày mới nhớ ra chưa tặng quà vợ, lại phóng vội ra mua hoa, mình biết thế nên phải ở lại thật muộn để trực, bán thêm bó nào hay bó đấy. Mà hay lắm, năm nào cũng thế, cứ cái tầm 9 giờ tối trở đi có khi lại đông khách hơn ban ngày. Người ta cũng vội nên chẳng trả giá mà cứ thế mua luôn!” Nói xong chị cười tươi.
Tuy vất vả hơn ngày thường nhưng 8/3 giúp chị đông khác hơn
Hỏi chồng có khi nào tặng hoa cho vợ không, chị Giang lắc đầu: “Không đâu. Nhiều khi nghĩ cũng buồn cười, nghề của mình là bán hoa mà cả đời chưa được tặng hoa bao giờ.”
Làm nghề bán hoa nhưng chị Giang chưa từng được tặng hoa bao giờ
Chị Thủy chỉ mong 8/3 bán đắt hàng, hết hàng, không phải bỏ hoa là vui lắm rồi
“8/3 vất vả hơn ngày thường”
Đó là tâm sự của cô Hòa, người thường nhặt rác tại chợ Nghĩa Tân. Cứ khi tan chợ, cô lại đảo quanh, lọc ra những chai lọ, bao ni lông, hộp đựng, bìa giấy có thể tái chế được để nhặt về. Ở tuổi ngoài 50, nhiều người đã có thể sống an nhàn, thảnh thơi thì cô vẫn đều đặn làm những công việc lam lũ vì cơm áo gạo tiền. Vất vả là thế nhưng cô vẫn rất dẻo dai, vui tính và hay cười. Cô nói: “Quen hết ấy mà cháu. Người ngoài nhìn vào thì thấy khổ cực thế thôi chứ cô thì quen rồi. Mình còn sức mà đi làm được là còn may.” Hỏi cô về ngày 8/3, cô nói: “Cũng chẳng có gì đặc biệt. Ở nhà, tổ dân phố người ta cũng tổ chức tặng quà, chỉ mấy gói bánh, gói kẹo thôi mà cũng vui. Ít ra người ta vẫn còn nhớ mình là phụ nữ (cười)”.
Ngoài 50 tuổi, lại làm những việc lam lũ nhưng cô Hòa luôn lạc quan, vui vẻ
Cô nói thêm: “8/3 thì người ta đi chợ đông, xong ăn uống cũng vứt bừa bãi. Mình đi thu nhặt rác thì cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ, tinh tươm một tí không thì chướng mắt lắm. Đâm ra ngày này cũng vất vả hơn chút. Nhưng dù sao cũng vui.”
Cuối buổi chợ cô lại đi thu gom chai lọ, bao ni lông, hộp đựng. Công việc vất vả nhưng chưa khi nào cô cảm thấy bất mãn
Còn với chị Thanh, bán tào phớ, 8/3 lại đi kèm theo nỗi lo chuẩn bị quà cho cô giáo của con cái. Chị tâm sự: “Giờ chọn quà khó lắm em ạ! Mua hoa thì đắt quá. Mà các thứ khác thì khó, chọn cái gì người ta dùng được chứ không về bỏ đấy thì phí phạm mà mình cũng áy náy. Giờ cái lệ thế rồi, cứ phải theo thôi. Mà con mình thấy bạn bè tặng, mình nó không tặng cũng tủi thân đấy!”.
8/3 đi kèm nỗi lo về quà cáp cho các cô giáo của con
Những ngày mưa, tào phớ vắng khách khiến chị cũng thấp thỏm không yên. “Tháng này phải chi tiêu nhiều thứ mà thời tiết cứ thế này thì chán quá. Từ sang đến giờ chị còn chưa bán được nửa nồi phớ.”
Trời mưa, hàng bán chậm khiến chị lo lắng không yên
Hỏi chị chồng có tặng quà 8/3 cho chị không, chị cười bảo: “Hồi trước chưa cưới thì hay tặng sinh nhật thôi chứ 8/3 chỉ chúc không. Giờ cưới rồi có khi còn quên bẵng không cả lời chúc chứ nói gì đến quà.”. Các chị ngồi gần đấy cũng đồng tình: “Đúng rồi đấy em! Lấy về rồi thì 10 ông hết 9 ông quên quà cáp! Chỉ được lúc tán tỉnh thôi!” rồi tất cả cũng phá lên cười.
Cùng cười khi “kể xấu” các ông chồng
Không khí chào mừng ngày 8/3 đang diễn ra khắp nơi nhưng gặp những người phụ nữ nơi đây ta mới thấy nhiều góc khuất ít ai biết. Dù thế nào họ vẫn là những người phụ nữ có quyền có một ngày được tôn vinh và được nhận những lời chúc tốt đẹp nhất.
Xin chúc các chị, các cô có một ngày 8/3 vui vẻ, luôn giữ được sự lạc quan, yêu đời và cuộc sống sẽ bớt dần khó khăn hơn!