"Để có 1 đứa con tôi đã suýt phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Để được sống trên đời này tôi sẵn sàng mang trên người những vết sẹo xấu. Tôi thậm chí biết ơn những vết sẹo đó đã mang lại sự sống cho tôi và con".
Tâm Phan, nữ nhà văn nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn và gây sốc vừa sinh con trai thứ hai. Chị chia sẻ, quãng thời gian sinh con, chồng chị là người đàn ông rất chu đáo, chăm sóc chị và con tận tình. Hỏi về những suy nghĩ của chị về những vết rạn da sau sinh, vết sẹo mổ, cũng như mối quan hệ với mẹ chồng, chồng ngoại quốc, chị đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa. Dưới đây là những câu hỏi nhanh dành cho nữ nhà văn trong thời gian chị đang ở cữ...
Nữ nhà văn Tâm Phan trong thời gian mang bầu và sau khi sinh con (Ảnh NVCC)
Chị nghĩ thế nào về câu chuyện, chồng chê vết rạn da trên bụng vợ sau sinh và chán vợ, bỏ vợ?
Tôi nghĩ việc này hiếm và nếu có xảy ra thì chỉ phổ biến ở Việt Nam. Vợ chồng yêu nhau, sống với nhau đâu chỉ vì làn da trên bụng vợ? Như vậy thì nông cạn và hời hợt quá. Vậy da bụng người chồng thì sao? Đàn ông Việt Nam trường sinh bất lão, không bao giờ già xấu sao? Nếu họ cũng là con người, cũng nhăn nheo bệnh tật, có vết mổ ruột thừa trên bụng liệu vợ họ có chê và đòi li dị không? Tôi tin là không.
Tạo hóa ban cho phụ nữ chức năng sinh nở - đó là 1 điều cao quí. Người đàn ông nào cũng có mẹ - đó chính là người đã sinh thành ra họ, mang nặng đẻ đau để cho ra đời 1 sinh linh bé bỏng, vết rạn trên bụng chẳng là gì so với những cơn đau và giọt nước mắt của mẹ khi vượt cạn. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ chết. Thử hỏi khi bạn chết, bạn có lo lắng cho làn da bụng của mình không? Tôi sinh mổ 2 lần và bụng tôi có 1 vết cắt khá dài. Mỗi lần nhìn thấy vết sẹo mổ, chồng tôi lại ôm tôi vào lòng, thương tôi hơn. Để có 1 đứa con tôi đã suýt phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Để được sống trên đời này tôi sẵn sàng mang trên người những vết sẹo xấu. Tôi thậm chí biết ơn những vết sẹo đó đã mang lại sự sống cho tôi và con.
Hình ảnh Tâm Phan và hai con đáng yêu (Ảnh NVCC)
Xin chị cho biết, ở nước ngoài, sinh xong, có chuyện mẹ chồng chăm con dâu ở cữ không?
Việc mẹ chồng chăm con dâu không phải là nghĩa vụ mà nó tùy thuộc vào tình cảm và mối quan hệ giữa 2 người phụ nữ. Nếu họ yêu quí nhau họ sẽ tự nguyện chăm sóc nhau một cách vui vẻ. Nếu không hợp tính, họ chỉ hỏi thăm xã giao và thân ai nấy lo.
Khi sinh, chồng chị có là người thường xuyên chăm sóc chị?
Chồng tôi là người duy nhất có thể chăm sóc tôi lúc tôi sinh nở vì chúng tôi sống ở nước ngoài, không có họ hàng thân thích ở bên cạnh để giúp đỡ. Anh ấy được nghỉ làm 1 tuần để giúp vợ nhưng anh chọn làm việc nửa ngày để được 2 tuần nghỉ làm vào các buổi chiều. Anh đi chợ, nấu ăn, đưa đón con gái lớn đi học, rửa chén bát. Ngoài ra anh còn tham gia chăm sóc em bé, thay tã bỉm, tắm cho con, giúp vợ cho con bú bình vào lúc 2h sáng để vợ được ngủ.
Chị chia sẻ, chồng chị thường xuyên tắm và chăm sóc con để chị được nghỉ ngơi (Ảnh NVCC)
Về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị có nghĩ ở VN mình, mọi người đang phức tạp hóa?
Đúng, tôi nghĩ đơn giản quan hệ mẹ chồng nàng dâu giống như quan hệ giữa 2 người phụ nữ. Không phải lúc nào 2 người cũng hợp nhau. Họ hoàn toàn có thể không ưa nhau, khác tính nết. Đó là chuyện rất bình thường. Làm dâu không nên kỳ vọng mẹ chồng phải phục vụ mình khi sinh nở và ngược lại, mẹ chồng cũng không nên bắt con dâu phải phục tùng mình. Mối quan hệ này phải dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng nhau giữa 2 người phụ nữ. Nếu không ưa nhau, họ chỉ cần giữ khoảng cách và đối xử lịch sự với nhau, vậy là đủ.
Chị và mẹ chồng đã bao giờ mâu thuẫn? Chồng chị thường ứng xử thế nào nếu chuyện này xảy ra?
Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng rất tốt, hai người rất hợp nhau cả về sở thích ăn uống và shopping (ảnh NVCC)
Tôi khá thân thiết với mẹ chồng, thậm chí bà thân với tôi hơn là với con trai bà (chồng tôi). Thời còn yêu đương hẹn hò, chúng tôi có đôi lần cãi vã chia tay và bà luôn là người bênh vực tôi. Chồng tôi còn nói nửa đùa nửa thật: em cẩn thận không nên quá thân thiết với mẹ anh vì nhiều bạn gái cũ của anh sau khi thân với bà đều chia tay với anh (cười). Thực tế là một số bạn gái cũ của anh ấy hiện giờ vẫn là bạn với mẹ chồng tôi.
Chị có thể chia sẻ đôi chút về chuyện làm dâu với mẹ chồng ngoại quốc của mình?
Tôi và mẹ chồng khá hợp gu nhau. Ngay từ lần đầu gặp mặt ở 1 nhà hàng tôi gọi món yêu thích trong khi bà còn đứng ngoài hút thuốc. Khi vào ngồi cạnh tôi, bà chọn đúng món tôi gọi trong thực đơn. Không chỉ hợp gu ăn uống mà cả về quần áo thời trang. Tôi đi shopping với bà thường lựa chọn váy áo giống nhau, chỉ khác size. Khi tôi về nhà chồng ở Úc, bà nấu nướng đãi tôi những món ăn ưa thích và ngược lại, khi bà tới thăm chúng tôi ở Thụy Sĩ tôi đối đãi bà như khách quí. Chúng tôi đối xử với nhau dựa trên sự tôn trọng và quí mến lẫn nhau.
Chị có lời khuyên nào cho những nàng dâu gặp mẹ chồng khó tính không?
Lời khuyên duy nhất của tôi là “đừng kỳ vọng”. Hãy coi mẹ chồng như bao người phụ nữ khác, lần đầu gặp gỡ hãy tươi cười lịch sự và đối xử chân thành. Việc người ta yêu hay ghét mình là vấn đề của người ta. Nếu mẹ chồng có thiện cảm và yêu quí mình thì đó là nền tảng tốt để xây dựng mối quan hệ. Nếu không thì hãy tránh tiếp xúc gặp mặt thường xuyên. Đơn giản vậy thôi.
Cảm ơn về những chia sẻ rất ý nghĩa của chị!