Tháng Ngâu thương má

Ngày 29/08/2015 11:51 AM (GMT+7)

Mình đi làm về, nhìn qua cái ghế má hay ngồi, nhìn qua cái giường má ngủ mỗi tối, nhìn cả cái tivi dánh riêng cho má, tự nhiên nước mắt cứ ầng ậng.

Mình không biết tâm trạng của ngài Mục Kiền Liên ra sao khi nghe Phật dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu”.

Chỉ là, điều ấy cho mình cảm nhận rõ hơn cả về sự nhỏ bé của bản thân trước thời gian.

1. Tất nhiên là lúc nào cũng thương má, bởi sinh ra trên đời, được nuôi nấng dưỡng dục, được chăm bẵm lưỡi lừa cá xương, chỗ ráo cho nằm, được cho giọt mồ hôi mà đôi chân vững, được cho nước mắt mà lớn khôn, được cho cơn đau xé lòng mà thành hình hài, không thương má thì thương ai. Chỉ là tháng Ngâu, trong trập trùng những mưa rắc bụi đường, có tĩnh lặng mà nhớ má nhiều hơn những vụn vặt của đời sống thường ngày.

Ngày má còn nhỏ, chiến sự hai miền, ông bác sĩ người Pháp chích thuốc cho má bị lệch ven. Chân má yếu dần từ đó. Độ sáu năm nay, má không đi lại được. Hai chân ba thành dáng đi của má, bờ vai ba thành chỗ dựa của má. Con cái lớn, tất bật với cuộc sống, chỉ thi thoảng đỡ đần.

Má hay nói, má nợ ba nhiều quá. Mình biết điều này, chỉ là mình nghĩ, vợ chồng nào không duyên số, đời người nào không từ tiền kiếp mà thành. Vợ chồng phải lấy nghĩa làm trọng.

Má ngồi một chỗ, di chuyển bằng xe lăn má mắc cỡ. Thương lắm.

Tháng Ngâu thương má - 1

(Ảnh minh họa)

Mấy lần má nói, má chưa khi nào được đi máy bay. Mình hỏi, má đi không để con tính? Má lại từ chối, má ngồi xe lăn kỳ. Mình không biết kỳ gì nữa, nhưng má muốn vậy. Biết làm sao.

2. Ngày mình còn nhỏ, hôm má còn khỏe. Má tấp tễnh nuôi mấy anh chị em mình. Má vun vén từng chút một, má tiện tặn từng chút một. Má xin nhà may vải vụn, cắt vỏ bao thuốc lá làm hình, may mền. Má vô rẫy, gom từng mớ rau lang, trái ổi, bó huệ để mang về nhà bán. Tiền bán được, má cho anh em bỏ heo đất. Đến kỳ nhập học, đập ra may đồ mới.

Mấy anh em lên Sài Gòn trọ học, lần nào về má cũng vui, khi nào đi má cũng buồn. Trong hàng tá bịch ny-lon lên phố, bao giờ cũng có nồi thịt gà kho của má. Hồi đó, gần như chẳng phải mua gì. Má đều chuẩn bị sẵn.

Mình lập gia đình, cả nhà quyết định má phải lên Sài Gòn để tập vật lý trị liệu. Bác sĩ nói, má phải tập vật lý trị liệu để người linh hoạt hơn. Nhiều năm uống thuốc, má bị parkison.

Mỗi sáng, ba đưa má sang bệnh viện tập, trưa về lại nhà. Chuyện gì ở bệnh viện má cũng để dành chờ gặp mình kể. Từ người này nuôi bệnh ra sao, người kia vô tình mà vấp phải căn bệnh như thế nào.

Mỗi lần mình đi công tác, má đều hỏi kỹ mấy giờ dậy. Có cần phải đặt đồng hồ báo thức đâu, bởi lúc nào má cũng gọi đúng giờ.

Riết rồi, ỷ lại vào má như năm xưa. Nhọc nhằn gì cũng kể với má. Thi thoảng, là ăn vạ má.

3. Mình in cuốn sách đầu tiên, mang về tặng má. Má nhìn hoài hình bìa, rồi nói, “Má tự hào về con”. Chưa bao giờ má nói với mình về điều này, má toàn khen mình đẹp trai hay hào hoa thôi. Má kể, má đọc sách đến đoạn mình nhắc về bà ngoại, má nhớ bà ngoại lắm. Mình thưa, con cũng nhớ bà ngoại.

Lúc ba mệt, mình ngủ với má để có gì má gọi. Má hay nhắc về những người bạn cũ của má, những người đã không còn. Mình cũng nhắc đến những người bạn mới với má, những người bạn má không biết mặt.

Tuần trước, má về quê. Má tính với ba, hết Lễ Quốc Khánh má lên Sài Gòn lại.

Mình đi làm về, nhìn qua cái ghế má hay ngồi, nhìn qua cái giường má ngủ mỗi tối, nhìn cả cái tivi dánh riêng cho má, tự nhiên nước mắt cứ ầng ậng.

May mà má về quê vài hôm má lại lên, chứ má ngày gió mưa nào đó không hiện hữu ở những chỗ quen thuộc nữa, mình không biết mình sẽ ra sao nữa.

Có đêm khuya khó ngủ, nghĩ đến ngày đó, mình như bị ngạt thở. Những lúc ấy, mình không thiết tha với bất cứ điều gì?

Thú thật, có vài khi mình gắt má. Gắt xong, hối hận vô cùng. Mấy lần mình nghĩ, tại sao mình hành động hồ đồ đến mức đó. Giá mà, điều này đừng xảy ra, thì hay biết mấy.

Xem bài viết cùng tác giả:

Khi chúng ta còn trẻ

Nếu có trái đất thứ 2

Câu chuyện ký ức giữa những bàn tán cộng điểm

Mặt nạ của mỗi người

Thương nhớ... người dưng

Luận chuyện lăng nhăng của đàn ông

Trời ơi, sao lại lấp sông Đồng Nai?

                                            

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG