Thực tế không như mơ, nhưng bản tính người Việt vốn trọng sĩ diện tốt khoe xấu che, mà không tốt cũng ráng để khoe. Nhiều cô sống ở xứ người làm quần quật, chồng bủn xỉn ki bo, ăn tiêu chẳng dám nhưng lúc nào cũng cố tỏ ra lung linh.
Tác giả Đan Hà từng là nhà báo tại Việt Nam. Hiện chị đang sống cùng chồng Tây và con gái Mai Linh tại Pháp. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết 3 kỳ của chị về trải nghiệm cuộc sống hôn nhân với chồng Tây và những lời chia sẻ đầy hữu ích cho những cô gái có ý định lấy chồng nước ngoài. Kỳ 1: Lấy chồng Tây: Thiên đường không dễ kiếm Kỳ 2: Lấy chồng Tây: Kết hôn như đánh bạc Kỳ 3: Tỉnh táo để mưu cầu hạnh phúc |
"Nóng" thị trường ... chồng ngoại
Thế nên, mỗi lần về nước gặp chị em bạn bè thì luôn vẽ một bức tranh cuộc sống hoàn mĩ, tiền rủng rỉnh, chồng ga lăng yêu chiều. Cứ cái bánh vẽ ấy mà nhiều cô gái trẻ ôm mộng ảo, lấy chồng tây bằng mọi giá. Mà có giá thật.
Không thiếu những người hiện sống trong nước và nước ngoài coi việc mai mối như một nghề kiếm tiền. Cầu thì nhiều mà cung thì ít, bởi đàn ông nghiêm túc, có cuộc sống thực sự ổn định, nếu thật sự muốn lấy vợ Việt Nam cũng phải bỏ thời gian tìm hiểu qua lại chán chê, chí ít cũng vài ba năm.
Tìm hiểu kỹ để không khóc thầm nơi chân trời xa lạ - Ảnh minh họa
Mất thời gian vậy xem ra chẳng phải mối hời với các bà mối, nên họ chuyển hướng sang những người có quốc tịch Pháp nhưng gốc Phi, Arabe... Đương nhiên sẽ có những hợp đồng ngầm, hai bên cùng có lợi, tiền bà mối thu về sẽ có một phần vào tay chú rể.
Vừa chẳng mất gì lại được lợi đôi đường nên nhiều cuộc hôn nhân lắp ghép như thế đã diễn ra. May gặp được người nào phát sinh tình cảm thì còn đỡ, gặp phải thằng “chí phèo”, qua đến trời tây rồi nó lật mặt vừa đòi thêm tiền, vừa hành cho bõ thì nhiều cô cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt chờ cho có cái thẻ 10 năm mới dám tính tiếp.
Bản thân tôi cũng từng nhận được lời đề nghị từ một bà mối ở Hà Nội, nếu có ai ở Pháp muốn kết hôn với phụ nữ Việt thì giới thiệu, cô ấy sẽ trích ngay 5 ngàn đô coi như hoa hồng. Còn nếu có người đồng ý kết hôn giả chỉ để bảo lãnh “vợ” qua, khi có thẻ đường ai nấy đi thì cô ấy sẽ trả cho 1 ngàn đô.
Thế mới thấy, thị trường mai mối lấy chồng ngoại cũng xôm tụ phải biết. Và nhu cầu lấy chồng để đi nước ngoài sống, để đổi đời xem ra vẫn chưa từng hạ nhiệt.
Tỉnh táo để mưu cầu hạnh phúc
Không thể phủ nhận nhiều cuộc hôn nhân vợ Việt chồng tây thực sự có được hạnh phúc, hòa hợp nhưng hạnh phúc đó không tự nhiên mà có. Đa phần những cặp vợ chồng sống hạnh phúc mà tôi biết đều có quãng thời gian dài tìm hiểu yêu đương.
Bản thân tôi trước khi đi đến hôn nhân với chồng đã có một khoảng thời gian dài quen biết, cùng chia sẻ, cùng vượt qua những thử thách, những bất đồng rồi mới tự tin về là người một nhà.
Không ai cấm các chị em mưu cầu hạnh phúc, lấy chồng xứ xa là một thử thách nhưng cũng có thể là một cơ hội nếu đủ tỉnh táo để đón nhận nó. Tôi không dám đưa ra lời khuyên hay một mẫu số chung cho chị em lựa chọn. Nhưng từ những trải nghiệm của bản thân và của những người sống quanh tôi, tôi muốn chia sẻ vài điều với nhiều chị em đang ôm mộng chồng tây.
Hôn nhân không phải canh bạc rủi may - Ảnh minh họa
Dù qua mai mối của người thân, bạn bè hay quen nhau qua mạng xã hội thì việc hiểu rõ về nhau vẫn là điều quan trọng nhất. Ít nhất hãy dành thời gian gặp nhau nhiều lần ngoài đời thực, trước khi có quyết định tiến xa hơn. Đừng ngại đưa ra lời đề nghị có một chuyến du lịch sang thăm gia đình bạn trai. Biết được cuộc sống của đối phương là cách tốt nhất để xem mình có phù hợp không. Việc mời được bạn sang thăm gia đình họ, cũng chứng tỏ thực lực trong cuộc sống cũng như sự chân thành trong mối quan hệ với chính bạn của đối phương.
Hôn nhân không phải là canh bạc rủi may để mình đánh cược vào nếu không đủ tự tin nắm chắc phần thắng.
Khi đã quyết định lấy chồng nước ngoài, ngôn ngữ là điều quan trọng nhất để bạn tồn tại. Nếu sống ở Việt Nam hay ở một nước thứ 3, tiếng Anh là sự lựa chọn không tồi trong giao tiếp vợ chồng. Nhưng bạn cũng nên học tiếng mẹ đẻ của chồng, vừa để giao tiếp với gia đình nhà chồng, vừa để dự phòng việc một ngày nào đó phải theo chồng về quê anh ấy sinh sống.
Việc chủ động trong giao tiếp cũng sẽ là chìa khóa để bạn hòa nhập vào cuộc sống mới, để bạn có thể tìm được việc làm, tự chủ cho cuộc sống của chính mình. Độc lập, tự chủ về tài chính sẽ khiến bạn tự tin hơn rất nhiều, chính điều đó sẽ khiến bạn trở nên quyến rũ và có giá trị cần phải giữ trong mắt chồng. Đó cũng là chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc.