Trời ơi, sao lại lấp sông Đồng Nai?

Ngày 28/03/2015 09:28 AM (GMT+7)

Tôi không tài nào hiểu nổi, làm sao họ có thể lấp sông để làm đường, lấp sông để kinh doanh.

Tôi trích vài đoạn trên báo mà tôi đã đọc vào sáng nay, “Sông Nậm Na chảy qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu) rồi đi dọc các miền địa lý, văn hóa, tâm linh sặc sỡ của bà con các dân tộc Thái, Dao, Mảng, Hà Nhì… (dài hơn 100km), nó hội tụ các con suối lớn trước khi nhập vào sông Đà ở ngã ba sông huyền sử Nậm Na - Nậm Tè (sông Đà) chỗ thị xã Mường Lay bây giờ. Nhiều ghềnh thác vắt như áng tóc trữ tình qua quốc lộ 4D, vượt qua bao thảm rừng xanh lộng lẫy. Trong tháng 4 này, khi phóng viên đi dọc sông Nậm Na từ thị xã tỉnh lỵ Lai Châu về Mường Lay để tới Mường Tè, Mường Nhé thì được chứng kiến thảm cảnh ở nơi đây. Thủy điện được xây ồ ạt, ngăn đường, phá núi, mở đường mới khiến cung đường này trở thành nỗi kinh hoàng bụi bẩn, tai nạn, ách tắc… nhất Việt Nam. Chưa hết, trong mỗi lần cấm đường cả tiếng đồng hồ, người ta phải chứng kiến cảnh tàn độc: Các đơn vị thi công lấp sông Nậm Na theo đúng nghĩa đen”.

“Nhà thầu đang hối hả những công đoạn lấp sông Đồng Nai để sớm có mặt bằng xây trung tâm thương mại, khách sạn 4-5 sao, dãy nhà thương mại ven sông, công viên cây xanh... với số vốn 3.200 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" hồi tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng. Đây là một trong bốn dự án trọng điểm cải tạo cảnh quan môi trường và chỉnh trang đô thị ven sông cho TP Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.  Khúc sông trước khi dự án được triển khai. Dự án đô thị hạng sang này có diện tích 8,4 ha đa phần có được là do lấp sông (7,7 ha); kéo dài 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa. Sau khi khởi công, hàng nghìn khối đất đá được đổ xuống sông Đồng Nai, tạo đất nền cho việc xây dựng khu đô thị ven sông như thiết kế”.

Là vậy đó, thưa bạn đọc!

Con sông Nậm La ở tỉnh Lai Châu đang bị san lấp để làm đường, con sông Đồng Nai đang bị lấp một phần để xây đô thị - một dự án kinh doanh kiếm lời bất chấp thủ đoạn của một công ty tư nhân, núp bóng dưới mỹ từ “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.

Ban đầu khi tiếp nhận những thông tin này, tôi tưởng các đồng nghiệp của tôi đang nhầm lẫn khi xử lý thông tin. Nhưng không, đây lại là sự thật.

Trời ơi, sao lại lấp sông Đồng Nai? - 1

Lấp một con sông, tức đã tác động tiêu cực đến dòng chảy, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng. (ảnh internet)

Tôi không tài nào hiểu nổi, làm sao họ có thể lấp sông để làm đường, lấp sông để kinh doanh.

Bởi bấy lâu tôi chỉ nghe thấy, bắt cầu qua sông để thuận tiện đi lại, gia cố bờ kè để chống xói mòn, ngăn chặn khai thác cát để bảo vệ lòng sông… Chứ tôi không thể tưởng tượng được vào một ngày trên đất nước thanh bình và tươi đẹp của tôi (và của bạn đọc), những con sông đang bị đối xử một cách thô bạo, tàn nhẫn, vô cảm và man rợ đến vậy.

Lấp một con sông, tức đã tác động tiêu cực đến dòng chảy, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng. Hệ quả của sự can thiệp này là vô cùng khủng khiếp. Ai cũng biết điều đó, ngạc nhiên là chính quyền sở tại vẫn cứ lờ đi, họ xem như đây là chuyện diễn ra ở đâu chứ không phải đang xảy ra tại địa phương của họ.

Vì không có chứng cứ, nên tôi không dám suy luận liệu có phải kim tiền khiến quan chức của địa phương mờ mắt mà phóng bút ký bừa, bất chấp đạo lý mà gật đầu đồng ý. Nhưng tôi tin là, đông đảo bạn đọc (cũng như tôi) đều biết phía sau những bản hợp đồng ấy là gì(?).

Vẫn nghĩ, cá nhân trải qua một đời sống phải có trách nhiệm với hậu sinh, với con cháu của mình. Làm sao hậu sinh lại có thể phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường bị phá hoại một cách rừng rú như vậy(?).

Tiền có quan trọng không? Tiền rất quan trọng. Tuy nhiên, tiền không quan trọng bằng tội lỗi mà trăm nghìn đời sau còn nguyền rủa.

Tham gì mà tham quá vậy trời!

Xem bài viết cùng tác giả:

Cho người ăn xin: sao cấm được cái Tâm của con người?

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Đổ nước đá lên đầu, ai thích thì làm, kệ họ!

Đừng mắng Hào Anh

Thương nhớ... người dưng

Luận chuyện lăng nhăng của đàn ông

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG