Một lời tiêu cực với người đang trong cơn khủng hoảng có thể giết chết họ không cần dao. Có thể với bản thân chúng ta, những lời nói ấy chẳng có nghĩa lý gì nhưng với người trực tiếp phải nhận nó, hoàn toàn có thể gây ra vết thương lớn mà ta chẳng thể nào ngờ đến.
Amy Beth Gardner là một bà mẹ của 2 cô con gái, sống ở thành phố Cleveland, bang Tennessee, Mỹ. Trước khi con gái Breonna 11 tuổi bước chân vào môi trường trung học, người mẹ này đã gửi đến con một bài học rất đơn giản mà đầy ý nghĩa thông qua tuýp kem đánh răng.
"Con gái tôi sẽ bắt đầu những năm trung học vào ngày mai. Chúng tôi đã trang trí chiếc tủ đựng đồ cho con bé, mua đồng phục mới và khiến con bé bất ngờ với một chiếc cặp mới nữa. Nhưng tối nay, trước khi đi ngủ, chúng tôi đã cùng nhau làm một "bài tập" cũng là hành trang cho những năm trung học sắp tới, một bài tập quan trọng hơn bất kỳ sự chuẩn bị nào.
Tôi đã đưa Breonna một tuýp kem đánh răng đầy và bảo con bé hãy phun hết kem trong tuýp ra một chiếc đĩa. Xong xuôi, tôi bảo con hãy làm sao trút lại chỗ kem đánh răng vào tuýp. Con bé bắt đầu những lời giải thích như: “Con không làm được đâu” hay “Tuýp kem đánh răng sẽ chẳng thể trở lại như trước được”. Tôi đã im lặng, chờ đến khi con bé xong xuôi những lời giải thích.
“Con hãy nhớ câu chuyện về chiếc đĩa cùng tuýp kem đánh răng này cho đến hết cuộc đời. Lời nói của con có sức mạnh, có thể quyết định đến sự sống hay cái chết. Khi con bước chân vào trường trung học, con sẽ biết lời nói của mình có sức nặng như thế nào.
Có những khi con dùng lời nói của mình để làm tổn thương, hạ thấp danh dự hay xúc phạm ai đó. Cũng có lúc, con sẽ dùng khả năng ngôn ngữ của mình để chữa lành, động viên, tạo niềm tin cho người khác hay gửi đến họ sự yêu thương.
Cũng sẽ có lúc con có những quyết định sai lầm, như mẹ có thể đếm được 3 lần trong tuần này mẹ đã không cẩn thận khi dùng từ ngữ và gây ra những điều nguy hại. Cũng như tuýp kem đánh răng này, lời nói một khi đã thoát ra khỏi miệng, con sẽ không thể kiểm soát chúng hay nuốt ngược chúng trở lại.
Hãy dùng từ ngữ một cách thật cẩn thận, Breonna con yêu!
Trong khi những người khác tha hồ lạm dụng ngôn từ thì hãy trông chừng cẩn thận những lời nói của con. Mỗi sáng thức dậy, hãy nói ra những lời truyền đến sức sống, sự lạc quan. Còn tối nay, con hãy quyết định để bản thân trở thành một người truyền cảm hứng cho các bạn ở cùng trường trung học.
Hãy để mọi người được biết đến con bởi sự hòa nhã và lòng bao dung. Hãy dùng cuộc sống của mình để đem lại sự sống cho một thế giới đang rất cần những điều tốt đẹp. Nhất định, con sẽ không bao giờ phải hối hận về quyết định lựa chọn của mình đâu, con yêu!".
Trong cuộc sống, có 4 điều mà khi ta đã bỏ lỡ sẽ rất khó để sửa chữa. Đó là khi hòn đá đã ném đi, khi lời nói đã buông ra, khi cơ hội đã bỏ lỡ và khi thời gian đã trôi qua.
Lời nói không chỉ đơn thuần là một thứ vô hình, dùng để giao tiếp, để ta kể những câu chuyện của mình mà nó có thể là một liều thuốc tinh thần, một viên kẹo ngọt dịu dàng cho những người đang cần sự giúp đỡ của ta và cũng có thể là nhát dao khiến người khác tổn thương sâu sắc.
Người mẹ Mỹ trong câu chuyện trên đã dùng những hình ảnh gần gũi nhất để gửi đến con gái một bài học khi sắp bước chân vào một mội trường mới. Bà mong cô bé sẽ là người lan toả đến xung quanh những liều thuốc tinh thần, những viên kẹo ngọt dịu dàng thay vì những lời nói có thể làm tổn thương người khác.
Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện nọ kể về một đàn ếch đang đi ngang qua khu rừng thì 2 con ếch bỗng bị rơi xuống hố. Khi thấy cái hố quá sâu, những con ếch ở trên đã nói với 2 con ếch dưới hố rằng chúng sẽ nhanh chóng đuối sức mà chết thôi.
Hai con ếch kia mặc kệ những lời bình luận và cố hết sức để nhảy ra khỏi cái hố. Những con ếch ở phía trên không ngừng nhao nhao bảo chúng đừng nhảy vô ích, hãy chấp nhận cái chết đi. Những lời nói đó đã khiến một con ếch gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng.
Thế nhưng con ếch còn lại vẫn mặc kệ những lời nói đó, dồn hết sức lực cuối cùng tiếp tục nhảy lên. Đàn ếch trên bờ càng hét to rằng nó hãy ở yên đó chờ chết đi, con ếch này càng nhảy mạnh. Thật kỳ diệu, cuối cùng con ếch đã thoát khỏi cái hố sâu kia một cách ngoạn mục.
Đàn ếch nọ liền xúm lại hỏi con ếch kia không nghe thấy lời chúng nói hay sao, con ếch vẫn không tỏ thái độ gì. Đến khi được một con ếch giả nói ra nguyên nhân, cả đàn mới biết hoá ra con ếch kia bị điếc, nó tưởng những con ếch trên bờ đang cổ vũ nó cố lên. Chính điều đó đã làm nên sức mạnh giúp nó giật lấy sự sống từ nơi hố sâu.
Vậy đó! Lời nói có sức mạnh rất lớn, nó giúp chúng ta kết nối với nhau. Một lời nói đúng đắn có thể xua đi căng thẳng, hàn gắn những vết thương lòng. Khi ai đó buồn phiền, một lời động viên đúng lúc của ta có thể khiến họ vui lên, vơi bớt phần nào nỗi buồn đau trong lòng. Thứ ta trao họ chính là sự đồng cảm sẻ chia. Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tinh thần vốn đã héo khô.
Thế nhưng, cũng chính lời nói có thể khiến người khác bị tổn thương sâu sắc. Một lời nói bất cẩn có thể nhóm lên xung đột. Một lời nói tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời. Một lời nói cay độc chẳng khác gì là bạo lực tinh thần, tác hại gây ra không kém gì những hành động xâm phạm thân thể người khác.
“Lời nói không là dao,
mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói,
mà mắt lại cay cay”.
Một lời tiêu cực với người đang trong cơn khủng hoảng có thể giết chết họ không cần dao. Có thể với bản thân chúng ta, những lời nói ấy chẳng có nghĩa lý gì nhưng với người trực tiếp phải nhận nó, hoàn toàn có thể gây ra vết thương lớn mà ta chẳng thể nào ngờ đến.