Khi vợ nóng giận, không ít người chồng cảm thấy khó chịu, họ cho rằng vợ mình là kẻ khó chịu và nhiều chuyện. Họ cứ than trách mà đâu biết rằng, nguyên nhân của sự nóng giận là do mình.
Đã xa rồi thời đại người phụ nữ chỉ chăm chăm ở nhà làm nội trợ, nhất nhất nghe lời chồng. Phụ nữ ngày nay cũng đi làm, đóng góp, cống hiến cho gia đình và xã hội như đàn ông.
Tuy nhiên, chỉ khác ở chỗ, sau 8-9 tiếng ở công sở, người phụ nữ trở về với gia đình, họ tất bật với chuyện chăm con, nội trợ, đối nội, đối ngoại....
Do mệt mỏi, công việc bù đầu, chồng không thấu hiểu,... nên người phụ nữ dễ nổi nóng. Những khi đó, nếu như người chồng thương vợ sẽ biết cách xoa dịu cơn nóng giận, còn người chồng vô tâm, họ sẽ phản ứng và cho rằng vợ mình “kém” cỏi không chịu được áp lực.
Tôi có một người bạn, anh vừa trải qua một cú sốc quá lớn trong hôn nhân. Anh chia sẻ rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là lấy được người vợ nổi nóng, nhưng giàu tình yêu thương”.
Anh kể, anh và vợ yêu nhau 5 năm mới đi đến kết hôn. Cả hai rất thấu hiểu và yêu thương nhau hết mực. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, vợ anh dần dần thay đổi.
Người vợ nóng giận bởi cô ấy đang quá mệt mỏi và muốn chồng thấu hiểu mình (Ảnh minh họa)
Từ một người vợ hiền lành, yêu thương chồng hết mực, vợ anh thường xuyên cáu bẳn. Chưa kể, khi hai đứa con chào đời, vợ anh trở thành một người hoàn toàn khác: Nóng nảy và giận dỗi vô cớ.
Cứ thế, vợ chồng thường xuyên lời qua ý lại. Không ít lần, anh không kiểm soát được cảm xúc đã đánh vợ. Cứ thế, họ dần đẩy hôn nhân tới bờ vực thẳm.
Chuyện gì đến cũng đến, cô ấy thường xuyên trò chuyện với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Cô ấy cảm thấy được thấu hiểu, an ủi... Và rồi, cô ấy “say nắng” người đồng nghiệp kia.
Cũng từ đó, vợ anh trở nên trầm tính hơn, cô không còn dành nhiều thời gian cho chồng, cũng không cáu gắt mỗi lần anh về trễ. Những khi anh say, cô ấy im lặng, nằm quay mặt vào trong không một lời than phiền.
Sau này, khi biết sự thật, anh hiểu ra rằng, chính anh là nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ. Anh đã quá vô tâm khi không hiểu vợ, thường xuyên chê bai, nói những lời khó nghe dành cho cô.
Cũng may, anh đã kịp thời níu kéo hôn nhân trước khi họ đến với nhau. Từ ngày anh thay đổi, vợ anh lại trở về như xưa, cô ấy vẫn nóng giận mỗi ngày. Nhưng lần này, anh cảm thấy hạnh phúc hơn, mỗi lần vợ im lặng, anh lại thấy sợ.
Như thế có thể thấy rằng, vợ luôn là “trợ thủ đắc lực” cho chồng. Người vợ nóng giận bởi cô ấy hiểu mình đang làm gì, muốn gì ở những người chồng. Có người còn ví phụ nữ hay nổi giận giống như một ly rượu mạnh, mãnh liệt, hấp dẫn và khó quên.
Nếu vợ thường xuyên cằn nhằn việc nhà chứng tỏ cô ấy đang quá tải. Còn nếu cô ấy kêu ca chuyện bạn suốt ngày rượu bia, thuốc lá, phóng xe máy quá nhanh... chứng tỏ cô ấy đang rất lo cho bạn.
Hãy nhớ, đằng sau vẻ mặt cau có, những lời nói khó chịu là cả một bầu trời yêu thương. Khi đó, hãy ôm lấy cô ấy và nói: “Anh hiểu rồi”, “Hãy để anh sửa sai”... Chắc chắn, khi đó, cô ấy sẽ cảm thấy được an ủi phần nào.
Đàn ông đừng quên điều này, nếu một ngày vợ không nóng giận, cô ấy trở nên dịu dàng, ít nói, có thể cô ấy đã thay đổi, cô ấy không còn yêu thương bạn nữa. Cuộc sống gia đình cũng vì thế mà tẻ nhạt hơn bao giờ hết.
Chưa kể, muốn hạnh phúc, đàn ông phải biết lấy một người vợ dám lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, không ngại tranh luận, đấu tranh với chồng để tìm ra phương án tốt nhất. Lúc đó, gia đình bạn sẽ tăng "sức mạnh" lên gấp đôi, cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Thay vì chỉ có người chồng chịu trách nhiệm và chèo lái tất cả mọi chuyện thì giờ đây vợ đã cùng gánh vác, sức lực của cả 2 người cộng lại sẽ tạo nên nguồn năng lượng mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió của cuộc sống. Và đây, chính là một gia đình lý tưởng, hạnh phúc.