Buổi học cuối cùng trước khi nghỉ tết âm lịch, cô giáo phải "dụ": "Ra tết các em nhớ đi học đầy đủ vì cô mang bánh kẹo đến liên hoan". Cô Xuân cho hay, sau mỗi dịp Tết, học sinh nơi đây không muốn đến trường nữa...
Theo cô giáo Nguyễn Thị Xuân, chủ nhiệm lớp 3B, trường tiểu học Ea Sol, xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk, chuyện trò bỏ học sau dịp nghỉ Tết khá phổ biến nơi đây.
Học sinh đi học đầy đủ là niềm hạnh phúc của cô giáo.
Chưa bao giờ nhận được một bông hoa tươi
Trường tiểu học Ea Sol có 2 cơ sở, lớp cô Xuân là cơ sở 2 nằm trong bản của đồng bào Ê Đê. Năm học 2014-2015, lớp 3B của cô Xuân có 21 học sinh. Thế nhưng, không phải hôm nào các em cũng đi đủ. Nhiều ngày qua, thay vì tập trung lo dạy từng tiết, cô giáo Xuân lại phải chạy đến từng nhà học sinh để kêu gọi các em đến trường. Đối với cô, hôm nào chỉ 1, 2 em nghỉ thôi cũng là mừng lắm rồi.
Trong khi đó, thực tế trong lớp chỉ có 30% các em học đúng tuổi, còn lại đều học muộn tới 2, 3 năm. Các em lúc nào cũng trong tình trạng thích thì đi, không thích thì nghỉ để đi rẫy, ở nhà trông em cho bố mẹ, cũng có em thì thoải mái đi chơi.
Tết đến, cô Xuân càng lo lắng hơn vì sau kỳ nghỉ dài các em lười đi học. Rút kinh nghiệm sau 7 năm giảng dạy tại trường, buổi học cuối cùng trước khi nghỉ tết âm lịch, cô Xuân phải "dụ" học sinh đến lớp để tránh tình trạng bỏ học sau tết là "Ra tết các em nhớ đi học đầy đủ vì cô mang bánh kẹo đến liên hoan".
Cô Xuân nhớ lại năm ngoái, buổi học đầu tiên sau nghỉ tết, cô mang nhiều bánh kẹo đến lớp. Cô đi từng bàn phát kẹo nhưng vừa đi sang bàn khác, quay lại nhìn bàn vừa đi qua thì không còn cái nào nữa. Cô Xuân vừa thương vừa buồn cười liền dặn các em là phải ăn luôn cho vui chứ không bỏ túi mang về. Dặn là vậy chứ cô Xuân cũng hiểu, học trò của cô đang để phần bánh kẹo cho 2, 3 đứa em ở nhà.
Gắn bó với học sinh nơi đây, cô Xuân rút ra cho mình phương châm sống "Luôn cho đi chứ không mong nhận lại". Thực tế, 7 năm giảng dạy tại trường, cô Xuân chưa bao giờ được nhận một bông hoa tươi nào, tết thì càng không mong gì hơn. "Duy nhất một ngày trong năm là 20/11 tôi nhận được vài bông hoa nhựa từ các bé gái, như thế cũng đủ hạnh phúc lắm rồi", cô Xuân tươi cười chia sẻ.
Vất vả đi đến từng nhà học sinh
Nỗi trăn trở duy nhất của cô Xuân chính là việc các em thường xuyên nghỉ học, do vậy cô Xuân đến từng nhà để hỏi han tình hình. Mỗi lần đi, cô Xuân đều cẩn thận đèo theo bạn lớp trưởng để dễ trao đổi với phụ huynh vì cô không rành tiếng đồng bào.
Cô Xuân kể, có lần đến nhà một học sinh nữ, hỏi bố mẹ thì bảo em đang rửa bát ngoài giếng. Cô Xuân ra giếng hỏi: "Sao em không đi học? Em vào lấy cặp rồi cô chở đến lớp", bé trả lời "Hôm nay không đi. Ngày mai em đi". Khi đó, bà của học sinh này đang giặt đồ ngồi bên cạnh. Cô Xuân nhờ bà nói giúp thì bà bảo: "Nó không thích đi thì thôi". Không chịu bó tay, cô Xuân lại vào nhà nhờ bố mẹ em thì nhận được câu trả lời thản nhiên: "Nó không thích đi thì làm sao".
Không ít lần đến nhà học sinh, cô Xuân chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn như "Nó đi chơi rồi"; "Tắm suối rồi. Ra suối mà tìm"...
Nhất là những ngày giáp tết, ở Tây Nguyên bắt đầu sang mùa nắng nóng, các em trai thường xuyên bỏ học đi tắm suối, làm nỏ đi bắn chim. Thậm chí "choáng" hơn là học sinh nghỉ học chỉ vì đòi bố mẹ 5.000 đồng mới đi hoặc đòi mua điện thoại mà không được đáp ứng.
Theo cô Xuân, cha mẹ của các em đều làm nghề trồng cà phê và hầu hết không biết chữ. Đây cũng là lý do nhiều em không được bố mẹ quan tâm và coi trọng việc học. "Mình đến nhà từng em, đáng lý ra phải được phụ huynh chào đón nhưng đằng này lại không. Phụ huynh cứ thản nhiên ngồi trong nhà trả lời vọng ra", cô Xuân buồn bã bày tỏ.
Tuy nhiên, có trường hợp bố mẹ quan tâm đến việc học của con em mình nhưng do bận việc đi rẫy nên không biết con làm gì, ở đâu. Như lần cô Xuân đến nhà thì gặp chị gái học sinh của mình và được biết em này đang đi chơi. Cô hỏi: "Sao em nghỉ học mà ma mí (PV: bố mẹ) không mắng à?". Người chị trả lời: "Có đánh,nhưng ma mí đi làm từ sớm không biết nên nó đi chơi".
Cô Xuân chia sẻ: "Nhiều hôm mưa gió, đường lày lội đến mức rách cả dép thế mà đến lớp chỉ có vài em đi học. Nản vô cùng".
Khi hỏi về dự định sẽ làm gì để cải thiện tình hình, cô Xuân bày tỏ: "Tôi sẽ vẫn tiếp tục động viên các em đi học đồng thời báo cáo với nhà trường tìm biện pháp thêm. Bên cạnh đó, sẽ đến nhờ buôn trưởng giúp đỡ. Hy vọng khi họp, buôn trưởng sẽ tác động đến phụ huynh để bắt ép các em tới trường".
Cô Xuân kể thêm, không chỉ có cô mà một người bạn của cô là giáo viên cấp 1 ở trường khác cũng chung tình trạng khi phải vất vả băng rừng lội suối gọi từng học sinh đi học dù mình đang mang bầu.