Chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Lý - Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Đại học Y khoa Đài Bắc đã chỉ ra cách thức lựa chọn và thời điểm ăn trái cây để tránh gây hại cho sức khỏe.
Xem thêm: Những loại quả "rẻ như cho" ở Việt Nam lại có giá cực đắt ở siêu thị nước ngoài
Nhiều người có thói quen ăn trái cây sau bữa ăn. Trong những năm gần đây, nhận thức về sức khỏe của người dân đã được nâng cao, nhiều người cho rằng nên ăn trái cây giữa các bữa ăn để tránh tình trạng tăng đường huyết sau ăn. Về vấn đề này chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra cách thức lựa chọn và thời điểm ăn trái cây để tránh gây hại cho sức khỏe.
Những ai thích hợp ăn trái cây sau bữa ăn và ăn những loại nào?
Chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Lý cho biết hầu hết mọi người có thể chọn ăn trái cây sau bữa ăn chỉ cần người đó khỏe mạnh, không có bệnh tật. Mục đích chủ yếu là hấp thụ các loại vitamin nhóm B và vitamin C trong hoa quả.
Vitamin nhóm B giúp hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, vitamin C giúp hấp thụ canxi và sắt trong bữa ăn. Ổi, cam và kiwi đều là những lựa chọn tốt. Nếu trong bữa ăn, ăn nhiều cá và thịt, nên ăn các loại trái cây giàu enzyme như đu đủ, dứa, kiwi để giúp cải thiện tiêu hóa và thúc đẩy quá trình phân hủy và hấp thụ thức ăn.
Những ai nên ăn trái cây trước bữa ăn và nên ăn những loại nào?
Nếu bạn có các vấn đề về đường huyết như tiểu đường và cần kiểm soát lượng đường trong máu, bạn nên ăn trái cây giữa các bữa ăn. Những ai muốn giảm cân và kiểm soát cân nặng có thể ăn trước hoặc giữa các bữa ăn. Những người này nên ăn những loại trái cây giàu chất xơ, có GI thấp, chẳng hạn như ổi, cà chua bi và táo.
Chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Lý giải thích, đối với những người cần kiểm soát lượng đường trong máu, cả tinh bột và trái cây trong bữa ăn đều chứa carbohydrate, trái cây ăn giữa các bữa ăn sẽ giúp ổn định đường huyết, chọn trái cây có GI thấp sẽ không làm đường huyết nhanh tăng.
Trái cây giàu chất xơ có đặc tính làm tăng cảm giác no, đối với những người muốn giảm cân, ăn trước bữa ăn sẽ có lợi. Sử dụng trái cây giàu chất xơ, uống trà chiều và đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn cũng có thể giúp bạn tránh ăn những đồ ăn có hàm lượng calo cao. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng cũng nhắc nhở rằng, mặc dù bạn có thể ăn hoa quả trước bữa ăn, kể cả bữa sáng, nhưng không nên chỉ ăn nguyên hoa quả mà phải kết hợp với thực phẩm chính.
Những loại trái cây nào có thể ăn sau khi tập thể dục?
Nhiều người còn ăn trái cây để bổ sung năng lượng sau khi tập, ngoài chuối, chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Ly cũng khuyên bạn nên ăn các loại trái cây có chỉ số GI cao, ngọt hơn như nho, dưa hấu, xoài. Vì cơ thể con người tiêu thụ glycogen trong quá trình tập luyện, trái cây có GI cao có thể bổ sung lượng đường, nhanh chóng được hấp thụ và chuyển hóa thành năng lượng để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, nên tiêu thụ trong vòng 30-60 phút sau khi tập thể dục.
Chú ý đến cách ăn, khẩu phần, những điều cấm kỵ khi ăn trái cây tốt cho sức khỏe
Để ăn hoa quả tốt cho sức khỏe, ngoài việc chọn thời điểm, loại quả thì cách ăn, số lượng và những điều kiêng kỵ cũng rất quan trọng. Chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Lý chỉ ra rằng, tốt nhất là ăn trái cây theo mùa, ăn đa dạng các loại trái cây, tránh ăn đơn lẻ, giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ, nếu bạn ăn ổi vào buổi sáng, bạn có thể đổi sang cà chua vào buổi tối.
Dù trái cây có tốt cho sức khỏe đến đâu thì khẩu phần cũng phải được kiểm soát và không nên ăn quá nhiều. Bất cứ khi nào bạn ăn trái cây, lượng trái cây hàng ngày của mỗi người được khuyến nghị là hai phần, một phần ăn khoảng 100 gam, tính theo bát thì chiều cao bát khoảng 5 cm và đường kính 10 cm, tránh tăng chất béo trung tính. Do đó, ăn nhiều hoa quả cũng không có lợi cho sức khỏe.
Có một số loại trái cây cần chú ý nhiều hơn đến kích thước khẩu phần, bao gồm chuối, sầu riêng,... Lấy kích thước của chuối bán trong siêu thị làm ví dụ, nửa quả chuối là 70g, tương đương với 1 phần trái cây. Sầu riêng có kích thước khoảng 2 ~ 3 múi và nặng khoảng 45 gram, có thể tính là một khẩu phần ăn.
Ngoài các vấn đề nói trên, chuyên gia dinh dưỡng Lưu Di Lý cũng chỉ ra rằng, một số loại trái cây khi sử dụng với thuốc sẽ gây tương tác và gây ra những hậu quả xấu, ví dụ như bưởi không được sử dụng chung với thuốc hạ huyết áp.
Ngoài ra, các loại trái cây quá chua và quá ngọt không nên ăn khi bụng đói, bao gồm cà chua nhỏ, cam, chanh, hồng, nếu bị đau ruột nên tránh ăn quả hồng. Những người thận kém và các bệnh liên quan đến thận nên tránh ăn khế, vì khế có độc tố thần kinh, tuy có thể chuyển hóa đối với người bình thường nhưng đối với người thận kém thì khá khó khăn, có thể gây nhiễm độc thần kinh, xuất hiện tình trạng nấc cụt, nôn ói…