Tiến sĩ Khanh cho rằng để khẳng định ca mắc COVID-19 ở Hà Nội vừa công bố có thời gian ủ bệnh 23 ngày thì phải dựa vào nhiều yếu tố, không thể chỉ nhìn vào thời gian.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Ngày 6/3, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố mới ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với COVID-19 ở huyện Mê Linh.
Trường hợp này trước đó có đến khám tại Khoa miễn dịch dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai (ngày 12/3), đến ngày 4/4 được lấy mẫu xét nghiệm, đến tối 5/4 cho kết quả xét nghiệm cho dương tính với COVID-19.
Đánh giá về trường hợp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là trường hợp cần phải hết sức chú ý, bởi bệnh nhân phát hiện ra bệnh sau 23 ngày từ khi vào khám ở Bệnh viện Bạch Mai mới cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Trường hợp bệnh nhân dương tính với COVID-19 vừa được Hà Nội thông tin liên quan đến BV Bạch Mai.
Từ trường hợp bệnh nhân dương tính với COVID-19 sau 23 ngày trên, ông Chung lưu ý những trường hợp có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày đã được nêu tại nhiều cuộc giao ban phòng chống dịch.
"Cả tháng nay họp chúng ta đã nói về bài học có ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc sau 27 ngày mới dương tính, ở Mỹ tính trung bình là 22,5 ngày, dài nhất ở Vũ Hán là 39 ngày mới dương tính. Còn chúng ta, bây giờ tìm thấy bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám từ ngày 12/3, từ hôm đó về nhà không tiếp xúc với ai, thế nhưng 23 ngày sau dương tính với COVID-19”, ông Chung nói tại cuộc họp.
Ngay sau khi báo cáo ca bệnh trên, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin, ca bệnh mới phát hiện này có thời gian ủ bệnh 23 ngày khiến không ít người hoang mang. Bởi hiện nay quy định cách ly của Việt Nam đang được áp dụng là 14 ngày.
Tiến sĩ Trương Hữu Khanh cho biết dựa vào thông tin hiện tại, chưa thể khẳng định thời gian ủ bệnh của bệnh nhân là 23 ngày.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1- TP.HCM) cho biết, việc khẳng định thời gian ủ bệnh COVID-19 là 23 ngày là quá vội vàng, gây hoang mang dư luận, khiến nhiều người lo lắng.
TS Khanh phân tích, để có thể khẳng định bệnh nhân trên ủ bệnh 23 ngày thì phải đáp ứng đủ một số điều kiện sau:
- Trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 đến 5/4 (23 ngày) bệnh nhân phải được lấy mẫu xét nghiệm liên tục. Các mẫu đó đều cho kết quả âm tính, nhưng đến mẫu ngày 5/4 có kết quả dương tính.
- Trong 23 ngày đó, bệnh nhân không đi đến vùng dịch tễ nơi đang có dịch bệnh COVID-19.
- Trong 23 ngày đó bệnh nhân không tiếp xúc với người bệnh được xác định dương tính với COVID-19.
“Tuy nhiên, theo như thông tin CDC Hà Nội thông báo thì đến ngày 4/4 mới lấy mẫu xét nghiệm, ngày 5/4 có kết quả dương tính. Nhưng vậy chưa thể khẳng định bệnh nhân ủ bệnh 23 ngày, vì chưa đủ các điều kiện đã nói trên”, BS Khanh nói.
Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, rất có thể trường hợp này đã dương tính trước nhưng do không có biểu hiện lâm sàng (ho, sốt, đau mỏi cơ…) nên không được lấy mẫu xét nghiệm và không biết bắt đầu dương tính từ khi nào.
“Bệnh nhân có thể đã dương tính trong khoảng thời gian 14 ngày (từ ngày 12/3 đến 26/3) và hiện vẫn chưa hồi phục, vì thế mẫu xét nghiệm lấy ngày 4/4 cho kết quả dương tính cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, tôi khẳng định lại một lần nữa rằng, để khẳng định bệnh nhân này ủ bệnh 23 ngày thì cần xét nghiệm liên tục, trong 23 ngày đó không đi đến vùng dịch, không tiếp xúc với ca bệnh dương tính nào”, TS Khanh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, nhiều ca dù trong cơ thể đang mang virus SARS-CoV-2 nhưng không có biểu hiện lâm sàng ra ngoài như ho, sốt, mệt mỏi, đau cơ… vì thế rất khó phát hiện và đây chính là những mầm bệnh lây lan ra cộng đồng rất nguy hiểm.
Cuối cùng, TS Khanh cho rằng để đưa ra một kết luận về thời gian ủ bệnh quá 14 ngày thì cần phải được đánh giá cẩn trọng, chặt chẽ, chính xác và dựa trên bằng chứng khoa học. Bởi nếu đưa ra kết luận quá vội vã sẽ khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tin liên quan
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19
Mỹ - Biến chủng KP.2, một nhánh con của Omicron, sở hữu hai đột biến đặc biệt giúp lây truyền nhanh, có thể trốn tránh được miễn dịch.