Khác với những vợ chồng hiếm muộn khác phải ôm nỗi buồn ngày Tết khi con yêu chưa về thì vợ chồng Sài thành này lại may mắn có niềm vui trọn vẹn khi con trai chào đời ngày giáp Tết Nguyên Đán.
Khi nhắc tới những vợ chồng may mắn thụ tinh ống nghiệm thành công và chào đón con yêu đúng những ngày sắp Tết Nguyên Đán, nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vui vẻ kể về trường hợp vợ chồng chị Trần Thu Thảo, 28 tuổi ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Vợ chồng chị Thảo cưới nhau đã 3 năm nay nhưng vẫn không có thai tự nhiên. Do còn trẻ nên mặc dù muộn có em bé, họ cũng không nhiều áp lực. Tuy nhiên sau 3 năm kết hôn, thấy cả 2 chưa có tin vui nên gia đình 2 bên bắt đầu giục giã và có chút áp lực bắt họ phải đi khám hiếm muộn. Bởi thế, vợ chồng chị Thảo phải dắt nhau đi khám chiều theo ý gia đình.
“Khi đến khám hiếm muộn, chị Thảo cho biết kinh nguyệt rất đều đặn nhưng mỗi lần nguyệt san đến chị bị đau nhiều đến mức chỉ ước không bao giờ có kinh. Khi kiểm tra, tinh trùng của anh xã chị Thảo bình thường. Còn chị bị lạc nội mạc tử cung trong cơ nên khiến ngày hành kinh mới bị đau dữ dội như vậy. Ngoài ra, dự trữ buồng trứng của chị Thảo bình thường nhưng chị bị tắc 2 ống dẫn trứng nên chỉ định mổ nội soi khảo sát 2 ống dẫn trứng”, bác sĩ Thạch kể lại.
Con chào đời nên Tết năm nay sẽ là cái Tết vui vẻ và hạnh phúc nhất của họ từ khi về chung 1 nhà. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên khi thực hiện kiểm tra xét nghiệm trước mổ, bác sĩ phát hiện chị Thảo có điều gì đó không ổn. Trong công thức máu của 2 vợ chồng không bị thiếu máu, các chỉ số đều ở mức bình thường nhưng chỉ số khối lượng phân tử trung bình của hồng cầu có trong máu (MCV) của cả 2 đều ở giới hạn dưới ngưỡng bình thường. Do đó, chị Thảo đã được bác sĩ cho ngưng ca mổ lại và cho khảo sát đột biến tan máu bẩm sinh (Thalassemie) cả 2 vợ chồng.
“Kết quả rất ngạc nhiên, đúng như dự đoán, cả 2 vợ chồng chị Thảo đều mắc tan máu bẩm sinh thể dị hợp. Như vậy nếu 2 vợ chồng có thai tự nhiên thì 1/4 số trẻ sinh ra sẽ bị bệnh này. Chưa kể mẹ bầu bị tan máu bẩm sinh thể nặng còn khiến thai lưu, phù nhau thai hoặc thiếu máu nặng mạn tính khi sinh ra phải truyền máu thường xuyên. Nhờ phát hiện này mà chị tránh cuộc mổ vô nghĩa và tránh luôn nguy cơ sinh con ra bị tam máu bẩm sinh thể đồng hợp”, bác sĩ Thạch kể những khó khăn của vợ chồng hiếm muộn.
Sau đó, vợ chồng chị Thảo được chỉ định tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm và sinh thiết phôi (PGT) để sàng lọc phôi nhằm phát hiện những phôi nào đồng hợp tan máu bẩm sinh để không chuyển phôi này.
“Không may mắn cho chị Thảo khi lần thụ tinh ống nghiệm đầu được 4 phôi N5, sinh thiết cả 4 phôi đều bất thường. Lần thứ 2 thụ tinh ống nghiệm, chị được 5 phôi N5 nhưng chỉ có 1 phôi bình thường. Số phôi bình thường của chị như vậy khá ít ỏi nếu so về độ tuổi còn trẻ và quy luật di truyền”, bác sĩ Thạch nhận định.
Trong lần chuyển phôi duy nhất của mình, dù cả 2 vợ chồng và bác sĩ đều rất căng thẳng nhưng chị Thảo lại may mắn có thai. Suốt cả thai kỳ của chị hoàn toàn bình thường. Khi thai kỳ 39 tuần vào những ngày cuối năm, mẹ bầu bị tan máu bẩm sinh đã lên bàn đẻ mổ. Con trai bé nhỏ của vợ chồng chị đã chào đời ngay ngày cận Tết.
“Bản thân vợ chồng chị Thảo cũng chia sẻ, đây là cái Tết vui vẻ và hạnh phúc nhất của họ từ khi về chung 1 nhà. Tết năm nay gia đình họ có thêm thành viên mới nên sẽ rộn ràng, hạnh phúc hơn hẳn mọi năm”, nam bác sĩ hiếm muộn nói.
Chia sẻ về trường hợp những vợ chồng bị tan máu bẩm sinh, nam bác sĩ hiếm muộn cho rằng, bệnh không ảnh hưởng đến khả năng có thai và không phải nguyên nhân gây ra hiếm muộn nhưng lại ảnh hưởng đến việc sẽ sinh ra một đứa trẻ đồng hợp tan máu bẩm sinh.
Nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch và ê kíp trong 1 ca mổ đẻ. (Ảnh: BSCC)
Do đó, những cặp vợ chồng dự định có con nên khám kiểm tra tiền sản trước để phát hiện những bệnh lí ảnh hưởng đến việc mang thai hay không, đặc biệt có bị tan máu bẩm sinh không?
“Nếu bị bệnh này, các cặp vợ chồng sẽ được tư vấn những nguy cơ và tỷ lệ sinh ra con đồng hợp tan máu bẩm sinh nếu thụ thai tự nhiên. Tuỳ lựa chọn của 2 vợ chồng là có thai tự nhiên hoặc làm thụ tinh ống nghiệm kèm sinh thiết phôi (PGT) để sàng lọc chọn phôi bình thường để mang thai. Tuy nhiên thụ tinh ống nghiệm kèm PGT họ sẽ phải chi trả số tiền không hề nhỏ nên đây cũng là áp lực và cản trở lớn đối với các cặp vợ chồng bị bệnh này”, bác sĩ Thạch nói.