TPO - Để có 1 em bé khỏe mạnh không bị suy dinh dưỡng bào thai, bà mẹ nên có sự chuẩn bị từ trước khi mang thai: bổ sung viên sắt, đa vi chất và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Ảnh minh họa: Internet
Chào bác sĩ dinh dưỡng! Em chuẩn bị sinh con lần hai. Do lần đầu không có kinh nghiệm nên cháu bé bị suy dinh dưỡng nhẹ. Vậy, xin bác sĩ cho biết, can thiệp dinh dưỡng thời điểm nào giúp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ?
bichtuyen1019@gmail.com
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Để có 1 em bé khỏe mạnh không bị suy dinh dưỡng bào thai, bà mẹ nên có sự chuẩn bị từ trước khi mang thai: bổ sung viên sắt, đa vi chất và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Khi mang thai bà mẹ cần được khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tiếp tục bổ sung viên sắt theo tư vấn của bác sĩ cho đến sau khi sinh 4-6 tháng. Bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh nên uống 1 liều vitamin A 200.000 UI để bổ sung vitamin A trong sữa mẹ. Ngoài ra nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Từ 6 tháng trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu để giúp cơ thể sống, hoạt động và không ngừng tăng trưởng. Để nhận được đủ chất dinh dưỡng, bữa chính cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa ăn chính, ăn đa dạng thực phẩm với hơn 20-30 loại thực phẩm mỗi ngày. Ảnh minh họa: Internet
Từ lúc mẹ mang thai tới khi bé tròn 24 tháng tuổi là giai đoạn 1.000 ngày vàng. Trong giai đoạn này, tốc độ phát triển của trẻ là nhanh nhất. Trẻ có cân nặng gấp đôi nặng sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Đến ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ, chiều dài nằm đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh. Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi.
Từ 6 tháng trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu để giúp cơ thể sống, hoạt động và không ngừng tăng trưởng. Để nhận được đủ chất dinh dưỡng, bữa chính cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa ăn chính, ăn đa dạng thực phẩm với hơn 20-30 loại thực phẩm mỗi ngày. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày cần có thêm 2-3 bữa phụ. Bữa phụ cho trẻ nên là sữa hoặc các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa,…
Thái Hà