Cứ tưởng hầm xương đơn giản nhưng cũng cần phải có đủ những bước này nước mới trong, ngọt và thơm.
Hầm xương nấu canh thường được nhiều người yêu thích, đặc biệt là vào mùa đông. Tuy nhiên mùa hè, canh xương cũng được làm nhiều, vì nhờ có xương hầm, các loại rau quả mềm ngon, đậm đà hơn nhiều. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc vì sao mình nấu xanh xương nước không được trong, thậm chí có mùi kém thơm.
Đầu bếp đã mách, khi hầm xương nấu xanh, cần phải thực hiện đủ 3 bước, nếu không nước sẽ không trong, hương vị cũng không còn ngon nữa. Đó là 3 bước nào, bạn có thể tham khảo cách làm chi tiết dưới đây.
Rửa và ngâm xương
Đầu tiên, xương khi mua về phải rửa.
Cụ thể cách rửa ở đây không phải là cho xương vào nước bình thường rồi rửa mà sau khi rửa xuong với nước xong, cho vào chậu, thêm 1 lượng nước vừa đủ vào. Thêm nửa thìa giấm trắng vào nước rồi ngâm xương khoảng 3 tiếng để loại bỏ máu và mùi tanh của xương. Sau đó vớt xương ra, để ráo nước.
Thêm thịt
Trước khi cho xương vào nồi, tốt nhất bạn nên cho thêm một ít thịt vào nồi, nên chọn phần thịt ba chỉ, sau đó thêm xương vào. Việc vừa hầm xương cùng với thịt sẽ khiến nước xương có độ đặc sánh, có mùi thơm, làm nước hầm trắng và thơm hơn là bạn chỉ ninh xương không.
Như vậy, nguyên liệu cho thêm vào khi hầm xương chính là thịt, các bạn lưu ý nhé!
Chần xương - Hầm xương
Đến bước cuối cùng rất quan trọng, đó là chần các nguyên liệu. Cho các nguyên liệu (thịt, xương) đã chuẩn bị vào nồi nước lạnh, đun trên lửa lớn. Sau đó hạ lửa, đun liu riu trong khoảng 10 phút mặt nước sẽ trong, có nhiều bọt nổi lên, bạn nhớ dùng thìa vớt bỏ bọt để thịt và xương không hôi.
Vớt thịt và xương ra, dùng nước nóng rửa lại một ít bọt còn sót lại trên bề mặt. Sau đó cho xương và thịt vào nồi, thêm nước vừa đủ vào và bắt đầu ninh. Có thể thêm hành khô, vài lát gừng vào nước xương để ninh cho thơm. Chỉ cần bạn làm đủ 3 bước này, xương hầm sẽ rất thơm, trong và béo ngon hơn.
Lưu ý, không nên cho muối vào nước xương hầm sớm. Nhiều người có thói quen, cứ cho xương vào nồi hầm là nêm muối vào luôn. Căn bản mọi người đều nghĩ, cho muối sớm như vậy sẽ giúp xương đậm đà hơn, không bị nhạt, nước xương như vậy sẽ vừa miệng. Hoặc có người đợi đến lúc nước xương chuyển sang màu trắng đục thì cũng cho muối. Tuy nhiên hai thời điểm này bạn cho muối là không đúng vì còn quá sớm.
Việc cho muối sớm làm hạn chế chất ngọt trong xương "thôi" ra ngoài, cũng làm cho nước không trong bằng. Cho muối phải là lúc bạn đã hầm gần xong, chuẩn bị tắt bếp rồi. Lúc này, xương hầm giữ được hương vị nguyên bản nhất. Giá trị dinh dưỡng của món xương hầm sẽ cao.
Cho muối sớm sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng này, do đó, cho muối vào nồi sau cùng vừa để có tác dụng tăng vị nhất định, vừa để giữ dưỡng chất của xương hầm.
Sau khi hầm xương xong, bạn chỉ việc lấy nước xương và xương để nấu canh các loại rau củ quả mà bạn thích.