Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần đến dịp Tết Nguyên Đán, anh Đức Dũng cùng vợ con lại tự tay trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống để đỡ nhớ quê hương.
Dù sang Pháp sinh sống đã 10 năm nhưng anh Đức Dũng (37 tuổi Nantes, cộng hòa Pháp) vẫn chưa khi nào thôi nhớ Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán về, anh luôn cùng gia đình chuẩn bị những món truyền thống thơm ngon để hòa chung với không khí vui tươi, hạnh phúc đang diễn ra ở quê nhà.
Là nam giới nhưng anh Dũng không hề ngại vào bếp. Anh chia sẻ, thường người nào thích nấu ăn thì sẽ hay vào bếp, bản thân mình cũng không phải ngoại lệ. Anh mê bếp núc và thích làm những món ăn cho gia đình cũng như bạn bè thân thiết thưởng thức.
Anh kể, từ lâu lắm bản thân đã thích nấu nướng nhưng khi sang Pháp mới "phát huy" hết khả năng. Vì ở Pháp, có nhiều nguyên liệu thực phẩm hay món ăn châu Á không tiện lợi như Việt Nam, cái gì cũng phải tự làm, thậm chí nhiều người phải tự trồng rau Châu Á để có đồ ăn theo sở thích.
"Mình không nói quá đâu, khi sang Tây bạn sẽ tự hoá thành siêu nhân 3 đầu 6 tay, cái gì cũng biết làm và cái gì cũng làm được ấy. Về phần bản thân, mình thấy chuyện bếp núc khá đơn giản và nó mang lại cho mình niềm vui bởi vì được làm những món mình thích ăn và được ăn những món mình làm".
Dù sang Pháp đã hơn 10 năm nhưng anh vẫn nhớ Việt Nam tha thiết. Anh bảo, bản thân nhớ đủ thứ, từ con đường quê ven sông Hồng đến những mảnh vườn trồng đầy rau xanh trong ngõ nhỏ, nhớ cả những gương mặt đi chung với nhau bao tháng năm. Nhớ những bữa ăn gia đình sum họp dịp Tết, nhớ khung cảnh náo nhiệt của quê hương dịp lễ xuân. Sự nhớ nhung ấy nó còn thể hiện rất rõ trong các món ăn do chính tay anh nấu.
Vì không quen ăn đồ Tây nên các món anh nấu hàng ngày đa phần đều là đồ Châu Á. Với 8X, đồ Châu Á, nhất là đồ Việt ngon hơn, hợp khẩu vị với mình hơn. Một phần nữa, gia đình anh cũng muốn giữ chút văn hoá ẩm thực cho con. Hiện giờ đi học, buổi trưa bé ăn đồ Tây ở trường, tối về nhà bé lại ăn đồ Việt cùng bố mẹ.
Ông bố 8X chia sẻ, sống ở Pháp nên các nguyên liệu và thực phẩm Châu Á không đa dạng tươi ngon như ở Việt Nam. Tại các thành phố lớn hoặc các vùng tập trung người Châu Á nhiều thì mua được các nguyên liệu hay gia vị Châu Á sẽ dễ dàng hơn khi mà các siêu thị Châu Á, gian hàng thực phẩm Á, chợ trời... sẽ nhiều hơn. Nhiều vùng xa xôi muốn mua đồ Châu Á có khi phải đi xa tới 100km lại có giá đắt đỏ.
Vì gắn bó với ẩm thực quê nhà nên anh Dũng nấu ăn đồ Việt thường xuyên, từ cơm canh, bún phở đến nem rán, gỏi cuốn, các món chè ngọt... Anh cho biết, mình làm bếp khá nhanh nên cũng không thấy quá tốn thời gian. Hơn nữa, ông bố đảm hay kết hợp thời gian nấu ăn với gọi điện thoại cho gia đình hoặc xem tin tức, coi phim, hoặc cho con tập viết chữ nên một công đôi ba việc, rất nhanh gọn, tiết kiệm thì giờ.
Không chỉ thích vào bếp, tiêu chí quan trọng nhất của ông bố đảm khi vào bếp là món ăn hoàn thiện xong phải đẹp. Anh tâm sự, "Món ăn đẹp nhìn vào thích lắm, muốn ăn ngay ấy". Để những bữa ăn hàng ngày phong phú, đa dạng, anh thường xuyên thay đổi thực đơn. Chẳng hạn hôm nấu bún nước, hôm lại chế biến cơm canh, có bữa làm mì Quảng, có ngày anh chế biến bún chả. Ngoài ra, anh còn nói bản thân không gò bó trong việc hôm nay nhất thiết phải ăn cái này, mai ăn thứ khác mà nhà có gì nấu đấy. Trong tủ lạnh có thực phẩm gì anh sẽ làm món đó theo sở thích của bản thân.
"Ngoài bữa cơm gia đình, mình thường xuyên nấu bún, phở, mì Quảng... nói chung là đồ có nước vì đó là gu của vợ mình. Cả nhà đều thích ăn mấy món này nên mình hay nấu lắm", anh nói. Nhìn mọi người ăn một cách ngon lành món mình nấu anh Dũng rất vui vẻ. Mỗi lần nấu xong anh còn chia sẻ hình ảnh các món ăn hoặc bữa cơm nhà mình lên facebook, bạn bè nhìn thấy đều trầm trồ ngưỡng mộ và đùa "Sao không mở nhà hàng luôn đi nhỉ!". Mặc dù những lời khen, những lời vui đùa tuy mộc mạc, giản dị nhưng đó cũng là một trong những động lực để ông bố 8X chăm chỉ vào bếp hơn mỗi ngày.
Sang Pháp hơn 10 năm đồng nghĩa với việc ông bố 8X đã trải qua hơn 10 cái Tết xa xứ. Dù nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 nhưng anh Dũng vẫn đặc biệt coi trọng văn hoá truyền thống của quê hương đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Chính vì thế, Tết Nguyên Đán với anh vô cùng có ý nghĩa và bản thân cực kỳ coi trọng, chưa một lần bỏ qua.
"Đó là văn hoá của quê hương mình, không bỏ được. Xa xứ nên mình càng trân trọng và mong muốn được bảo tồn, phát huy nó cho con cháu biết. Mỗi lần đến dịp Tết Nguyên Đán là cảm xúc quê hương thân thuộc trong mình ùa về, rộn ràng và náo nức lắm. Trên các nền tảng mạng xã hội mọi người chia sẻ đủ các cung bậc ngày xuân và rộn ràng sắm tết nên khi thấy mình cũng vui lây ấy", 8X chia sẻ.
Anh tâm sự, từ khi lập gia đình, anh và vợ bắt đầu tự sắp Tết, đi chợ, chuẩn bị đồ cúng gia tiên, phong bao lì xì, trang trí nhà cửa... Các món ăn ngày Tết của nhà anh cũng rất đa dạng và đều tự tay làm. "Ngoài bánh chưng và giò chả đặt cửa hàng thì những món khác như xôi ngũ sắc, bánh dày, thịt kho, canh mướp đắng, nem truyền thống kiểu bắc, chân giò nấu đông... đều tự nấu và bày biện cho dịp Tết", anh nói.
Năm nay, cách Tết Nguyên Đán 2 tuần, anh đã đặt bánh chưng, giò chả các loại để đến gần ngày Tết sẽ đi lấy. Ông bố 8X kể, ở nước ngoài, mọi người Việt gói bánh chưng khá nhiều, nhưng anh thấy đặt bánh chưng ở những nơi chuyên sản xuất từ Paris gửi xuống ngon hơn nên anh chọn cách đặt những thứ này.
"Chắc cũng giống như mọi năm cả nhà mình sẽ làm cơm ngày Tết cho vui vẻ. Năm nay Tết Việt trúng dịp cuối tuần nên sẽ thư thả thời gian chuẩn bị hơn. Vào đêm giao thừa nào nhà mình cũng làm cơm Tết ấy. Vui lắm! Đúng giao thừa giờ Việt Nam nhà mình cũng cúng và gọi điện cho gia đình 2 bên chúc tết, nói chuyện, hàn huyên. Có thời gian thì làm nhiều món ăn, còn không thì cũng đơn giản hơn. Dịp lễ, Tết châu Á bên này, cộng đồng người Việt cũng hay tụ họp, tham gia các hoạt động đón xuân, lễ chùa, lễ hội văn hoá Tết... thành từng nhóm chơi với nhau", anh Dũng hân hoan cho biết.
Ra nước ngoài sống nhiều năm như thế, nhưng anh Đức Dũng luôn tâm niệm, văn hóa cội nguồn không thể bỏ qua hay lãng quên mà cần được gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc của nó. "Không chỉ Tết đâu mà còn cả ngôn ngữ, văn hoá cho trẻ ở nước ngoài. Mình là tuýp người truyền thống nên bên này không chỉ giữ văn hoá Tết cho con mà con còn học tiếng Việt cũng như văn hoá Việt Nam", anh nói.
Chính vì vậy mà hiện tại, con trai anh đã gần 6 tuổi nhưng có thể nói song ngữ, thành thạo tiếng Việt, rất háo hức khi Tết đến. Bé biết cúng cụ dịp Tết, biết các món ăn đặc trưng mùa Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho, nem rán truyền thống..., biết đến áo dài ngày Tết, biết đến trang trí mô tuýp truyền thống Châu Á...