Mụn trứng cá là bệnh da phổ biến và hay gặp ở tuổi dậy thì chiếm 80% ở nhóm tuổi này. Bệnh có thể không gây nguy hiểm nhưng khiến người bệnh mặc cảm, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống nhất là phái đẹp.
Tổng quan
Mụn trứng cá phát triển khi tuyến bã của cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhờn. Chất nhờn này kết hợp với tế bào của tuyến bã làm tắc nghẽn các lỗ chân lông.
Mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, bệnh có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát, với biến chứng thường gặp là sẹo lõm, hoặc sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có sự liên hệ khá rõ ràng giữa bệnh lý mụn trứng cá và xu hướng trầm cảm đặc biệt là ở người trẻ.
Ở độ tuổi trưởng thành, mụn trứng cá thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Biểu hiện
Biểu hiện của bệnh là nhiều loại tổn thương khác nhau như: nhân mụn, sẩn, mụn mủ, cục, nang… khu trú ở các vị trí tiết nhiều chất nhờn như mặt, lưng, ngực. Để thuận lợi cho công tác điều trị, bác sĩ lâm sàng thường chia tổn thương thành hai loại, đó là tổn thương viêm (mụn bọc, mụn mủ) và tổn thương không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen).
Cần lưu ý đến tính chất đa dạng trong tổn thương mụn trứng cá để phân biệt với phát ban trứng cá, vốn thường có triệu chứng là các sang thương đơn dạng (sẩn), cùng lứa tuổi và có thể xuất hiện ở vị trí ngoài vùng tiết bã.
Các giai đoạn phát triển
Mụn trứng cá phát triển qua 4 giai đoạn
Giai đoạn 1: Tắc nghẽn ống chân lông, các tế bào của tuyến bã và của ống chân lông khi chết sẽ được đào thải ra ngoài qua ống chân lông. Tuy nhiên, khi chúng không được đào thải theo cơ chế tự nhiên thì sẽ gây tắc nghẽn, ngăn chặn sự di chuyển của chất nhờn trong ống.
Giai đoạn 2: Sự hoạt động quá mức của tuyến bã. Lượng chất nhờn sản xuất tại tuyến bã được kích thích bởi hoóc môn, chủ yếu là testosteron. Do việc sản xuất hoóc môn của cơ thể tăng cao nhất vào những năm trưởng thành nên việc sản xuất chất nhờn cũng tăng nhanh. Nam giới thường bị mụn trứng cá nặng hơn nữ ở tuổi trưởng thành do lượng testosteron được sản xuất nhiều hơn. Người ta cũng thấy không có mụn trứng cá ở nam giới khi đã bị cắt bỏ 2 tinh hoàn.
Giai đoạn 3: Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes. Vi khuẩn Propionibacterium acnes hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân bị mụn trứng cá. Chúng sẽ kết hợp với lượng chất nhờn và các tế bào chết để làm tăng độ nghiêm trọng của mụn và sự sưng tấy ống chân lông.
Giai đoạn 4: Tình trạng sưng tấy của chân lông. Khi vi khuẩn Propionibacterium acnes tấn công lỗ chân lông, bề mặt của ống chân lông sẽ bị sưng tấy. Sự sưng tấy này gây nên mụn trứng cá mủ xuất hiện trên mặt da. Nếu sưng tấy kéo dài và không được chữa trị, các mụn u nang lông nghiêm trọng sẽ phát triển sau đó, dẫn đến nhiễm trùng cũng như tạo sẹo vĩnh viễn.
Nguyên nhân
Trứng cá có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Muốn loại bỏ mụn trứng cá, trước hết bạn cần biết những nguyên nhân tiềm ẩn gây mụn:
Stress
Khi bạn bị stress, cơ thể bài tiết hormon cortisol, cũng được gọi là hormon stress. Cortisol làm tăng sản sinh chất bã hoặc dầu từ tuyến bã nhờn, kết quả là gây mụn trứng cá. Vì vậy, bất cứ khi nào bị căng thẳng, hãy hít thở sâu và giữ bình tĩnh.
Di truyền
Nếu ông bà, bố mẹ hoặc anh chị em của bạn bị mụn trứng cá, bạn cũng có nguy cơ bị. Vì vậy hãy chăm sóc da ngay từ tuổi dậy thì để ngăn ngừa mụn trứng cá.
Sản phẩm chăm sóc tóc
Các sản phẩm chăm sóc tóc như dầu, gel tóc…tiếp xúc với da gây ra mụn trứng cá, đây là lý do tại sao bạn có mụn trên trán và má. Để phòng ngừa, bạn nên rửa mặt sạch sau khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc vì bất cứ lượng hóa chất nào còn dính lại trên mặt đều có thể gây mụn.
Mỹ phẩm
Các loại mỹ phẩm như kem làm dịu da, kem nền hoặc sản phẩm dưỡng da chứa bơ hạt shea, bơ ca cao hoặc dầu khoáng đều có thể làm tắc nghẽn các lỗ chân lông và gây ra các mụn đầu trắng. Hãy chọn các sản phẩm chăm sóc da một cách khôn ngoan phù hợp với da bạn.
Điện thoại
Khi bạn sử dụng điện thoại nói chuyện nhiều giờ, mồ hôi chứa vi khuẩn và bụi bẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông và bít kín nó, kết quả là gây mụn đầu trắng. Thậm chí, vi khuẩn và bụi bẩn mắc kẹt trên bàn phím của bạn. Vì vậy, hãy lau điện thoại thường xuyên hoặc sử dụng tai nghe.
Thuốc
Các thuốc như steroid, lithi và iod có thể gây ra mụn. Rất nhiều người tập thể hình hoặc vận động viên dùng các steroid đồng hóa bị mụn trứng cá ở vai, cánh tay, ngực và lưng.
Nhiệt độ và môi trường xung quanh
Nhiệt độ và môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng tới da theo nhiều cách. Khí hậu nóng ẩm thường khiến bạn đổ mồ hôi nhiều. Mồ hôi cùng với bã nhờn, bụi bẩn, da chết bịt kín lỗ chân lông của bạn, dẫn đến mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Nấu ăn nhiều giờ trong bếp cũng có thể ảnh hưởng tới da.
Thực phẩm
Có một hiểu lầm khá phổ biến là những thực phẩm cay, chứa nhiều dầu và không phải rau củ quả có thể gây mụn trứng cá, trong khi tác nhân thật sự gây mụn là các sản phẩm sữa và những thực phẩm có chỉ số đường cao. Hormon trong các sản phẩm sữa có thể làm tăng lượng androgen, gây ra mụn trứng cá.
Các hormon đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ trứng cá. Vì vậy, phần lớn phụ nữ thường bị trứng cá trước khi bắt đầu có kinh. Mất cân bằng hormon dẫn tới mụn bùng phát.
Cách chăm sóc đúng
Tùy vào mức độ nặng và nhẹ của bệnh mà có giải pháp điều trị thích hợp. Đối với dạng mụn nhẹ, ít thì có thể tự chăm sóc tại nhà. Điều quan trọng hàng ngày cần vệ sinh da sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ nhàng vùng mụn bằng nước sạch 2 lần/ngày để loại bỏ tế bào chết và chất bã nhờn. Điều này vô cùng quan trọng trong chăm sóc da nhất là da bị mụn. Vì vệ sinh sạch da rất quan trọng bởi nó sẽ giúp lấy đi những chất bụi bẩn, vi trùng trên da và giúp lấy đi những tế bào chết trên bề mặt để chuẩn bị cho da hấp thu tốt hơn các thuốc bôi.
Riêng đối với da nhờn cần thực hiện một số biện pháp sau: Nên sử dụng một loại sữa rửa mặt hoặc xà phòng dành cho da nhờn, mỗi ngày 2-3 lần hoặc sau khi ra mồ hôi nhiều. Ở những thời điểm không tiện rửa mặt (khi đang làm việc, học tập), có thể dùng các loại giấy thấm dầu để loại bỏ bã nhờn. Có thể rửa bằng nước ấm (không phải là nước nóng) cũng rất hữu ích.
Ngoài ra cần có chế độ sinh hoạt học tập, làm việc hợp lý. Tạo tinh thần thoải mái, giảm thiểu stress vì stress làm tuyến bã tăng tiết và đẩy mạnh quá trình viêm vì vậy cần ngủ điều độ, tránh thức khuya.
Cần hạn chế thức ăn ngọt, béo, đồ cay nóng (như chè, bánh ngọt, xoài, sầu riêng, xôi nếp, ớt, hạt tiêu…) nhất là người có tiền sử nhiều mụn trứng cá cần lưu ý. Các nhà dinh dưỡng học cho rằng thói quen dùng quá nhiều đường, chất béo, dầu mỡ (đặc biệt là đồ chiên nướng) sẽ khiến tình trạng mụn trứng cá phát triển. Cụ thể, các thực phẩm cần tránh là thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn có thể sẽ gây hại cho làn da. Nó làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Các loại đồ uống có chứa cafein có thể là nguyên nhân gây mụn trứng cá. Ngoài ra, tránh uống quá nhiều cà phê để duy trì một làn da mịn màng.
Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước mỗi ngày. Cần tăng cường ăn những thức ăn có thể ngăn ngừa mụn như: chất béo Omega 3 (có nhiều trong cá hồi, cá tuyết, cá ngừ), vitamin (A, B5), kẽm (trứng, ngũ cốc hay nấm) và các loại chất xơ trong rau quả. Ăn nhiều rau và trái cây không chỉ làm mát gan, giải độc mà còn làm làn da hồng hào, tươi trẻ và chống lão hóa.
Nếu tình trạng mụn không thuyên giảm cần tới cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để có biện pháp phù hợp hơn.
Những lưu ý khi bị mụn trứng cá
Khi bệnh mới phát, nếu bề mặt mụn bị bao kín thì sẽ tạo thành loại “mụn đóng” có màu vàng nhạt hoặc màu da (mụn đầu trắng); Nếu bề mặt mụn không bị bao kín, thông với bên ngoài sẽ tạo thành loại mụn mở, không khí bên ngoài cùng chất nhờn ở bề mặt mụn, kết hợp với nhau tạo ra phản ứng ôxy hóa khiến chất bã ở chỗ đó biến thành màu đen (mụn đầu đen). Hai loại mụn này nói chung là lành tính, vì khi khỏi không để lại sẹo. Điều quan trọng nhất lúc này là cần giữ vệ sinh da và tránh bị nhiễm trùng.
Nhiều người có thói quen nặn trứng cá để lấy nhân ra. Làm như vậy sẽ khiến cho lỗ nang lông bị giãn rộng và vẫn có thể lại hình thành ra một cái nhân mới. Khi nhân ở sâu trong chân mụn, nếu cố nặn sẽ dẫn đến phản ứng viêm xung quanh khiến da đỏ tấy lên.
Trường hợp móng tay hay dụng cụ không đảm bảo vệ sinh có thể khiến cho vi khuẩn lây lan sang những vùng lân cận, làm lớp thượng bì và trung bì bị tổn thương, vi khuẩn lan truyền theo đường máu, gây nên viêm nhiễm mưng mủ ở tầng sâu, tạo thành những mụn trứng cá cục (mụn mủ, mụn bọc...) hậu quả là để lại những vết sẹo lồi, lõm hoặc vết thâm...
Phòng bệnh
Bệnh mụn trứng cá là bệnh của da vì vậy cần vệ sinh da sạch sẽ vừa tẩy rửa bớt vi khuẩn cũng như chất bã nhờn vừa làm cho thông thoáng lỗ chân lông sẽ làm giảm bớt sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn. Nên rửa mặt nhiều lần trong ngày cùng với loại xà phòng chuyên dụng trong bệnh trứng cá, nếu da mặt nhờn, rửa xong nhớ dùng khăn mịn nhiều sợi bông để lau khô tránh làm xây xước da mặt. Không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh. Không nên ăn quá ngọt. Nên hạn chế ăn các chất cay như ớt, hạt tiêu, mù tạt...