Bệnh ghẻ - Biểu hiện và cách điều trị

Ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng, côn trùng gây nên… có đặc trưng là rất ngứa. Do ngứa gãi nên người bệnh sẽ bị mất ngủ dẫn tới suy nhược thần kinh, dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát…

Tổng quan

Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei gây nên, hay gặp vào mùa xuân hè. Ở những nước kém phát triển, điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém, bệnh có thể lây thành dịch địa phương. Ở nước ta, bệnh vẫn còn lưu hành khắp các vùng trong cả nước. Ngay cả những thành phố lớn, bệnh ghẻ vẫn tồn tại.

Con cái ghẻ có kích thước từ 0.3 - 0.5 mm. Cái ghẻ xâm nhập vào đường biểu bì da, đào hầm và đẻ trứng. Chúng đẻ từ 2 - 3 trứng/ngày và đẻ liên tục trong 4 - 6 tuần liền. Ghẻ đực chết ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ phối giống và ghẻ cái cũng chết sau khi đã đẻ hết số trứng của mình. Trứng nở thành ấu trùng và phát triển thành con trưởng thành chỉ trong vòng 3 - 4 ngày.

Bệnh ghẻ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ, nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm, tổn thương ghẻ thường ở vùng da mỏng có nhiều nếp nhăn. Chính vì vậy mà bệnh ghẻ được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cái ghẻ có thể sống ngoài cơ thể được 2 - 3 ngày.

Khi bị ghẻ, người bệnh có các triệu chứng: ngứa nhiều về đêm, ngứa tăng khi trời nóng, lao động, thể thao. Mụn nước ở vị trí đặc hiệu, kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn đùi, sinh dục, nách, núm vú ở phụ nữ. Điều đặc biệt là ghẻ không thấy ở mặt, đầu và 1/3 trên lưng. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, ghẻ có thể bị toàn thân. Có thể dùng kính lúp soi bắt được cái ghẻ nằm ở cuối đường hầm trong da.

Biểu hiện

Giai đoạn ban đầu: Ngứa là triệu chứng chính, làm bệnh nhân không thể chịu được và đi khám bệnh. Thường xuất hiện sau khi lây bệnh khoảng một tuần, ngứa ít về ban ngày, ngứa nhiều về đêm.

Giai đoạn về sau: Khi các thương tổn đã xuất hiện đầy đủ sẽ bao gồm:

Vị trí tổn thương đặc hiệu: Kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, cùi tay, bờ trước nách, quanh rốn, nếp lằn mông, chân, sinh dục ngoài... ở nam giới cần chú ý ở bao quy đầu, ở nữ giới cần chú ý ở vú, nhất là quanh núm vú, ở trẻ em cần chú ý đến lòng bàn chân.

Tổn thương cơ bản: Là những đường hang ngoằn ngoèo, hình chữ chi, màu trắng xám, dài vài mm, không liên quan đến lớp biểu bì. Đầu đường hang là mụn nước 1 - 2 mm, ký sinh trùng ghẻ thường cư trú ở đây.

Ngoài ra cần chú ý đến các tổn thương khác như: vết gãi, vết xước da, vết trợt vấy tiết, sẹo thẫm màu.

Đặc biệt nếu có sự lây lan trong tập thể, khêu bắt được cái ghẻ, nạo luống ghẻ, mụn nước soi kính thì chẩn đoán chính xác là bệnh ghẻ.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nếu không được điều trị mà để bệnh kéo dài có thể gây ra những biến chứng như ghẻ nhiễm khuẩn (ngoài các biểu hiện nêu trên còn có thêm các mụn mủ xuất hiện), ghẻ viêm da hóa (bên cạnh các biểu hiện của bệnh ghẻ còn có các tổn thương khác; đó là đám viêm da đỏ, 15 - 20cm đường kính, trên nền đỏ rải rác có mụn nước, vết trợt, khô hoặc chảy dịch, ngứa. Nếu không được điều trị tốt đám viêm da lâu ngày sẽ dẫn đến eczema) và ghẻ nhiễm khuẩn có biến chứng viêm cầu thận cấp là biến chứng nguy hiểm nhất.

Điều trị

Thuốc chữa ghẻ có nhiều loại:

- Đông y thường dùng lá cây ba gạc, lá đào đun nước tắm, nhựa cây máu chó bôi tại chỗ, tắm nước muối, tắm biển...

- Tây y có thể dùng một trong những loại thuốc sau:

D.E.P. (dietyl phtalat) là thuốc chống muỗi vắt đốt nhưng có tác dụng diệt cái ghẻ nhanh và rẻ tiền, ít độc tính. Bôi ngày 2 - 3 lần. Thuốc không nên dùng cho trẻ nhũ nhi và không bôi vào bộ phận sinh dục.

Benzyl benzoat (Ascabiol, scabitox, zylate) là thuốc rất tốt, độ an toàn cao. Bôi, xịt ngày 2 lần cách nhau 15 phút. 24 giờ sau, tắm gội giặt quần áo.

 Eurax (crotamintan) 10%, thuốc bôi có tác dụng chống ngứa và diệt cái ghẻ. Cứ 6 - 10 giờ bôi 1 lần thuốc an toàn có thể bôi vào sinh dục và trẻ nhũ nhi.

Permethrin cream 5% (Elimite) là thuốc chữa ghẻ ít độc tính nhất có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Lindane (gamma – benzen hexachlorid, kwell) xịt thuốc vào toàn bộ da từ cổ xuống chân. Sau 8 - 12 giờ, tắm rửa thay quần áo, xịt thuốc 2 lần/1 tuần thuốc chứa ghẻ nhanh nhưng độc với thần kinh nên không dùng cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

Đối với ghẻ vảy, ngoài thuốc bôi tại chỗ còn phải dùng thêm thuốc uống như ivermactin (đây là thuốc được dùng để điều trị giun chỉ từ năm 1987 nhưng lại rất hiệu quả và an toàn trong điều trị ghẻ, đặc biệt là ghẻ vảy).

Lưu ý khi điều trị ghẻ, phải điều trị cho cả những người sống chung trong gia đình hoặc trong cùng đơn vị, ký túc xá sinh viên, tẩy uế quần áo, ga gối. Trong mùa hè phơi quần áo, ga, gối 3 - 4 nắng. Quần áo giặt để 1 tuần sau mặc lại.   

Khuyến cáo phòng dịch bệnh sau mưa lũ

Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Ngoài ra, người dân cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng một số dịch bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết...

Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Tốt nhất là đậy nắp giếng trước khi có mưa lũ. Dù không ngăn cản được nước bẩn vào giếng thì cũng ngăn được rác và súc vật chết rơi vào giếng. Sau lũ lụt, phải thau rửa giếng nước, tát cạn nước, vét bùn cặn, sau đó dùng phèn chua làm trong nước giếng với liều lượng là 50g/m3 nước. Tiếp theo phải khử trùng nước bằng cloramin B với liều lượng 10g Cloramin B (loại 25%)/m3 nước. Đối với giếng khoan thì bơm hết nước đục và bơm thêm 15 phút nữa thì có thể dùng được.

Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời. 

Thông Tin Cần Biết

Nguyên nhân gây dị ứng da mẩn đỏ ngứa

Nguyên nhân gây dị ứng da mẩn đỏ ngứa

Thực trạng dị ứng da mẩn đỏ ngứa xuất hiện khá phổ biến trong những năm gần đây, khiến không ít người bệnh cảm thấy hoang mang, lo lắng. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn mắc phải tình trạng...

Bệnh da liễu khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY