Muốn cây hoa huệ đỏ nở đúng vào dịp Tết, cần phải có kỹ thuật xử lý một thời gian để cây huệ phân hóa mầm hoa.
Cây hoa huệ đỏ thuộc loại cây thân giả giống hành tây. Lá cây hẹp, nhọn, có màu xanh đậm, cọng hoa to tròn. Muốn ra hoa, cây huệ đỏ cần có một thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Trong điều kiện mùa khô ở Nam bộ, cây huệ bị thiếu nước khô héo hết lá, chỉ còn lại củ (thân giả), khi mùa mưa đến cây huệ sẽ ra lá và trổ hoa. Hoa huệ đỏ thường tươi từ 5-10 ngày rồi héo úa.
Huệ có nhiều màu khác nhau, mỗi màu có một nét đẹp riêng. Nhưng hoa huệ đỏ là biểu tượng của mùa xuân rực rỡ, đơm chồi nảy lộc. Hoa huệ nở to như một chiếc ô xoè, màu đỏ cam. Hoa thường nở vào mùa đông xuân và ra quả vào mùa xuân chuyển sang hè.
Cũng như các loại hoa huệ khác, huệ thường được dùng nhiều vào việc trưng bày hoặc cúng nhân dịp lễ, Tết. Cắm hoa huệ đỏ mỗi khi Tết đến xuân về, chủ nhà sẽ cảm thấy gia quyến được hạnh phúc, đầm ấm và sung túc hơn. Khi cắm hoa, chú ý rửa chân hoa và thay nước hằng ngày để giữ hoa được tươi lâu. Nước cắm hoa nên nhỏ vài giọt thuốc tím hay thuốc đỏ để diệt khuẩn gây thối chân hoa.
Cây hoa huệ đỏ ưa thích khí hậu mát, ẩm và đầy đủ ánh sáng, sợ nắng gắt. Vì thế, hoa thường được trồng trong chậu làm cây nội thất trang trí phòng khách, căn hộ, đại sảnh, hành lang… Hoa huệ đỏ chịu được nhiệt độ khá cao, từ 18 - 34 độ C. Nước tưới cây cần có độ pH từ 6 đến 7. Hạn chế tưới nước khi thấy lá vàng, củ già và sắp trổ hoa.
Muốn cây Huệ nở đúng vào dịp Tết, cần phải có kỹ thuật xử lý một thời gian để cây Huệ phân hóa mầm hoa. Bạn nên chuẩn bị gieo trồng hoa huệ trước vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch và chăm sóc chu đáo, bón phân đầy đủ (đặc biệt là phân lân) để cây sinh trưởng và phát triển.
Vào khoảng tháng 10 âm lịch, bạn chọn những cây có củ già và cắt bỏ hết rễ, phơi trong bóng mát cho đến khi củ khô héo. Trước Tết 1 tháng, bạn đem trồng củ đã chuẩn bị sẵn vào chuẩn hoặc giỏ tre vào hỗn hợp đất gồm: đất, phân hữu cơ, tro trấu. Chú ý không phủ đất kín gây thối củ. Đưa chậu vào chỗ mát, tưới nước hằng ngày.
Khoảng 15 ngày sau, củ ra mầm lá hoặc mầm hoa. Bạn đưa chậu ra nắng. 15 ngày tiếp theo, cây huệ sẽ nở hoa. Muốn cọng hoa ngắn, mập mạp, hoa to, tươi sắc và lâu tàn ngoài việc đưa chậu hoa ra chỗ nắng cần bón thêm phân kali.
Khi cắt hoa vào cắm, bạn chú ý nên thu hoạch vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Lần đầu cắt hoa, bạn dùng dao sắc cắt xéo bông gần sát củ để nước không đọng trong cọng hoa dễ làm thối củ.
Cây hoa huệ đỏ thường ít bị sâu rầy nên không cần tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên cần đề phòng rệp và nhện trắng bám ở mặt dưới lá.