Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ có thói quen há miệng khi ngủ. Hành vi này đã khiến các mẹ lo lắng và lựa chọn biện pháp dán băng dính vào miệng trẻ.
Chị Cao (sống ở Trung Quốc) là bà mẹ của 2 đứa trẻ, một bé gái 9 tuổi và một bé trai 15 tuổi. Cô con gái Bình Bình vô cùng đáng yêu và ngoan ngoãn. Nhưng một tháng gần đây, chị phát hiện Bình Bình có thói quen há miệng khi ngủ.
Ban đầu chị Cao nghĩ con đang gặp vấn đề về mũi, dẫn đến đường thở bị nghẹt nên con gái mới thở bằng miệng. Tuy nhiên, sau thời gian dài quan sát thì chị mới chắc chắn rằng, hành vi há miệng để thở của con gái là xuất phát từ thói quen, không có biểu hiện xấu về sức khỏe tai, mũi, họng.
Lo lắng thói quen này gây ra những tác động tiêu cực đến Bình Bình, chị Cao đã đưa con gái đến gặp bác sĩ để nhờ tư vấn. Sau đó, nghe theo lời bác sĩ nên chị đã “chữa” thói quen này bằng cách dán băng dính chuyên dụng để kìm hãm thói quen này của cô con gái Bình Bình.
Thói quen há miệng khi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, mà còn làm chậm sự phát triển của não bộ. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, trong quá trình lớn lên của trẻ, nhiều trẻ sẽ có thói quen há miệng để thở. Bố mẹ phải biết rằng, việc thở bằng miệng trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, mà còn ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.
Trong sinh hoạt hàng ngày, khi mẹ phát hiện trẻ há miệng lúc ngủ thì nên cẩn thận phân biệt xem trẻ có thở bằng miệng hay không? Vì một số trẻ vẫn thở bằng mũi dù đã há miệng, đây là hiện tượng bình thường và mẹ không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên, khi mẹ phát hiện trẻ thực sự thở bằng miệng thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời. Bởi một số bệnh có thể khiến trẻ thở bằng miệng, nếu bố mẹ bỏ qua hành vi này của trẻ và trẻ đã quen với việc thở bằng miệng thì sau này sẽ rất khó sửa.
Bố mẹ nên biết rằng, việc dán băng dính vào miệng trẻ chỉ phù hợp với những trẻ chỉ thở bằng miệng. Nếu do các bệnh khác, bố mẹ không được băng miệng trẻ, nếu không có thể sẽ khiến trẻ ngạt thở bất cứ lúc nào.
Trẻ há miệng khi ngủ có ảnh hưởng gì?
Khi trẻ há miệng thở trong thời gian dài, thì sẽ dễ dẫn đến hình dạng khuôn mặt của trẻ có những thay đổi nhất định, như trở nên dài ra. Điều này sẽ làm cho ngoại hình của trẻ không được ưa nhìn.
Bên cạnh đó, răng cũng mọc không đều trên khuôn mặt của trẻ, trường hợp nặng sẽ khiến răng cửa chìa ra ngoài, hình thành răng vẩu và các đặc điểm không có tính thẩm mỹ khác.
Răng không đều, răng cửa hàm trên chìa ra ngoài sẽ khiến gương mặt của trẻ giảm đi tính thẩm mỹ.
Sở dĩ có ảnh hưởng này vì khi trẻ thở bằng miệng, lưỡi sẽ đi theo hàm dưới, chỉ bằng cách này, không khí mới có thể đi vào cơ thể một cách thuận lợi và trẻ có thể hít thở không khí.
Chính hành động đó đã khiến sự phát triển răng miệng của trẻ bị thay đổi, khi thở bằng mũi, lưỡi dính chặt vào vòm miệng. Một chức năng của lưỡi là hỗ trợ sự phát triển của hàm trên, và làm cho răng hàm trên có trật tự hơn.
Một khi trẻ thở bằng miệng trong thời gian dài, lưỡi sẽ đè lên hàm dưới, không có cách nào tác động lên hàm trên để hỗ trợ sự phát triển của hàm trên, sự phát triển của răng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng hàm dưới bị thụt vào trong, cơ mặt của trẻ bị cứng.
Vậy tại sao trẻ lại có biểu hiện há miệng khi ngủ?
Trẻ há miệng khi ngủ có thể do sức khỏe của trẻ gặp vấn đề bất ổn, chẳng hạn như việc bị cảm lạnh sẽ khiến trẻ nghẹt mũi, dẫn đến tắc nghẽn đường thở nên trẻ phải chuyển qua trạng thái há miệng để thở.
Mặc khác, có thể là do trẻ chưa thay đổi được thói quen thở bằng miệng sau khi bị cảm lạnh, trong trường hợp này nếu bố mẹ không uốn nắn trẻ kịp thời, lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen xấu là há miệng để thở.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, bố mẹ cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao trẻ thở bằng miệng khi ngủ?
Ngoài ra, nếu amidan và vòm họng của trẻ to ra, sức cản đường hô hấp vùng mũi họng của trẻ sẽ tăng lên, đây cũng là nguyên nhân lớn khiến trẻ phải thở bằng miệng một cách vô thức.
Một điều hết sức quan trọng mà bố mẹ cần phải lưu ý, đó là việc trẻ thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở lúc ngủ. Chứng này sẽ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe về gan, tim và quá trình trao đổi chất ở trẻ.
Đặc biệt, một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, những đứa trẻ bị chứng ngưng thở khi ngủ có thể giảm đáng kể lượng chất xám, khiến não bộ chậm phát triển, ảnh hưởng đến chỉ số thông minh IQ của trẻ trong tương lai.
Vậy làm cách nào để bố mẹ có thể giúp con chỉnh sửa?
Cho trẻ đeo khẩu trang hoặc miếng dán chuyên dụng khi đi ngủ
Khi giúp con sửa thói quen xấu há miệng để thở, bố mẹ có thể đeo cho con loại khẩu trang hoặc miếng dán chuyên dụng khi ngủ, tất nhiên phải sử dụng đúng cách, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bố mẹ phải đảm bảo để lỗ mũi của bé ở bên ngoài, buộc bé phải ngừng thở bằng miệng và sử dụng khoang mũi để thở.
Miếng dán hoặc khẩu trang chuyên dụng là "trợ thủ đắc lực" giúp trẻ hạn chế biểu hiện há miệng khi ngủ.
Tăng cường rèn luyện cơ miệng
Bố mẹ có thể tăng cường rèn luyện cơ môi trên, dưới và cơ miệng của bé, chẳng hạn như có thể để bé dùng môi kẹp một miếng bìa cứng nhiều lần.
Thực hiện hình thức huấn luyện này cho bé ba lần một ngày và giữ thời gian huấn luyện từ 5 đến 10 phút mỗi lần. Điều này có thể từ từ sửa thói quen xấu thở bằng miệng của trẻ,
Tập cho bé ngậm miệng và phồng má
Bố mẹ cũng nên tập cho bé ngậm miệng và thổi hơi thường xuyên, chẳng hạn như lúc bình thường có thể dạy bé huýt sáo, mua cho bé vài chiếc loa nhỏ để bé rèn luyện khả năng ngậm miệng, đóng và thổi hơi thở của bé trong khi chơi.
Bên cạnh đó, hãy luôn khuyến khích trẻ ngậm miệng và thở bằng mũi, dần dần thay đổi thói quen thở bằng miệng của trẻ, thay vì thúc ép trẻ bằng những biện pháp mạnh như la mắng, đánh đập chỉ vì bố mẹ thiếu kiên nhẫn trong quá trình uốn nén, chỉnh sửa thói quen xấu cho con.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời
Nếu là thở miệng do viêm mũi, phì đại VA, phì đại amidan thì bố mẹ cần đưa trẻ đến khoa tai mũi họng để được tư vấn trực tiếp kịp thời từ bác sĩ.
Đối với bệnh viêm mũi, có thể dùng nước biển sinh lý xịt mũi để rửa sạch khoang mũi, hoặc phối hợp điều trị bằng thuốc xịt mũi. Còn nếu là do phì đại VA hoặc phì đại amidan thì mức độ tắc nghẽn cần được bác sĩ đánh giá và tiến hành điều trị. Trong trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ, bố mẹ nên thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe tốt cho đứa trẻ của mình.
Trong một số trường hợp, trẻ thở bằng miệng là dấu hiệu sức khỏe gặp vấn đề. Vì vậy, lúc này trẻ cần sự can thiệp kịp thời của bác sĩ.