Nếu cha mẹ không bỏ ngay quan niệm sai lầm này, răng của con sẽ sớm sún hỏng cả hàm

Ngày 24/03/2020 17:32 PM (GMT+7)

Thực tế, không hiếm những em bé còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2-3 tuổi nhưng đã sún hỏng cả hàm răng. Thậm chí răng trẻ cụt lủn hết, không thể thực hiện được chức năng nhai và cắn nữa. 

Nhiều bậc cha mẹ hiện nay vẫn giữ những quan niệm sai lầm trong vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ. Chính vì thế, không hiếm những em bé còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2-3 tuổi nhưng đã sún hỏng cả hàm răng. Thậm chí răng trẻ cụt lủn hết, không thể thực hiện được chức năng nhai và cắn nữa. 

Giai đoạn trước khi trẻ thay răng, nhiều người vẫn coi nhẹ vì nghĩ rằng đằng nào lớp răng ấy chẳng rụng rồi thay răng mới. Đợi tới khi mọc răng vĩnh viễn thì đánh răng thường xuyên cũng chưa muộn. Đó là một quan niệm sai lầm, chẳng những làm cho răng sữa của trẻ hư hỏng, ảnh hưởng đến chức năng nhai và việc ăn uống của trẻ trong giai đoạn này. Mà có khi nó còn làm hại đến chân răng, khiến cho việc mọc răng vĩnh viễn cũng bị ảnh hưởng xấu. 

Do đó, cha mẹ cần có ý thức bảo vệ răng miệng con ngay từ khi trẻ bắt đầu mọc răng, chứ không phải đợi đến khi trẻ thay răng mới bắt đầu cuống lên chăm sóc.

Nếu cha mẹ không bỏ ngay quan niệm sai lầm này, răng của con sẽ sớm sún hỏng cả hàm - 1

Không hiếm những em bé còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2-3 tuổi nhưng đã sún hỏng cả hàm răng. (Ảnh minh họa)

Phương pháp bảo vệ răng miệng cho trẻ có sự khác nhau ở mỗi giai đoạn, cụ thể:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Thời điểm này trẻ thường chưa mọc răng nhưng cha mẹ vẫn cần phải bắt đầu nuôi dưỡng ý thức bảo vệ răng miệng cho con. Cha mẹ hãy lau nhẹ nhàng môi, lưỡi và khoang miệng của trẻ bằng gạc vô trùng sau mỗi lần con bú. Việc ấy vừa giúp làm sạch khoang miệng con, vừa sớm tạo cho trẻ thói quen và ý thức vệ sinh răng miệng và thói quen ấy sẽ theo con đến suốt cuộc đời. 

- Khi trẻ bắt đầu mọc răng: Giai đoạn này mẹ có thể dùng bàn chải mềm (loại gắn vào đầu ngón tay) và một chiếc khăn vải mềm, sạch để vệ sinh răng miệng cho bé. Bắt đầu bằng việc nhúng bàn chải vào nước sạch hoặc nước muối sinh lý rồi chải sạch và kỹ các mặt của răng cũng như toàn bộ nướu. Sau đó kết thúc bằng việc dùng khăn mềm lau sạch răng và nướu của trẻ. 

- Trẻ trên 1 tuổi: Lúc này bé đã lớn hơn, cha mẹ có thể dùng bàn chải có lông mềm kèm kem đánh răng để chải răng cho con. Khi vệ sinh răng miệng cho bé, mẹ lưu ý đặt lông bàn chải hướng về phía đường viền nướu khoảng 45 độ so với răng, nhẹ nhàng xoay bàn chải và chải từng nhóm răng (khoảng 2 - 3 răng), chải cả 3 mặt của răng gồm mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai.

Ban đầu trẻ thường không thích kem đánh răng và hay nuốt kem đánh răng. Do đó, cha mẹ nên cẩn thận và cần hướng dẫn, nhắc nhở để trẻ không nuốt kem đánh răng. Chỉ nên sử dụng một lượng kem đánh răng vừa đủ (đối với trẻ chỉ bằng hạt đậu nhỏ hoặc cha mẹ cũng có thể phết một lớp thật mỏng trên bàn chải của trẻ). Chất fluoride có trong kem đánh răng sẽ làm răng trẻ thêm rắn chắc.

Nếu cha mẹ không bỏ ngay quan niệm sai lầm này, răng của con sẽ sớm sún hỏng cả hàm - 2

Cha mẹ nên giúp bé tạo thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày. (Ảnh minh họa)

Những lưu ý dành cho cha mẹ:

- Cha mẹ nên giúp bé tạo thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi ăn và đặc biệt là trước khi ngủ. Khi vệ sinh răng miệng cho bé, mẹ nên tạo không khí vui nhộn như kể chuyện, bật nhạc hoặc ca hát để trẻ thích thú và nhớ đến việc vệ sinh răng miệng với tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

- Cha mẹ nên định kỳ đưa trẻ đến nha sĩ khi trẻ được 6 tháng tuổi để khám sức khỏe răng miệng, kiểm tra, phát hiện và kịp thời có biện pháp phòng ngừa sâu răng. Mẹ không nên chờ đến khi trẻ bị sâu răng hoặc đau răng mới đưa trẻ đến gặp nha sĩ.

- Trẻ trên 3 tuổi có thể sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mặt trong của răng.

- Nên thay bàn chải cho trẻ khi lông bàn chải bắt đầu xơ cứng, khoảng 3 tháng/lần.

- Khi trẻ bắt đầu mọc răng, đây cũng là lúc vi khuẩn gây bệnh răng miệng dễ lây truyền từ răng này qua răng khác và từ miệng người này qua miệng người khác. Ví dụ như truyền từ mẹ sang bé thông qua việc hôn, nếm thức ăn hay mút núm vú giả trước khi cho trẻ bú. Do đó, để loại trừ lây nhiễm, cha mẹ không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ, không nên cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người thân trong nhà bị sâu răng, tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng.

Chăm sóc răng cho con sai cách, chẳng mấy chốc bé sẽ móm cả hàm
Trẻ nhỏ cần được vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngay từ khi mới bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên để tránh mắc bệnh răng miệng về sau.
Theo Hải Đường (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức nuôi con