Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ và ai cũng có thể gặp phải.
Tối ngày 4/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một thai phụ trẻ sinh năm 1996 đã tử vong tại Bệnh viện Việt Pháp - Hà Nội do bị mất máu quá nhiều sau sinh. Được biết thai phụ đã sử dụng dịch vụ thai sản và sinh trọn gói với chi phí gần 70 triệu đồng. Sản phụ sinh thường vào ngày 1/11 nhưng không may bị băng huyết, đã được phẫu thuật cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Sự việc sản phụ 24 tuổi tử vong tại bệnh viện Việt - Pháp đang thu hút sự quan tâm.
Đến sáng nay, đại diện bệnh viện Việt Pháp đã lên tiếng xác nhận sự việc và cung cấp thêm thông tin. Ông Jozef Alfons Peeters, tổng giám đốc bệnh viện cho biết nguyên nhân tử vong ban đầu của sản phụ N.Q.P (24 tuổi, sống tại Hà Nội) được cho là bị mất máu quá nhiều. 3 ngày các bác sĩ đã đưa ra nhiều phương pháp cứu chữa rất tích cực nhưng bệnh nhân bị suy đa tạng rất nặng dẫn đến tử vong. Ông nhấn mạnh rằng đây là một ca bệnh thực sự khó. Trong quá trình cấp cứu đã có những buổi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhưng không cứu được bệnh nhân.
Vậy hiện tượng băng huyết sau sinh là gì và nguy hiểm thế nào mà khiến nhiều bác sĩ phải "bó tay"?
Cơ chế gây hiện tượng băng huyết sau sinh
Theo Tổ chức Y tế thế giới, băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm 35% tỷ lệ tử vong, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của rất nhiều gia đình ở nhiều quốc gia.
Cơ chế gây băng huyết sau sinh như sau: Ở thai kỳ đủ tháng, tử cung và nhau nhận trung bình 500-800 ml máu mỗi phút qua hệ thống mao mạch kháng lực thấp của chúng. Dòng chảy cao này sẽ khiến cho tử cung khi có thai nếu có chảy máu vì một bất thường nào đó về mặt sinh lý sẽ bị mất máu đáng kể. Trong suốt thai kỳ, thể tích máu mẹ tăng khoảng 50%, giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể đối với sự mất máu khi sinh.
Quá trình chuyển dạ gồm 3 giai đoạn: xóa mở cổ tử cung, sổ thai và sổ nhau. Sau khi sổ thai, tử cung co hồi lại để giảm thể tích. Do nhau không có tính đàn hồi nên sự thu nhỏ của tử cung sẽ làm cho nhau tróc ra một phần khỏi vị trí bám. Máu từ nơi nhau bám chảy ra tạo thành khối máu tụ sau nhau, và chính khối máu tụ này sẽ làm cho nhau tiếp tục bong ra. Các cơn co của tử cung sẽ từ từ tống nhau ra ngoài. Sau sổ nhau, tử cung sẽ bắt đầu tiến trình co thắt, các sợi cơ đan chéo của tử cung co rút ngắn lại sẽ siết các mạch máu của tử cung ở vị trí nhau bám như những nút thắt được gọi là các “nút thắt sinh lý” hay “nút thắt sống”.
Tiến trình này cùng với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể sẽ tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp ngưng chảy máu. Trong trường hợp tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và số ra ngoài, băng huyết sẽ xảy ra. Hiện tượng đờ tử cung hoặc khả năng co hồi của tử cung giảm chiếm 80% các nguyên nhân gây băng huyết.
Theo thống kê, băng huyết là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sau sinh. (Ảnh minh họa)
Yếu tố tăng nguy cơ băng huyết sau sinh
Thông thường, phụ nữ sau khi sinh mắc bệnh băng huyết do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Trọng lượng của thai nhi quá to.
- Sản phụ bị rối loạn đông máu trước đó mà không biết.
- Thời gian chuyển dạ của người mẹ quá dài, nhất là trong trường hợp sinh con đầu lòng.
- Sản phụ đã từng nạo hút thai nhiều lần khiến niêm mạc tử cung bị viêm nhiễm.
- Sản phụ mang đa thai, nhiễm trùng ối, bị tiểu đường, có bất thường ở nhau thai.
- Chấn thương tầng sinh môn, rách âm đạo rách cổ tử cung…
- Băng huyết sau sinh còn bị ảnh hưởng do áp dụng phương pháp giục sinh không đúng cách.
Bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp không gặp các vấn đề trên nhưng vẫn bị băng huyết sau sinh. Đây là biến chứng sản khoa sản phụ nào cũng có thể gặp phải.
Phòng tránh băng huyết sau sinh
Để hạn chế nguy cơ xảy ra băng huyết sau sinh, mẹ bầu cần:
- Khám và quản lý thai nghén theo định kỳ, đặc biết là sản phụ mang đa thai, đa ối hoặc mẹ thấp bé,...
- Sản phụ cần được xử lý tích cực ở giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ bằng cách: kiếm soát tốt quá trình sổ nhau, đề phòng chảy máu sau sinh,...
- Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng.
- Tránh tình trạng thiếu máu, tránh để thai nhi quá nặng cân.
- Sau sinh, sản phụ phải được nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc nặng nhọc, không lo lắng quá mức.
- Trong thời kỳ hậu sản, phụ nữ nên giữ gìn vùng kín thật sạch sẽ, không đặt bất kỳ vật gì vào âm đạo để tránh nhiễm trùng. Tuyệt đối không thực hiện việc gần gũi chăn gối vợ chồng nếu thấy còn ra sản dịch để tránh nhiễm trùng.