Hành trình về quê ăn Tết của bác sĩ hiếm muộn: Đang đi nhận cuộc gọi của sản phụ phải quay lại mổ đẻ

Thảo Nguyên - Ngày 20/01/2023 14:00 PM (GMT+7)

Về đến Sài Gòn, bác sĩ Thạch lại phải vật vờ trong viện chờ đợi giờ mổ. Rồi cũng đến lúc chị Thủy lâm bồn và ca mổ đẻ kết thúc trong niềm vui của gia đình vợ chồng hiếm muộn cũng như cả ekip mổ.

Những ngày cận Tết, ai cũng mong sớm thu xếp công việc để được về quê sum vầy, đoàn viên và ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng những bác sĩ sản khoa và hiếm muộn lại khác, hành trình về quê ăn Tết của họ thường xuyên bị trễ vì những cuộc gọi của các thai phụ. Thậm chí nhiều lúc, sản phụ bất ngờ đi đẻ trước ngày dự sinh khiến họ buộc phải quay lại hỗ trợ mổ đẻ, chấp nhận về nhà ăn Tết muộn hơn dự định.

Đó chính là câu chuyện thường nhật nhưng cũng rất nhiều niềm vui mà nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trong ngày cuối năm.

Theo đó bác sĩ Thạch kể về vợ chồng chị Trần Như Thủy, 36 tuổi và anh Hoàng Văn Tuấn, 41 tuổi ở Biên Hòa. Lấy nhau đã lâu nhưng do mải làm ăn và ngại đi khám hiếm muộn nên bao năm nay anh chị vẫn chưa có tin vui. Cả 2 cũng không biết lý do tại sao vợ chồng “thả” tự nhiên bao năm mà vẫn chưa có bầu.

Bác sĩ Thạch thăm khám cho các mẹ bầu. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Thạch thăm khám cho các mẹ bầu. (Ảnh: BSCC)

“Năm ngoái, vào đợt dịch Covid-19, khi cả Sài Gòn đang rất căng thẳng thì anh chị Thủy đến chỗ tôi thăm khám. Mỗi lần gặp, vợ chồng chị và bác sĩ đều phải đeo khẩu trang kín mít, kính bảo hộ… nên bác sĩ và bệnh nhân không ai biết rõ mặt nhau. Thêm vào đó, mỗi lần đi khám vào và ra khỏi Sài Gòn lúc đó là một vấn đề rất khó khăn. Nhưng anh chị vẫn vượt lên tất cả, quyết tâm kiếm con chứ không muốn đợi thêm nữa”, bác sĩ Thạch nhớ lại.

Sau khi thăm khám cho vợ chồng hiếm muộn Biên Hòa, chị Thủy hoàn toàn bình thường. Riêng anh Tuấn gặp vấn đề tinh trùng bất thường nặng tất cả các thông số. Để có thai tự nhiên gần như khó có thể với tình trạng như vậy. Bởi thế vợ chồng chị Thủy quyết định tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

“Khi kích thích buồng trứng được mấy ngày thì phát hiện anh xã chị Thủy nhiễm Covid nên phải cách li tại nhà. Do chị Thủy xét nghiệm nhiều lần âm tính nên vẫn tiếp tục quy trình IVF. Thật may khi ngày lấy trứng anh Tuấn âm tính nên vẫn tiến hành thụ tinh bình thường. Vợ chồng chị được 03 phôi N3. Lần chuyển phôi đầu tiên, 1 phôi không có thai.

Mấy tháng sau vợ chồng chị quay lại chuyển tiếp 2 phôi còn lại. Lần này chị có thai, không phải một mà là song thai, đẹp hơn nữa là chị bầu 1 trai 1 gái. Cả 02 thai đều bình thường, phát triển tốt và khá đều do chị Thủy ăn uống bình thường, đi bơi đều đặn cả thai kỳ nên sức khỏe khá tốt. Chị cũng không bị đái tháo đường và không tăng huyết áp thai kỳ như nhiều thai phụ bầu song thai khác”, nam bác sĩ hiếm muộn kể lại.

Dự sinh của thai phụ Bình Dương là sau Tết Nguyên Đán nên ngày 23 Tết ông Công ông Táo sau khi khám thai cho chị Thủy xong, bác sĩ hẹn qua Tết khám lại và chuẩn bị lên lịch đẻ mổ. Chính bởi thế 24 tháng Chạp, nam bác sĩ hiếm muộn Thạch sau khi thu xếp công việc xong thì bắt đầu hành trình chạy xe về quê Phan Thiết ăn Tết như mọi năm.

“Khi chạy xe đến Cao tốc Long Thành - Dầu Giây thì tôi nhận được cuộc gọi của chị Thủy. Chị báo bị ra huyết, đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ nên nhập viện. Vì gia đình mong muốn tôi mổ cho chị để họ an tâm nhất nên tôi buộc phải vội vàng quay xe về lại Sài Gòn”, bác sĩ Thạch nói.

Về đến Sài Gòn, bác sĩ Thạch lại phải vật vờ trong viện chờ đợi giờ mổ. Rồi cũng đến lúc chị Thủy lâm bồn và ca mổ đẻ kết thúc trong niềm vui của gia đình vợ chồng hiếm muộn cũng như cả ekip mổ đẻ.

Sau khi mổ đẻ xong cho vợ chồng chị Thủy, do khá mệt nên bác sĩ Thạch đã phải ở lại Sài Gòn thêm 1 ngày để sức khỏe tốt hơn mới có thể chạy xe về quê ăn Tết được: “Dọc đường chạy xe về quê, tôi còn nhận được nhiều câu hỏi xin tư vấn của các mẹ bầu khác ngày cận Tết hay các sản phụ mới đẻ. Thế nhưng tôi không thấy phiền mà thấy rất vui và ý nghĩa vì điều mình làm. Cho dù sau đó phải mất thời gian để giải thích cho 2 con hiểu về sự chậm trễ của ba khi về nhà ăn Tết muộn”.

Dù về ăn Tết muộn, người mệt đừ nhưng vẫn vui và hạnh phúc vì được là người đón thành viên đầu tiên của gia đình sản phụ. (Ảnh: BSCC)

Dù về ăn Tết muộn, người mệt đừ nhưng vẫn vui và hạnh phúc vì được là người đón thành viên đầu tiên của gia đình sản phụ. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Thạch cũng cho biết, những lần chạy xe về quê giữa đường phải chạy lên mổ đẻ cấp cứu cho các sản phụ là chuyện bình thường. Trường hợp sản phụ Thủy không phải là trường hợp đầu tiên.

Nam bác sĩ hiếm muộn cũng khẳng định: “Chuyện sinh nở khó có thể đoán trước được giờ giấc. Vì thế là bác sĩ sản khoa hay hiếm muộn ngày Tết vẫn thường tất bật bận rộn với công việc của mình. Dù về ăn Tết muộn, người mệt đừ nhưng vẫn vui và hạnh phúc vì được là người đón thành viên đầu tiên của gia đình sản phụ, được mang lại niềm vui mẹ tròn, con vuông của bao thai phụ và gia đình; sự sát cánh chung tay của những người đồng nghiệp,... Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Tất cả điều này giúp chúng tôi mạnh mẽ, yêu nghề và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”.

Nỗi sợ Tết của những vợ chồng hiếm muộn: Không dám về quê, lủi thủi trong phòng trọ vì quá áp lực
Với nhiều người Tết đến là niềm vui và hạnh phúc, nhưng với các cặp vợ chồng hiếm muộn đang trong hành trình tìm con, Tết đến với họ luôn là một áp lực trĩu nặng trong lòng.

Tết nguyên đán

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Thân Trọng Thạch