Nhiều người lâu nay vẫn xem chứng đau lưng là “chuyện nhỏ” bởi dường như nó là bệnh thời đại và không ít người mắc phải, ngay cả giới trẻ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày lại không hề nhỏ chút nào.
Bác sĩ David Rogers, chuyên gia vật lý trị liệu hàng đầu tại Bệnh viện Chỉnh hình Hoàng gia Birmingham (Anh), nói rằng giải pháp cho bệnh đau lưng này có thể chỉ là một cuộc đấu tranh tâm lý đơn giản. Theo ông, có 10 cách dùng tâm trí để làm giảm cơn đau loại này:
1. Không cần cố chẩn đoán chính xác
Hầu như không thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau lưng của bạn. Nếu như bạn không bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm hoặc trước đây chưa bao giờ đau lưng, chứng đau lưng của bạn sẽ được phân loại là “không cụ thể”.
2. Giữ bình tĩnh
Nếu lo lắng thái quá, bạn sẽ vô tình khiến tình trạng bệnh gây “bực mình” hơn và khả năng hồi phục sẽ giảm. Vì vậy, không nên có bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào và hãy tự nhủ rằng bạn vẫn có thể đi lại như thường.
3. Sinh hoạt bình thường
Thay vì lo lắng, sợ hãi khi cơn đau lưng ập đến, bạn hãy làm việc bình thường ở mức độ thấp và từ từ tăng dần lên tùy theo khả năng của bạn. Thoạt đầu, điều đó sẽ làm cho bạn bị đau nhưng sẽ không gây tổn hại cho sức khỏe của bạn.
Những công việc nặng, thường xuyên sẽ làm các dây thần kinh trở nên mẫn cảm hơn và làm cơn đau tăng lên. (Ảnh minh họa)
4. Kiểm soát suy nghĩ
Hãy tránh những suy nghĩ tiêu cực. Khi cơn đau lưng tái phát, bạn hãy bỏ qua những ý nghĩ đại loại như “tôi sẽ không bao giờ vượt qua được” hoặc “làm sao trở lại bình thường đây?”. Thay vì vậy, hãy có suy nghĩ tích cực, chẳng hạn như “tôi có thể vượt qua” hoặc “rồi nó sẽ qua thôi”…
5. Tập hít thở
Những công việc nặng, thường xuyên sẽ làm các dây thần kinh trở nên mẫn cảm hơn và làm cơn đau tăng lên. Liệu pháp hít thở sẽ làm cân bằng hệ thần kinh của bạn, cơ bắp sẽ thư giãn và giảm chứng co thắt đột ngột khi đau lưng.
6. Tập thể dục đều đặn
Nếu bạn không tập thể dục đều đặn, quá trình hồi phục sẽ chậm lại. Bạn hãy mạnh dạn tập luyện bằng bất cứ hình thức nào có thể, như: yoga, bơi lội, đạp xe, dắt chó đi dạo…
7. Giảm tác nhân gây stress
Stress sẽ làm các cơ bó cứng, hệ thống thần kinh căng thẳng, gây ra cơn đau thường xuyên hơn. Khi bạn biết cách kiểm soát các yếu tố gây stress, cả bên trong nhà lẫn từ bên ngoài, bạn sẽ nhận thấy các cơn đau ít xuất hiện hơn.
8. Phát huy vai trò người thân
Người thân của bạn là liệu pháp tốt nhất thúc đẩy quá trình phục hồi. Hãy ghi nhớ những cách vận động có lợi cho lưng, đồng thời khuyến khích người thân giúp đỡ bạn trong việc luyện tập để chóng hồi phục hơn.
9. Tạo giấc ngủ ngon
Giấc ngủ êm đềm là một yếu tố cần thiết. Hãy hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại di động và truyền hình trước khi đi ngủ. Thay vào đó, hãy tập thói quen hít thở trước khi lên giường, giúp tâm trí, tinh thần được thư giãn.
10. Chuẩn bị tâm lý nếu không hồi phục
Bạn cũng nên có suy nghĩ lạc quan nếu bệnh đau lưng chưa thể phục hồi được. Lúc này, bạn nên có suy nghĩ theo hướng sớm hay muộn bạn sẽ tìm được liệu pháp thích hợp. Hãy nhớ rằng suy nghĩ tiêu cực chỉ làm bệnh thêm trầm trọng mà thôi!