16 trẻ mắc ho gà ở Hà Nội, chuyên gia khuyên làm ngay điều này nếu không muốn tử vong

Ngày 13/02/2019 14:30 PM (GMT+7)

Ho gà là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cho trẻ khi mắc phải. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận tới 16 trường hợp mắc ho gà trên toàn địa bàn thành phố. Trong số đó có tới 8 trường hợp được ghi nhận mắc trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ho gà là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong nhanh. Tuy nhiên, trong số các trường hợp mắc từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ho gà khác so với ho do nhiễm khuẩn hệ hô hấp thông thường. Vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn, ho rũ rượi không kiềm chế được cho đến khi tím tái mặt mày. Thậm chí là có thể ngừng thở, tử vong ngay trong cơn ho.

16 trẻ mắc ho gà ở Hà Nội, chuyên gia khuyên làm ngay điều này nếu không muốn tử vong - 1

Trẻ xuất hiện cơn ho gà thường ho rũ rượi, khó dứt.

Khi mắc ho gà, trẻ còn dễ bị các biến chứng nguy hiểm như gây viêm phổi nặng, xuất huyết não và trẻ càng nhỏ nguy cơ biến chứng càng cao... BS Hải cho biết, với những trẻ nhỏ khi mắc bệnh phải thở máy vì suy hô hấp thì rất khó để có thể tiên lượng. Đối với trẻ khi mắc ho gà sẽ mất khoảng 2-3 tuần điều trị liên tục.

Về đường lây truyền của bệnh, ho gà lây do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.

16 trẻ mắc ho gà ở Hà Nội, chuyên gia khuyên làm ngay điều này nếu không muốn tử vong - 2

Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vắc xin.

Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Vì thế, nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, chưa được tiêm phòng ho gà mà xuất hiện cũng hơn ho bất thường, ho rũ rượi, các bậc phụ huynh không  nên chủ quan, mà hãy đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện nguy cơ.

Dù là bệnh nguy hiểm, nhưng ho gà hoàn toàn có thể phòng tránh được được biện pháp tiêm phòng vắc xin. Theo đó, phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc  vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.

Ngoài ra, cần rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc vắc xin 5 trong 1 ComBe Five:

Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

20 ngày giành giật sự sống cho bé gái 16 tháng tuổi mắc ho gà nguy kịch
Do mắc ho gà bị biến chứng nặng, bé gái 16 tháng tuổi phải lọc máu liên tục và điều trị tích cực, sau 20 ngày điều trị cháu bé đã qua được cơn nguy...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ho