Người đàn ông vừa được xác định tử vong do bệnh dại từng tham gia thịt chó cùng họ hàng trong thôn, sau đó có biểu hiện phát bệnh, được đưa đến viện điều trị nhưng không qua khỏi.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vừa qua, tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là nam giới, 50 tuổi. Điều tra tiền sử dịch tễ cho thấy, trong gần 2 tháng trở lại đây, bệnh nhân đã tham gia giết mổ chó cùng một số người trong thôn, cả 2 con chó được thịt đều khỏe mạnh, đã nuôi hơn 5 tháng, chưa tiêm phòng. Người bệnh cũng không rõ có bị cắn hay có vết thương khi mổ chó hay không. Bệnh nhân chưa tiêm phòng vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Chiều 16/10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không rõ nhiệt độ), mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở.
Sáng 18/10, bệnh nhân được người nhà đưa vào BVĐK Mê Linh khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân kích thích, nói nhảm, không hợp tác. Ngày 19/10, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước nên được chẩn đoán nghi ngờ dại.
Khi mổ chó cần phải có dụng cụ bảo hộ dù là chó khỏe mạnh. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bệnh nhân tử vong 19h20phút cùng ngày và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Sáng 20/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời kết quả cho thấy, bệnh nhân dương tính virus dại.
Liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại, lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Bác sĩ Cường cho biết, đa số người khi lên cơn dại nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh: Lê Phương.
Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại nguy hiểm do người bệnh khi đã lên cơn dại có nguy cơ tử vong rất cao.
Theo bác sĩ Cường, người mắc bệnh dại có biểu hiện bất thường như sợ ánh sáng, sợ nước, sợ tiếng động, tăng tiết nước bọt. Nguyên nhân khiến người bệnh có những biểu hiện trên là do rối loạn thần kinh thực vật, tăng cảm giác kích thích.
Với người nhiễm virus dại, bác sĩ Cường cho rằng thời gian ủ bệnh được tính từ khi động vật (chó, mèo…) cắn đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thường 2-8 tuần. Có người ủ bệnh chỉ trong thời gian ngắn (10 ngày) hoặc thời gian rất dài (1 - 2 năm). Thời gian ủ bệnh càng dài, tiên lượng càng tốt hơn, thời gian ủ bệnh ngắn tiên lượng càng khó khăn.
Về phòng bệnh, vị bác sĩ này khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho vật nuôi, quản lý chặt chẽ chó, mèo… hạn chế thả rông. Khi cho chó mèo ra ngoài dường, cần rọ mõm.
“Nhiều người có quan điểm, sau khi chó cắn nếu chó không có bất thường (ốm, chết…) sẽ không phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên điều này là không chính xác bởi có thể trong cơ thể đã có virus dại tiềm ẩn. Sau một thời gian, virus này mới phát tác vì vậy cần phải theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của vật nuôi nghi dại…”, bác sĩ Cường khuyên.