Ăn quá nhiều đồ ngọt, trà sữa, đồ chiên rán... có thể làm tăng nguy cơ khiến mạch máu não bị tắc nghẽn, dẫn tới nhồi máu não.
Số liệu mới nhất do The Lancet công bố cho thấy số ca nhồi máu não mới trên thế giới đã lên tới 13,7 triệu ca. Nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ chủ yếu chỉ tình trạng xơ vữa động mạch não ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu, gây thiếu máu cục bộ và thiếu oxy tạm thời, sau đó gây hoại tử mô cục bộ và rối loạn chức năng thần kinh ở não.
Nhiều thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày có thể là nguyên nhân dẫn tới nhồi máu não.
Nhồi máu não phần lớn là do ăn uống, nguyên nhân do đâu?
Điều kiện sống hiện đại vượt trội hơn, và mọi người có nhiều lựa chọn hơn trong chế độ ăn uống. Không có sự hạn chế trong việc lựa chọn thực phẩm nên mọi người bắt đầu ăn uống như họ muốn. Tuy nhiên, chế độ ăn uống không kiểm soát không phải thói quen tốt, về lâu dài sẽ cản trở hoạt động của cơ thể.
Nếu bạn ăn uống không hợp lý, biểu hiện đầu tiên là tăng cân, kể cả ngày 3 bữa đều đặn mà dinh dưỡng không cân đối sẽ không có lợi cho sức khỏe. Sau khi tăng cân, nhiều vấn đề mãn tính sẽ theo sau, chẳng hạn như tích tụ chất béo dẫn đến khả năng tập thể dục bị hạn chế, và giảm khả năng trao đổi chất dẫn đến béo phì.
Cứ như vậy, chất béo trong cơ thể con người sẽ không chỉ tích tụ dưới da, mà thậm chí còn được vận chuyển theo đường máu và chảy đến khắp các bộ phận trên cơ thể. Nếu không được kiểm soát, lipid máu tăng lên và dính vào bên trong thành mạch mà chúng chảy qua, gây hẹp động mạch và làm cho việc cung cấp máu trở nên khó khăn hơn.
Tình trạng hẹp động mạch này cũng có thể xảy ra ở mạch máu não. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi một thứ gì đó (như huyết khối hoặc sự tích tụ lipid) tại một thời điểm nhất định, ngăn cản quá trình lưu thông máu bình thường, nó không thể tự phục hồi trong thời gian ngắn nên gây hoại tử thiếu máu cục bộ.
Nhồi máu não là một quá trình tích tụ lâu dài, thói quen ăn uống càng xấu thì tình trạng mạch càng trầm trọng. Xét thấy có nhiều yếu tố gây xơ vữa động mạch, chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ.
3 thực phẩm dễ khiến mạch máu não đặc dính, ăn càng ít càng tốt
1. Dưa chua, thực phẩm chế biến
Các loại thực phẩm như vậy thường chứa nhiều muối. Mặc dù muối là chất cần thiết cho cơ thể con người nhưng trong quá trình ăn mặn, con người rất dễ rơi vào tình trạng càng ăn nhiều thì vị càng nặng.
Muối được sử dụng chủ yếu để cân bằng lượng nước bên trong và bên ngoài mô tế bào, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, nếu nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ làm rối loạn cân bằng hoạt động của cơ thể, làm tăng huyết áp. Đây là yếu tố nguy cơ mạnh làm tái phát đột quỵ hay nhồi máu não.
2. Bánh ngọt, trà sữa
Những thực phẩm này chứa nhiều đường, và mọi người yêu thích đường một phần là do tác dụng cải thiện tâm trạng của nó. Một khi lượng tiêu thụ giảm, việc tiết ra các hormone khoái cảm sẽ giảm, và tâm trạng của con người sẽ trở nên khó chịu hơn nên lại tiếp tục thèm ăn đường. Do đó, các món ăn nhiều đường rất dễ gây nghiện.
Đường (glucose) là nguồn nhiên liệu chính của não. Nhưng nếu não tiếp xúc với một lượng đường quá lớn trong chế độ ăn uống sẽ rất có hại.
Glucose trong máu tăng cao gây hại cho các mạch máu. Tổn thương mạch máu là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng mạch máu của bệnh tiểu đường, tổn thương các mạch máu trong não và mắt gây ra bệnh võng mạc. Một khi các mạch máu não bị thương tổn lâu dài sẽ dễ dẫn tới nhồi máu não.
3. Thịt mỡ và đồ chiên rán
Mọi người đều thích món chiên với lớp vỏ ngoài giòn trong mềm tạo nên hương vị khó cưỡng. Tuy nhiên những món ăn này chứa quá nhiều dầu mỡ. Nạp quá nhiều chất béo sẽ dẫn đến tăng lipid máu, lipid máu càng cao thì khả năng bị xơ vữa càng lớn, về lâu dài mạch máu lên não sẽ bị thu hẹp dần, khả năng nhồi máu não sẽ tăng cao.
3. Ăn như thế nào để phòng ngừa nhồi máu não?
Điều đầu tiên cần làm là kiểm soát muối, dầu và đường. Có một giới hạn cho việc ăn những chất này, cố gắng không vượt quá giới hạn để giảm tác động của chúng đối với cơ thể con người.
Theo tiêu chuẩn, lượng đường, dầu và muối ăn hàng ngày của người lớn như sau: Không quá 6g muối mỗi ngày, khoảng 50g đường và 20g đến 30g dầu (lượng dầu tiêu thụ trong một ngày, kể cả dầu trong nấu nướng). Kiểm soát lượng ăn vào theo các tiêu chuẩn trên có thể tránh ăn quá nhiều đường, dầu và muối.
Thứ hai, cấu trúc khẩu phần và phương pháp nấu ăn cũng cần được điều chỉnh. Ví dụ, khi giảm lượng chất béo, bạn có thể thêm một số loại trái cây, rau và thịt trắng vào chế độ ăn của mình, chủ yếu là thực phẩm thực vật.
Đối với nấu ăn, nên sử dụng các phương pháp tương đối ít dầu mỡ như hấp, luộc thay vì xào và đun nhỏ lửa, không những có thể tránh được quá nhiều dầu, mà còn kiểm soát được lượng muối cho vào. Về kiểm soát đường, bạn nên cố gắng cai nghiện đường, nói chung nếu bạn không ăn đường trong vòng 1 tuần thì sự phụ thuộc sẽ giảm đi đáng kể.
Tóm lại, thói quen ăn uống là chìa khóa để duy trì sức khỏe con người, kể cả bệnh nhồi máu não, nguy cơ cũng có thể được giảm thiểu thông qua một chế độ ăn uống hợp lý. Khuyến cáo mọi người chủ động điều chỉnh cơ cấu khẩu phần ăn và kiểm soát hợp lý lượng đường, dầu, muối ăn vào để tránh xảy ra các vấn đề về sức khỏe.