4 thực phẩm tưởng tốt khi ăn trưa hóa ra gây lờ đờ cả chiều, ăn nhiều còn rước đủ bệnh, bất ngờ nhất là "trùm cuối"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/03/2023 14:12 PM (GMT+7)

Với rất nhiều người, bữa trưa là bữa ăn chính cung cấp năng lượng nhiều nhất. Tuy nhiên, có những thực phẩm khi sử dụng vào buổi trưa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, làm giảm sự tập trung cho công việc vào buổi chiều.

Hiện nay, không chỉ trẻ nhỏ và ngay cả người lớn đang coi bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày. Theo đó, do buổi sáng thời gian có hạn, nhiều người chỉ ăn cho có, ăn tạm rồi đi làm. Buổi trưa thường sẽ ăn nhiều và đa dạng thực phẩm hơn để “bù” cho bữa sáng, có sức làm việc buổi chiều.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết rất nhiều người hiện coi trọng bữa ăn trưa và cho đó là bữa chính. Cụ thể, nhiều người có thói quen mang theo cơm đi làm để buổi trưa ăn, thế nhưng bữa sáng thì lại đến công sở mới ăn bằng củ khoai, quả trứng, chiếc bánh mỳ hay nắm xôi... Như vậy bữa ăn sáng có thể no bụng nhưng nghèo nàn về dinh dưỡng, không đủ các nhóm chất thiết yếu cho cơ thể.

“Dưới góc độ dinh dưỡng, mọi người nên cân đối, chia đều nguồn thực phẩm nạp vào giữa các bữa ăn, không nên ăn quá tập trung vào một bữa. Chúng ta có thể bổ sung năng lượng theo tỷ lệ 35% bữa sáng, 35% bữa trưa và 30% bữa tối. Hoặc có thể 40-30-30 cho các bữa là hợp lý nhất”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Bác sĩ Hưng cho biết, nên cân đối năng lượng các bữa ăn trong ngày, không nên tập trung quá nhiều vào bữa trưa.

Bác sĩ Hưng cho biết, nên cân đối năng lượng các bữa ăn trong ngày, không nên tập trung quá nhiều vào bữa trưa. 

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, ngoài nạp cân đối thực phẩm giữa các bữa ăn, thì lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng với cơ thể. Với bữa trưa, nếu lựa chọn thực phẩm không hợp lý sẽ khiến tình trạng cơ thể uể oải, không tập trung để làm việc trong buổi chiều.

Theo bác sĩ Thu, bữa trưa lý tưởng nhất cần có sự kết hợp lành mạnh giữa carbohydrate (tinh bột) để có năng lượng bền vững, cùng với đó là protein và chất béo lành mạnh để tạo cảm giác no. Ngoài ra bạn có thể bổ sung một số loại rau để tăng cường vitamin và chất xơ cho cơ thể. Một vấn đề cần lưu ý khi chọn thực phẩm cho bữa trưa, mọi người cần tránh một số loại để cơ thể không rơi vào tình trạng uể oải, mất tập trung vào công việc trong buổi chiều. Cụ thể là những món sau:

Khoai tây chiên

Loại đồ ăn này chứa rất nhiều chất béo và muối, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bác sĩ Thu dẫn một nghiên cứu năm 2016 trên Tạp chí Y học Anh (BMJ) cho thấy, việc ăn nhiều khoai tây chiên không chỉ liên quan đến tăng huyết áp mà còn có thể chứa nhiều chất béo và ít protein duy trì năng lượng. Chế độ ăn nhiều carbohydrate (carb) có xu hướng khiến bạn buồn ngủ hơn.

Nguyên nhân là do sau khi ăn nhiều carb, lượng đường trong máu tăng lên; cơ thể giải phóng insulin để vận chuyển đường từ máu vào tế bào. Ăn quá nhiều carbs tiêu hóa nhanh như khoai tây chiên làm lượng đường trong máu tăng đột biến và cơ thể sẽ cảm thấy buồn ngủ hơn. Điều này có thể kích hoạt sự mệt mỏi vào buổi chiều.

Chuối

Chuối là loại quả không nên sử dụng trong buổi trưa, dù hàm lượng kali trong chuối cao, nhưng chuối chứa L-tryptophan, được chuyển đổi thành 5-HTP trong não, sau đó được chuyển đổi thành hormone serotonin và melatonin. Trong khi serotonin có thể cải thiện tâm trạng của bạn thì melatonin điều chỉnh nhịp sinh học và có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Tương tự, quả anh đào cũng không nên ăn vào buổi trưa vì chúng cũng chứa nhiều chất melatonin.

Cá hồi

Đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng cũng là thực phẩm không nên dùng vào buổi trưa vì dễ gây buồn ngủ. Bác sĩ Hoài Thu khuyên nên dùng cá hồi vào buổi tối vì chúng chứa nhiều vitamin B6, giúp kích thích cơ thể sản xuất melatonin - loại hormone gây buồn ngủ.

Cá hồi và salad rau trộn nước sốt đường được khuyên không dùng trong bữa trưa vì gây uể oải, buồn ngủ.

Cá hồi và salad rau trộn nước sốt đường được khuyên không dùng trong bữa trưa vì gây uể oải, buồn ngủ. 

Sinh tố có đường

Các loại sinh tố có đường cũng không nên sử dụng vào buổi trưa, ví dụ một ly sinh tố dâu tây lớn có thể chứa 610 calo, 154 gam carbs và 104 gam đường bổ sung, tương đương với 7 muỗng canh đường. Nếu chỉ dựa vào các loại carbs đơn giản, chẳng hạn như trái cây và thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung, có thể khiến bạn cảm thấy uể oải. Thay vì uống các loại sinh tố trái cây hãy chọn các loại carbs phức tạp có nhiều chất xơ tự nhiên như các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, đậu lăng, đậu đen…

Ngoài những thực phẩm trên, các loại đồ ăn như thanh năng lượng, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán quá nhiều dầu mỡ hay mỳ ống, thậm chí là salad cũng không nên sử dụng trong bữa trưa. Theo bác sĩ Hoài Thu, salad rau có thể là một trong những món ăn trưa gây ra sự mệt mỏi vào buổi chiều. Các món salad phủ nước xốt có thể chứa nhiều đường do chúng được làm từ nước xốt trộn sẵn. Để có món salad thực sự lành mạnh và ngon lành, hãy tự làm nước xốt ít đường và đảm bảo bổ sung đủ nhưng không quá nhiều protein.

Tóm lại để duy trì năng lượng và lượng đường trong máu, mỗi bữa ăn nên được cân bằng các chất như đường bột, protein, chất béo và đừng quên bổ sung các vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm và vitamin B để giữ cho quá trình trao đổi chất diễn ra suôn sẻ và tránh tình trạng mệt mỏi có thể xảy ra.

Phụ nữ văn phòng ăn trưa xong thường làm một việc, bác sĩ cảnh báo đó là tử huyệt khiến dạ dày kêu cứu
Nhiều chị em dù ăn uống đầy đủ, đúng giờ nhưng vẫn bị đau dạ dày mà không biết nguyên nhân vì sao. Ths.BS Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh...

Đau dạ dày

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chế độ ăn uống