Dưới đây là 6 loại thực phẩm chị em cần hết sức lưu ý kể cả trong khâu bảo quản lẫn hâm nóng lại. Hãy bảo vệ sức khoẻ gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán này.
Ngày Tết là chuỗi những bữa ăn kéo dài vô tận. Vì vậy, để tiết kiệm công sức chuẩn bị hoặc đồ ăn thừa còn quá nhiều, các chị em thường làm nóng lại các món ăn cũ cho bữa kế tiếp. Những tưởng đó là chuyện “thường ngày ở huyện”, nhưng thực chất lại ẩn chứa nhiều nguy hại.
1. Cơm
Lý do không nên hâm nóng lại cơm nhiều lần bắt nguồn từ chính cách bảo quản cơm trước khi làm nóng một lần nữa. Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm thì “gạo chưa nấu có thể chứa các vi khuẩn bào tử gây ra ngộ độc thực phẩm. Kể cả khi gạo đã nấu thành cơm thì loại vi khuẩn này vẫn có thể tồn tại. Nếu cơm chỉ được bảo quản ở nhiệt độ phòng thì vi khuẩn bào tử sẽ sinh sôi nhanh chóng và tạo ra chất độc hại, có thể gây nôn mửa, tiêu chảy. Đun nóng lại cơm cũng không thể ngăn chặn tình trạng này.”
Vậy nên, nếu muốn hâm nóng lại cơm thừa thì chị em cần bảo quản cơm dư cẩn thận, có thể để trong tủ lạnh thay vì để ở nhiệt độ phòng.
2. Thịt gà
Thịt gà là một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Tết với vô số món ăn như gà luộc, gà rang, gà nấu đông,… và việc hâm nóng lại những món gà là chuyện bình thường. Nhưng thật ra việc đun nóng lại thịt gà lại được các chuyên gia khuyến cáo có thể gây ra các căn bệnh về hệ tiêu hoá.
Lí do bởi vì hàm lượng protein trong thịt gà cao gấp nhiều lần thịt đỏ, và khi được hâm nóng lại, các protein ấy sẽ phân huỷ và kết hợp với những chất khác có trong dạ dày, gây nên hiện tượng đau bụng, chướng hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
3. Nấm
Nấm là một loại gia vị thường được sử dụng trong ngày tết, bên cạnh mộc nhĩ, giúp món miến hay thịt đông thêm đậm đà, hấp dẫn. Nấm thường được khuyên nên được dùng ngay sau khi chế biến. Theo Hiệp hội Thông tin Thực phẩm châu Âu, nấm chứa nhiều protein có thể dễ dàng bị phá huỷ bởi các enzyme và vi sinh vật.
Nếu không được bảo quản đúng cách, những vi sinh vật có hại trong nấm sẽ tiếp tục sinh sôi, làm hỏng nấm, từ đó gây đau bụng nếu chúng ta tiếp hâm lại để ăn. Tuy nhiên, chỉ cần nấm được cất giữ trong tủ lạnh không quá 24 giờ thì không có vấn đề gì, nhưng khi hâm nóng lại lưu ý chỉ nên để nhiệt độ lên đến 70 độ C.
4. Khoai tây
Khoai tây là một nguyên liệu không hề xa lạ trong gian bếp của mỗi nhà, thường xuất hiện trên mâm cơm bằng những món ăn khác nhau như canh khoai hầm, súp rau củ hay khoai tây nghiền. Nhưng khoai tây không hề lành như vẻ bề ngoài cục mịch của chúng.
Nếu khoai tây được bảo quản ở nhiệt độ phòng thay vì được làm lạnh ngay sau khi chế biến, thì nhiệt độ ấm nóng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn botulism. Đây là một loại vi khuẩn khá hiếm gặp, và đặc biệt là mầm bệnh không thể bị tiêu diệt chỉ bằng nhiệt độ cao. Do đó, hãy để ra một phần không dùng đến và bảo quản lạnh ngay sau khi chế biến để tránh sự “xâm lăng” của vi khuẩn nếu muốn sử dụng lại cho lần sau.
5. Trứng
Trứng trong ngày Tết còn mang “trọng trách cao cả” hơn hẳn khi thường được dùng để làm cơm cúng ông bà. Sau khi hạ lễ, thường thì chúng ta sẽ hâm lại cho nóng để ăn “lấy lộc”. Nhưng liệu làm vậy có tốt không? Câu trả lời là không!
Trứng là một trong những loại thực phẩm cần đặc biệt tránh hâm nóng sau khi đã nấu chín. Bởi vì trong trứng có hàm lượng canxi, vitamin và nhiều yếu tố dinh dưỡng khác nữa, một khi tiếp tục xử lí qua nhiệt sẽ khiến những chất dinh dưỡng này mất đi, hoặc sản sinh ra chất độc có hại cho đường ruột.
6. Các loại rau lá mềm
Sau nhiều bữa lẩu hoặc chỉ đơn giản là những đĩa rau “giải ngấy” cho ngày Tết còn thừa, chị em sẽ tiếp tục “chế biến” chúng thành những món ăn nóng hổi cho bữa tiếp theo. Nhưng những loại rau lá mềm như rau muống, mồng tơi, rau cần, rau lang,… lại rất giàu sắt và nitrat, một khi bị đun nóng lần thứ hai, các nitrat có thể biến đổi thành nitrit – một trong những chất gây ung thư, vô cùng có hại cho sức khoẻ.