Thói quen được hình thành theo thời gian và khiến mọi người chủ quan, cho rằng chúng không đủ gây hại. Tuy nhiên nhiều thói quen xấu sẽ làm tổn thương cơ thể, đặc biệt là đe dọa sức khỏe não bộ.
Các chuyên gia Trung Quốc đã liệt kê 7 thói quen nhiều người đang mắc phải sẽ làm tổn thương não bộ mà không hay biết:
1. Ngủ không đủ giấc
Ngủ không đủ giấc sẽ khiến bạn cảm thấy trì trệ và hay quên vào ngày hôm sau, bởi khi mệt mỏi sẽ làm mất khả năng hoạt động của các tế bào thần kinh. Thiểu ngủ ngoài việc gây khó chịu về tinh thần, cũng ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và tư duy của chính bạn.
2. Không ăn sáng
Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Sau khi thức dậy vào buổi sáng, khi não thiếu năng lượng nhất, bạn cần có một bữa sáng tốt để bổ sung lượng chất dinh dưỡng đã bị mất đi sau một đêm ngủ. Nếu bạn bỏ qua bữa sáng, có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đại não. Nếu thói quen này diễn ra đủ lâu, sẽ đẩy nhanh quá trình chết của tế bào não.
3. Ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều trong thời gian dài có thể phá hủy chức năng tiêu hóa, làm tăng nguy cơ béo phì và mất trí nhớ. Vì béo phì có thể gây ra hội chứng chuyển hóa, dễ dàng gây tắc mạch máu não, thậm chí là thiếu oxy và hoại tử, làm tăng tốc độ suy giảm chức năng não và nguy cơ sa sút trí tuệ tăng cao.
4. Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm hỏng đáng kể các tế bào não và dễ dẫn đến chứng mất trí nhớ, điều này có liên quan đến việc làm mỏng vỏ não. Mặc dù vỏ não bị mỏng đi một cách tự nhiên khi tuổi càng cao, tuy nhiên các nghiên cứu chứng minh việc hút thuốc có liên quan đến việc làm tăng tốc quá trình bào mòn vỏ não, như một dấu hiệu sinh học cho việc suy giảm khả năng nhận thức ở người trưởng thành.
Mặt khác, quá trình phục hồi vỏ não có diễn ra, nhưng với tốc độ rất chậm. Lớp vỏ não là nơi thực hiện chức năng nhận biết như lưu giữ các ký ức, ngôn ngữ và sự nhận thức. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc dừng hút thuốc giúp phục hồi một phần vùng vỏ não bị “ăn mòn”.
5. Uống không đủ nước
Cơ thể chúng ta được tạo thành từ 70% nước, vì vậy nước rất quan trọng đối với mọi chức năng của cơ thể, bao gồm cả não bộ. Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu bạn tập thể dục với cường độ mạnh trong 2 tiếng, không bổ sung đủ nước, sẽ dẫn đến khả năng nhận thức bị suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đại não.
6. Ăn quá nhiều đường
Cơ thể và não bộ của chúng ta cần đường để hoạt động tốt, nhưng nếu nạp quá nhiều đường vào cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác nhau. Ngay cả nghiên cứu của Đại học New York chỉ ra rằng, mỗi ngày chỉ cần ăn bình quân 2,5 muỗng đường, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên 54%.
7. Làm việc trong môi trường căng thẳng
Căng thẳng có thể có tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả đại não. Khi căng thẳng quá độ, cơ thể sẽ tiết ra "cortisol", được mệnh danh là "hormone căng thẳng", không chỉ giết chết các tế bào não, mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, suy giảm trí nhớ.
Theo các chuyên gia, căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nhưng để căng thẳng mạn tính mang lại hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe bản thân. Các nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc để ngăn chặn tác động bất lợi của căng thẳng lên não.
Cách tích cực nhất để giải quyết stress và duy trì bộ não khỏe mạnh là tự thân mọi người tìm cách giảm stress, như ngủ đủ giấc, tập thể dục, kết hợp liệu pháp thư giãn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc đến bác sĩ khi cần thiết.