Từ khi biết được cây tầm bóp mọc ở bờ bụi có nhiều lợi ích sức khỏe, cụ bà 96 tuổi đã hái về làm rau ăn, nấu nước uống. Nhờ vậy, những năm qua cụ bà ít bị bệnh vặt, sống khoẻ, có làn da luôn mịn, hồng hào.
Cây dại mọc ven đường, cụ bà hái về làm rau ăn, nấu nước uống
Tầm bóp (còn gọi là cây thù lù) là cây mọc hoang dại ở hai bên đường, ở ruộng, trong vườn, trên bãi cỏ hay các khu đất hoang.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây tầm bóp có thể sử dụng được tất cả các bộ phận từ rễ, thân, lá, quả. Trong Đông y, tầm bóp có vị đắng, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi thấp, tán kết… Cây tầm bóp giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, kiểm soát mỡ máu, dùng trong các bài thuốc trị tiểu đường, cải thiện hệ miễn dịch, điều trị tay chân miệng…
Cây tầm bóp mọc nhiều ở nước ta. Ảnh minh họa.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cây tầm bóp không chứa độc tính và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin C, các chất Physalin A-D, F, L-O và Physagulin A-G có tác dụng chống lại sự hình thành, phát triển của các tế bào ung thư ở một số cơ quan trong cơ thể như vòm họng, phổi, gan, cổ tử cung. Đồng thời, các chất này còn giúp cải thiện miễn dịch của cơ thể.
Các nghiên cứu gần đây cũng nhận thấy, dược liệu này có khả năng kháng khuẩn tốt, chống co thắt, giúp giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp, chống nấm, chống đông máu…
Ở nước ta, cây tầm bóp phát triển khắp mọi nơi. Bên cạnh việc mọc hoang dại, cây còn được một số nơi trồng để làm rau ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh.
Ở tuổi 96, ngoài có làn da nhuận hồng, bà Nguyễn Thị Huynh (quê Hà Tĩnh) có mắt sáng, tai thính, tay chân nhanh nhẹn và không bị các bệnh của người già. Trong lần đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mới đây, các chỉ số xét nghiệm của bà đều cho kết quả bình thường. “Chỉ số huyết áp của tôi chỉ vượt ngưỡng một chút. Nhưng tôi vẫn được bác sĩ khen biết chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ dặn tôi cứ giữ các thói quen như đã làm mấy năm qua”, bà Huynh chia sẻ.
Theo bà Huynh, mấy chục năm qua, ngoài 9 lần sinh con, hay khi thời tiết thay đổi bà chỉ bị ho, đau đầu nhưng nấu nước lá xông hay uống thuốc là khỏi. “Tôi chỉ đến bệnh viện khám sức khỏe tổng quát, chưa bao giờ mắc bệnh phải nhập viện điều trị”, bà Huynh nói.
Chia sẻ về bí quyết chăm sóc sức khỏe của mình, cụ bà cho rằng không có bí quyết gì cao siêu, mấy chục năm qua, ngoài ăn uống đơn giản, thường xuyên vận động, luôn giữ tinh thần thoải mái, sống vui vẻ hòa đồng với mọi người, bà còn uống nước nấu từ các loại lá cây có sẵn trong vườn nhà hoặc đi hái về. Trong đó, loại cây bà dùng nấu nước uống nhiều nhất là cây tầm bóp.
Bà Huynh cho biết, nơi bà ở cây tầm bóp thường mọc trong vườn, 2 bên đường, ngoài ruộng rất nhiều. Trước đây, bà cũng chỉ xem nó là cây dại, không ăn được nên không để ý. Một lần thấy trên tivi nói về tác dụng của cây, bà đã hái về sử dụng. Với lá, quả chín thì bà sẽ làm rau ăn. Với phần thân, lá không bị sâu bà sẽ chọn những ngày nắng đẹp phơi khô, sau đó bảo quản trong bịch để nấu nước uống.
Ở tuổi 96, bà Huynh có làn da nhuận hồng, chưa phải vào viện điều trị bệnh. Ảnh: Tá Nam.
Để uống nước cây tầm bóp không có tác dụng phụ xảy ra và tốt cho sức khỏe, bà nấu nước không đặc, chỉ uống 2-3 ly/ngày. Những lần bị ho do thời tiết thay đổi, bà sẽ uống nước tầm bóp đặc hơn một chút và uống khi còn nóng để giúp tiêu đờm, thông họng. “Mấy chục năm qua, hầu như ngày nào bà tôi cũng uống nước cây tầm bóp. Bà còn dặn chúng tôi cũng uống như bà để tốt cho sức khỏe”, anh Nam (cháu bà cụ) chia sẻ.
96 tuổi có làn da nhuận hồng nhưng chưa bao giờ dùng mỹ phẩm
Anh Nam cũng cho biết, ở tuổi 96, bà Huynh có làn da nhuận hồng, ít nếp nhăn nhưng chưa bao giờ dùng đến mỹ phẩm. Cách của bà là ngoài uống nước cây tầm bóp, bà cũng luôn rửa mặt bằng nước sinh hoạt hay nước mưa và massage da mặt vào buổi sáng sau khi uống 1 ly nước ấm.
Theo bà Huynh, massage da mặt vào sáng sớm sẽ giúp da được vận động, cũng giống như cơ thể được vận động thì sẽ loại bỏ được các chất thải trên da, giúp da có thể trẻ lại, ngăn chặn được các nếp nhăn.
Các nghiên cứu chỉ ra, massage da mặt có rất nhiều lợi ích như giúp da chống lão hóa sớm, ngăn ngừa lão hóa da, lưu thông máu, giảm căng thẳng. Buổi sáng là thời gian cơ thể vừa trải qua một giấc ngủ dài, massage da mặt vào thời gian này có tác dụng đánh thức làn da để chuẩn bị cho một ngày mới, đồng thời giúp làn da hồng hào, tươi tắn hơn.
Massage da mặt là cách làm đẹp không tốn kém, nhưng rất hiệu quả. Ảnh minh họa.
TS.BS Bùi Tiến Hưng, Trưởng khoa Y học Dân tộc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết massage da mặt là cách làm đẹp không tốn kém, nhưng sẽ giúp làm tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện quá trình trao đổi, chuyển hóa chất bên trong… giúp cơ thể loại bỏ tế bào hư tổn, đồng thời tăng cường sản sinh, tái tạo làn da mới trắng mịn, hồng hào và tươi trẻ. Massage sẽ kích thích các mạch máu lưu thông tốt hơn, ngăn ngừa nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa da.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng khuyên, trước khi massage bạn cần rửa sạch bàn tay, thoa dầu cho lòng bàn tay để tránh thô ráp, tăng trơn tru khi massage da mặt. Cách thực hiện phải nhẹ nhàng, chậm theo nhịp và dùng ngón tay miết nhẹ vùng trán, vuốt và day tròn từ giữa trán sang hai bên, sau đó massage vùng lông mày, mới đến mũi, miệng, hai bên má.
“Chỉ cần 5 phút massage mặt cũng giúp da hấp thu nhiều nước, dưỡng chất, loại bỏ mụn đầu đen. Có thể thay đổi thành phần tự nhiên như mật ong, nước dưa leo để đa dạng dưỡng chất cho da. Lưu ý là tuyệt đối không vuốt từ trên xuống, ngoài vào trong vì sẽ làm tăng nếp nhăn, hay không nên massage quá nhiều.
Mỗi động tác chỉ làm 3-5 lần, không làm nhiều hơn. Nếu có nhiều thời gian nên chia khoảng cách massage trong ngày, ví như buổi sáng 5-10 phút, chiều 5-10 phút, tối 5-10 phút. Bởi khi làm quá nhiều lần thì lại có tác dụng ngược, vì sẽ làm các vùng cơ da bị chà xát tăng nhiệt sẽ đốt cháy các sợi collagen dưới da - sợi liên kết làm căng da mặt - dẫn tới đốt cháy chùng nhăn da mặt”, bác sĩ Hưng chia sẻ.