Đôi khi những vấn đề về sức khỏe lại bị gây ra bởi chính thói quen nấu nướng thiếu khoa học của bạn.
1. Dùng duy nhất một loại dầu ăn
Không phải tất cả mọi thực phẩm đều có thể nấu với dầu oliu, dầu thực vật hay bơ. Maggie Michalczyk – chuyên gia về dinh dưỡng tại Chicago khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ về từng loại dầu mà bạn có ý định sử dụng cho gia đình.
Bởi mỗi loại dầu/ mỡ sẽ chịu được một mức nhiệt độ khác nhau, giới hạn ấy gọi là “điểm khói”, qua mức đó, dầu có thể trở nên độc hại hơn. Giáo sư Grootveld, trường Đại học De Montfort ở Leicester đã đo nồng độ của các chất độc được tạo ra khi dầu ăn bị đun nóng tới những nhiệt độ khác nhau. Tại nhiệt độ điểm khói, dầu bị phân hủy, bị oxy hóa và các hợp chất độc (toxicologic) có liên quan có thể được hình thành như aldehyde và lipid peroxide.
Vì thế mỗi thực phẩm, mỗi cách nấu đều cần dùng những loại dầu khác nhau để tránh sản sinh ra chất độc.
2. Đun nóng dầu ở nhiệt độ cao
Như đã nói ở trên, có loại dầu có thể chịu được nhiệt độ cao nhưng có loại chỉ có thể chịu mức nhiệt thấp. Ben Roche, đầu bếp tại nhà hàng Michelin cho biết: “Một số loại dầu như dầu oliu, dầu dừa có chứa các hợp chất dinh dưỡng dễ bị phá hủy nếu đun nóng chúng ở nhiệt độ cao hơn “điểm khói”.
Vì thế nếu bạn định chiên, xào hay rang thì nên dùng các loại dầu chịu nhiệt độ cao hơn. Những món salad trộn sẽ phù hợp với các loại dầu có “điểm khói” thấp.
3. Chiên rán thực phẩm
Jeanette Kimszal – chuyên gia dinh dưỡng cho biết nếu tiêu thụ các đồ ăn chiên rán thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. Bởi việc chiên rán thức ăn có thể khiến các chất béo trong chúng bị biến đổi. Ngoài ra ăn nhiều đồ chiên rán cũng gia tăng khả năng mắc các bệnh như bệnh tim, tiểu đường. Đặc biệt, đồ chiên cũng là một trong những thực phẩm nên tránh khi bị ốm.
4. Nướng thịt
Christen Cupples Cooper, trợ lý giáo sư và giám đốc sáng lập Chương trình Dinh dưỡng tại trường Cao đẳng Y tế thuộc Đại học Pace cảnh báo việc nướng thịt ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất như HCAs (Heterocyclic Amines) và PAHs (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons) gây hại cho DNA của người.
Một số nghiên cứu còn cho thấy khi các chất này bị chuyển hóa có thể kích hoạt các enzyme liên quan đến ung thư.
5. Dùng sai đồ nấu nướng
Việc hiểu rõ về các dụng cụ nấu ăn cũng quan trọng như việc bạn hiểu kỹ về các thành phần trong thực phẩm. Bác sĩ Raul Serrano tại Palm Harbor tiết lộ dụng cụ nấu ăn có thể là thủ phạm sản sinh ra chất độc hại.
Một số dụng cụ nấu nướng như chảo rán, giấy thấm dầu, khay nướng bánh có chứa hóa chất nhân tạo perfluorooctanoic acid (PFOA hoặc C8). Chất này đã được một số nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ với ung thư và rối loạn chức năng gan.
Vì thế nếu có thể bạn nên lựa chọn các sản phẩm làm từ gang, thủy tinh, gốm hay thép không gỉ.
6. Giữ thức ăn thừa trong hộp nhựa
Một số sản phẩm hộp nhựa trên thị trường có chứa bisphenol-A (BPA) nếu chúng nhiễm vào thức ăn và xâm nhập vào dạ dày sẽ biến đổi giống như estrogen trong cơ thể. Từ đó làm tăng mức estrogen dẫn đến tăng cân, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, nhức dầu và tăng nguy cơ mắc ung thư.
Các chị em nên thay đổi thói quen đựng đồ ăn trong hộp nhựa bằng hộp thủy tinh.
7. Sử dụng quá nhiều muối
WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày (tương đương một thìa cà phê) để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.
Tuy nhiên hầu hết mọi người thường có thói quen cho nhiều muối khi nấu nướng hay thậm chí ăn các thực phẩm có chứa quá nhiều muối. Vì vậy, các chị em nên thay đổi sớm thói quen này để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
8. Cho quá nhiều đường
Ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, đẩy nhanh quá trình lão hóa, gây sâu răng. Tuy nhiên có không ít người khi làm các món tráng miệng thường sử dụng rất nhiều đường hay các sẩn phẩm có chứa đường như nước sốt, siro.
Vì thế bạn nên hạn chế lại lượng đường khi nấu nướng và nếu thích ăn đồ ngọt, bạn nên lựa chọn trái cây để thay thế.
9. Hạn chế chất béo khi nấu nướng
Có một thời gian các chuyên gia dinh dưỡng từng tin rằng chất béo có hại. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đã chứng tỏ rằng vẫn có những chất béo tốt cho sức khỏe như omega-3 fatty acid.
Chất béo lành mạnh cung cấp cho bạn năng lượng và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và sự trao đổi chất, hỗ trợ hấp thụ các vitamin A,D,E và K. Vì thế đừng dại mà bỏ qua việc nấu các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.