Rất nhiều người có thói quen tích cóp bát, đũa, thìa nhiều rồi rửa một thể, nhất là với những người trẻ, liệu việc làm này có an toàn và đảm bảo cho sức khỏe?
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Từ trước đến nay trong vấn đề vệ sinh bát đũa, các chuyên gia luôn khuyến cáo tốt nhất phải thực hiện ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với công việc bộn bề, những gia đình trẻ, hay những người ở một mình thường có thói quen cóp bát đũa sau khi ăn lại đợi nhiều rồi rửa một thể. Liệu điều này có đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng những loại bát đũa đó?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, theo nguyên tắc trong vệ sinh ăn uống thì việc làm trên là hoàn toàn sai lầm, tuy nhiên trong thực tế nó vẫn xảy ra hàng ngày.
Bát đũa ăn xong nên rửa ngay. (Ảnh minh họa)
Ông Thịnh cho rằng, không chỉ người độc thân mà ngay cả gia đình, nhất là gia đình trẻ dù không phải tích cóp lại để rửa một lần cho xong, nhưng lại có thói quen ăn bữa tối để sáng hôm sau rửa, ăn bữa sáng thì để chiều tối mới làm sạch...
PGS Thịnh khẳng định, việc bát đũa bẩn ngâm qua đêm hoặc để thời gian lâu mới rửa sẽ sinh sôi ra nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Bằng chứng rõ nhất là tình trạng đũa bát nhớt, thậm chí là có mốc vàng bám xung quanh.
“Trong số các loại vi khuẩn, nấm mốc cần đặc biệt lưu ý loại nấm màu vàng có tên Aspergillus rất có hại cho gan. Ngoài ra, còn có các loại vi khuẩn khác sinh ra và bám lại bát đũa, đồ dùng có rửa cũng rất khó để xử lý hết 100% được. Đặc biệt là tình trạng lây nhiễm chéo có thể xảy ra từ bán đũa ngâm lâu ngày, sau khi rửa xếp chồng lên sang bát đũa khô”, PGS Thịnh cho hay.
Ngâm hoặc để bát đũa qua đêm có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. (Ảnh minh họa)
Đáng cảnh báo hơn, tại Việt Nam các đồ dùng trong sinh hoạt ẩm thực hiện nay dùng nhiều bằng gỗ, tre, điều này lại càng nguy hiểm hơn nếu không vệ sinh sạch sẽ. PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đũa hay thìa bằng tre, gỗ nếu ăn xong ngâm qua nước để qua đêm thì vi khuẩn, nấm mốc sẽ ẩn nấp sâu vào trong khi việc rửa khó có thể cho ra hết được.
Ngoài ra, nhiều người còn có thói quen đổ dầu rửa bát vào ngâm cùng để khi rửa sạch hơn, điều này rất nguy hiểm, vì hóa chất có trong dầu rửa bát sẽ dễ dàng ngấm vào trong dụng cụ bằng tre gỗ, gây hại ngược lại cho con người.
“Tốt nhất ăn xong rửa ngay, không cần ngâm trước khi rửa. Sau khi rửa nếu có máy thì làm khô, khử khuẩn ngay. Gia đình nào không có máy sấy thì có thể phơi ngoài nắng 10 đến 15 phút hoặc lau khô trước khi úp lên cao, đúng nơi quy định”, PGS Thịnh khuyên.
Trước thông tin cho rằng việc vệ sinh bát đũa, thớt không đảm bảo từ đó gây nấm mốc và gây ung thư gan, PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương - GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện đã có bằng chứng khẳng định ăn phải một số loại ngũ cốc bị mốc có thể tăng nguy cơ mắc ung thư do chúng có chứa độc tố aflatoxin là chất gây ung thư gan.
Còn đối với các sản phẩm đũa mốc, thớt mốc không sạch nếu dùng sẽ dễ mắc bệnh lý cấp tính và ngộ độc khác. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc có chứa độc tố aflatoxin. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người chủ quan. Khi dùng đũa, thớt nên vệ sinh sạch sẽ ngay sau khi sử dụng để tránh ngộ độc cấp tính, mạn tính do các vật dụng này có nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng…
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh
Ngày Tết việc ăn uống nhiều, ăn đồ lạ rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhưng nhiều người thường lầm tưởng chỉ là rối loạn tiêu hóa nên chủ quan. Do vậy, việc nhận biết dấu hiệu...