Ai cần tầm soát bệnh tiểu đường?

Ngày 09/08/2013 11:00 AM (GMT+7)

Sẽ là sai lầm nếu tưởng rằng vì chưa có thuốc chủng ngừa nên không thể phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không vô cớ khi khẳng định bệnh tiểu đường là một trong các nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe cộng đồng ở thế kỷ này, mặc dầu bệnh không lây lan. Báo động là phải vì tỉ lệ nhiễm bệnh, ngay cả ở các nước có nền y tế tiên tiến, tròm trèm 10% dân số và sẽ tăng thêm. Điểm vô cùng đáng tiếc, theo dẫn chứng của chuyên gia ngành nội tiết, tối thiểu 1/3 số bệnh nhân tiểu đường đã không bệnh nặng nếu tham gia chương trình tầm soát căn bệnh từ tuổi trung niên, đặc biệt là các đối tượng hội đủ “tiêu chí” dưới đây:

Tuổi đời: Bệnh tiểu đường rồ ga tăng tốc từ tuổi 50, nam cũng như nữ, không chừa một ai. Thời điểm máu dễ biến thành “chè” thậm chí có thể sớm hơn nhiều, nếu nạn nhân trước đó có cuộc sống quá căng thẳng.

Ai cần tầm soát bệnh tiểu đường? - 1

Cá và các loại hải sản khác là thực phẩm tốt đối với người bệnh tiểu đường (Ảnh: Hồng Thanh)

Cơ tạng: Người có thân nhân trực hệ đã bị tiểu đường dễ là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường.

Vòng bụng quá cỡ: Các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường quả quyết là lượng mỡ đóng đô ở thành bụng càng nhiều, dù là do ít vận động hay uống quá nhiều bia, đều là đòn bẩy cho bệnh tiểu đường. Giảm cân cho bằng được nếu dư cân, tránh rượu bia càng nhiều càng tốt là biện pháp có tác dụng từa tựa chủng ngừa bệnh tiểu đường.

Làm biếng vận động: Phải vận động lúc còn trẻ là cách đơn giản để tránh cảnh sau này phải nằm dài trên giường bệnh vì tắc mạch máu đầu chi.

Thiếu thực phẩm xanh: Chức năng của tụy tạng, cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh đường huyết, tùy thuộc vào nhiều loại sinh tố và khoáng tố. Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường rõ ràng tỉ lệ nghịch với hàm lượng rau quả tươi trong khẩu phần. Ngược lại, ai càng mạnh miệng với thực phẩm công nghệ, người đó càng dễ bị bệnh tiểu đường.

Bệnh gan không được điều trị đến nơi đến chốn vì rối loạn chức năng gan do tổn thương nhu mô gan bao giờ cũng kéo theo rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo. Khi đó bệnh tiểu đường và tăng mỡ máu “bất chiến tự nhiên thành”.

Huyết áp cao: Bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh tiểu đường nhiều gấp 3 lần người tuy cũng có nếp sống dễ bị bệnh tiểu đường nhưng huyết áp trong định mức bình thường. Do đó không chỉ cần theo dõi huyết mà quan trọng hơn nữa là điều trị đúng bài bản.

Thiếu nội tiết tố giới tính: Dù nữ hay hay nam, người mãn kinh cũng như đàn ông bước vào giai đoạn mãn dục đều khó tránh tình trạng đường huyết dao động rồi nhích lần lên trên và cuối cùng vượt quá định mức bình thường.

 Người làm ca đêm: Rối loạn nhịp sinh học là lý do khiến tuyến thượng thận phản ứng sai lệch theo kiểu tự tăng đường huyết. Lâu ngày thành thói quen. Hậu quả là đường huyết tăng không vì thừa chất ngọt mà vì  thiếu ngủ.

 Nếu lưu ý các yếu tố nêu trên, không quá khó để đẩy lùi bệnh tiểu đường về bên kia lằn ranh sinh bệnh.

Theo BS. Lương Lễ Hoàng (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp