Hầu hết mọi người đều có quan niệm rằng rau bổ dưỡng hơn khi ăn tươi sống, và chúng sẽ mất đi giá trị dinh dưỡng sau khi nấu chín. Nhưng trên thực tế, một số loại rau có hiệu quả hơn khi chúng được nấu chín.
Bác sĩ Hong Yongxiang, Bệnh viện Đa khoa quân y thứ ba, Đài Loan chia sẻ trong chương trình Healthy Life rằng lycopene là một chất có nhiều chức năng, bao gồm chống ung thư, bảo vệ sức khỏe tim mạch, bảo vệ sức khỏe tuyến tiền liệt của nam giới, làm trắng da, chống lão hóa và chống nếp nhăn. Có một số loại thực phẩm rất giàu lycopene như cà chua.
“Tất nhiên, rau củ quả sống thường rất giàu vitamin C, nhưng điều quan trọng nhất của cà chua là lycopene trong đó”. Bác sĩ Hong Yongxiang cho biết sau khi cà chua được đun nóng, thêm dầu và giấm, lycopene thậm chí sẽ tăng gấp 7 lần so với khi chưa chế biến.
Bác sĩ Hong Yongxiang giải thích rằng sau khi cà chua được đun nóng, thành tế bào sẽ bị phá hủy, đồng thời lượng lycopene bên trong sẽ được giải phóng với số lượng lớn. Cũng vì lycopene là thành phần tan trong chất béo nên khi thêm dầu có thể chiết xuất nhiều lycopene hơn. Hơn nữa, việc bổ sung thêm giấm có thể làm gián đoạn cấu trúc carbon của lycopene, làm tăng hiệu quả dinh dưỡng hơn.
Ngoài cà chua, các bác sĩ còn công bố 4 loại rau quả bổ dưỡng hơn sau khi nấu chín.
1. Măng tây
Măng tây chứa axit phenolic chống oxy hóa, được giải phóng nhiều hơn sau khi nấu chín. Một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế cho thấy việc nấu chín măng tây làm tăng hàm lượng axit phenolic, có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Thực phẩm Quốc tế cũng cho biết măng tây nấu chín sẽ làm tăng hoạt động chống oxy hóa của nó từ 16% đến 25%.
2. Cà rốt
Cà rốt có một thành phần chống ung thư được gọi là falcarinol, thành phần này cũng tăng lên khi đun nóng. Trong bữa ăn hàng ngày, cà rốt gần như là thực phẩm duy nhất có chứa những hợp chất này.
Một nghiên cứu khác năm 2009 được đăng tải trên tạp chí Khoa học Thực phẩm cho thấy rằng nấu cà rốt với vỏ có thể tăng gấp ba lần sức mạnh chống oxy hóa tổng thể của chúng.
Lưu ý đừng chiên rán cà rốt vì phương pháp này làm giảm mức độ carotenoid xuống 13%.
3. Bí đỏ
Bí đỏ có chứa chất chống oxy hóa như beta-carotene, dễ hấp thụ hơn sau khi đun nóng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người áp dụng chế độ ăn các loại rau quả có chứa beta-carotene ít bị bệnh tim mạch (như đột quỵ, đau tim...) và có tỷ lệ mắc bệnh ung thư miệng và phổi (là các mặt bệnh rất phổ biến hiện nay) thấp hơn.
4. Cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt)
Cải bó xôi rất giàu axit oxalic, nhưng axit oxalic lại ức chế sự hấp thụ canxi và sắt của cơ thể. Nếu bạn muốn nhận được canxi và sắt trong cải bó xôi, cách tốt nhất là nấu chín rau để phân hủy axit oxalic.
Bên cạnh đó, việc hấp chín loại rau này sẽ giúp giữ được hàm lượng folate, một loại vitamin B quan trọng không chỉ đóng vai trò tạo ra DNA mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Ngoài những loại rau trên khi nấu chín sẽ tăng thêm dinh dưỡng, một số loại rau bắt buộc phải nấu chín để tránh gây hại, bác sĩ Hong Yongxiang liệt kê các loại rau như súp lơ thuộc họ cải, củ cải hoặc bắp cải có chứa nội tiết tố nữ, khi ăn sống rất dễ gây bướu cổ, hoặc tuyến giáp kém hoạt động, vì vậy phải nấu chín trước khi ăn.